Quốc hội giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Chiều nay (25/7), với 475/478 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,19% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.
Theo đó, 2 chuyên đề sẽ được Quốc hội quyết định giám sát tối cao trong năm 2022 đó là chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 và chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường
Đối với chuyên đề về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị giới hạn phạm vi giám sát, tập trung vào một số lĩnh vực như: Quản lý, mua sắm tài sản công tại các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập; việc quy hoạch, triển khai thực hiện các dự án đầu tư công… để tránh dàn trải, bảo đảm giám sát đạt chất lượng, hiệu quả.
Theo ông Bùi Văn Cường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề được cử tri, nhân dân quan tâm, theo dõi và được đa số các vị đại biểu Quốc hội lựa chọn (75.24%). Hằng năm, Quốc hội đều dành thời gian để đánh giá về vấn đề này, tuy nhiên, kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế
Do đó, cần thiết phải tiến hành đánh giá một cách toàn diện hơn. Kết quả giám sát hằng năm cùng với việc giám sát tối cao sẽ là cơ sở để thực hiện hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới.
Đối với chuyên đề về công tác quy hoạch, ông Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao chuyên đề này là rất cần thiết và phù hợp với lựa chọn của đa số các vị đại biểu Quốc hội (59.91%) nhằm đánh giá lại việc triển khai thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Đồng thời, phát hiện các vướng mắc, khó khăn để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch.
Đại biểu bức xúc chuyện phân bổ xe công
Trong phiên thảo luận về tình hình KTXH hôm nay (25/7), đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu: "Quốc hội không những phân bổ nguồn đầu tư công mà còn phải giám sát, kể cả thực hiện nguồn đầu tư công, vì có như vậy mới kiểm soát được nguồn lực quốc gia được đầu tư đúng mục đích và hiệu quả".
Theo đại biểu Phước: "Trong đầu tư công lần này, tôi thấy tập trung nhiều cho mua sắm thiết bị, xây dựng trụ sở.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước
Không tính toán kỹ sẽ gây lãng phí, trong khi nguồn lực của chúng ta còn rất nhiều hạn chế. Càng hoành tráng nhưng công năng sử dụng không hết sẽ gây lãng phí".
Nếu chúng ta tiết kiệm một phần kinh phí này để đầu tư một vài con đường cho người dân ở vùng sâu, vùng xa thì nhân văn, thiết thực và hiệu quả biết bao, ông Phước nói.
Bất cập thứ hai, theo vị đại biểu Quảng Nam, là liên quan đến việc sử dụng xe công.
"Trước đây, khối dân vận Mặt trận của huyện có 1 xe chung để phục vụ cho cả khối rất là thuận lợi, nhưng theo quy định của Nghị định 4 của Chính phủ thì cắt luôn tiêu chuẩn xe công cả khối Mặt trận. Nhiều huyện cách trung tâm của tỉnh lỵ tới 100km, mỗi lần đi họp không có xe, phải thuê xe đi lại rất vất vả, nhiêu khê, tốn kém", ông Phước thông tin.
Theo đại biểu Phước, vừa qua, để phục vụ vận động, giám sát, kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận rất lúng túng, không có xe đi công tác. Trong khi đó, số ngành ở cấp huyện có 4-5 công chức lại được cấp 1 xe ô tô, còn cả khối dân vận vẫn không được cấp ô tô, rất bất công", đại biểu bức xúc.
Lãng phí nhiều khi gây tác hại lớn hơn tham nhũng
Cũng nói về lãng phí, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, các cơ quan nhà nước cần hết sức tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí để tạo nguồn kinh phí, nhất là trong bối cảnh cần đảm bảo nguồn lực lâu dài cho công tác phòng, chống đại dịch, khi nguồn ngân sách nhà nước còn khó khăn, phải huy động các nguồn đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp vào quỹ vaccine.
Cử tri cho rằng, lãng phí cũng rất nguy hại và nhiều khi gây tác hại lớn hơn nhiều so với tham nhũng. Hiện chúng ta còn để lãng phí trong nhiều lĩnh vực, như nguồn lực, lãng phí biên chế, bộ máy hành chính cồng kềnh, lãng phí do các thủ tục hành chính rườm rà, lãng phí tài nguyên thiên nhiên, tài sản công.
Mặc dù nghị quyết của Đảng khẳng định chống cả tham nhũng và lãng phí, nhưng trong nhận thức của nhiều người vẫn xem nhẹ tính chất nguy hại của hành vi lãng phí, chỉ coi nó như là tồn tại, hạn chế, khuyết điểm.
"Trong khi phát hiện hành vi tham nhũng có thể gặp nhiều khó khăn vì đó là hành vi tội phạm ẩn, người phạm tội có quyền, có trình độ, thủ đoạn tinh vi thì hành vi lãng phí dễ dàng nhận diện hơn. Nếu kiên quyết, có chế tài mạnh chúng ta có thể chống lãng phí một cách hiệu quả và có thêm nguồn lực để phòng, chống đại dịch và phát triển kinh tế - xã hội", đại biểu Quảng Bình nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận