Chiều 4/6, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Văn An (đoàn Thái Bình) phản ánh, thời gian qua đã có nhiều chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí, song kết quả còn hạn chế.
Ông đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương đánh giá kết quả triển khai chính sách này.
Thông tin thêm việc báo chí phản ánh tình trạng cán bộ Bộ Công thương gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp khi xem xét hồ sơ xin hưởng ưu đãi, ông đề nghị Bộ trưởng cho biết phản ánh trên có đúng hay không và quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?
Trả lời đại biểu về thông tin có tình trạng nhũng nhiễu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ đã quyết liệt phòng chống tham nhũng lãng phí, xây dựng bộ máy hoạt động liêm chính, hiệu quả, tăng cường tiếp nhận trả kết quả trên môi trường số.
"99% thủ tục hành chính của Bộ Công thương áp dụng toàn trình cấp độ 4 và cải thiện đáng kể trong giải quyết thủ tục", ông nói.
"Với thông tin báo chí nêu về tình trạng nhũng nhiễu, Bộ đã chỉ đạo đơn vị liên quan kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm. Chúng tôi cam kết không bao che, làm nhẹ trách nhiệm vi phạm", ông Diên cho biết thêm.
Về chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí, Bộ trưởng Công thương nêu một số kết quả tích cực của ngành thời gian qua như tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành như dệt may, da giày đạt tới 50% và cơ khí đạt hơn 30%...
Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi còn rất nhiều hạn chế, như nguồn lực đầu tư của Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương vừa ít, vừa khó tiếp cận, chồng chéo với nhau.
Một số điều kiện hưởng ưu đãi còn khá ngặt nghèo, chưa thực sự phù hợp khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận.
"Chính sách thu hút FDI của chúng ta chưa ràng buộc, chưa khuyến khích để các doanh nghiệp FDI tăng tính lan tỏa cho doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm, chưa chủ động tìm hiểu nắm bắt thông tin về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ", ông Diên nói.
Hơn nữa, lĩnh vực này cần trình độ công nghệ và kinh nghiệm nhất định; Việc phổ biến tuyên truyền các chính sách ưu đãi đến cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; Rào cản gia nhập thị trường khó khăn…
Trước khó khăn này, thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục tham mưu hoàn thiện đồng bộ về chính sách, trong đó nghiên cứu xây dựng Luật Phát triển công nghiệp trọng điểm bao gồm những ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo, chế biến điện tử, hóa chất và năng lượng.
Tăng cường phân bổ nguồn lực cả Trung ương và địa phương để tập trung phát triển ngành này.
Triển khai hiệu quả chính sách ưu đãi, tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách trên phạm vi rộng và tăng cường chương trình hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng; Hỗ trợ các doanh nghiệp và đặc biệt phát huy hiệu quả của các trường đại học, cao đẳng thuộc ngành công thương…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận