Xã hội

Đại biểu đề nghị cân nhắc việc xem xét, thông qua luật trong một kỳ họp

13/02/2025, 21:31

Nhiều đại biểu đề nghị xem lại việc định hướng các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ được xem xét, thông qua trong một kỳ họp. Thực tế nhiều dự án luật khi trình Quốc hội vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, chiều 13/2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Qua thảo luận, nhiều đại biểu còn ý kiến khác nhau về quy trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật, trong đó có việc định hướng các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ được xem xét, thông qua trong một kỳ họp.

Đại biểu đề nghị cân nhắc việc xem xét, thông qua luật trong một kỳ họp- Ảnh 1.

Quang cảnh nghị trường chiều 13/2.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) bày tỏ nhất trí cao với nhiều nội dung mới được sửa đổi, bổ sung lần này trong dự thảo trình Quốc hội, sẽ góp phần nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian tới.

Góp ý về quy định trình tự xem xét thông qua dự thảo luật khi Điều 40 của dự thảo quy định trình tự xem xét thông qua cơ bản là trong một kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng cần cân nhắc thêm.

Thực tế cho thấy, nhiều dự án luật dù đã có quá trình xây dựng lấy ý kiến góp ý rất kỹ lưỡng, nhưng khi trình Quốc hội cho ý kiến vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Việc xem xét kỹ lưỡng các dự thảo luật trong hai hay nhiều kỳ họp là sự cẩn trọng, cần thiết trong công tác xây dựng luật. Đặc biệt, khi mục tiêu của chúng ta là xây dựng các luật mang tính ổn định và khả năng dự báo cao.

Đại biểu đề nghị cân nhắc việc xem xét, thông qua luật trong một kỳ họp- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu ý kiến tại nghị trường chiều 13/2.

"Nếu vội vàng quá chúng ta khó có thể làm kỹ lưỡng và gây ảnh hưởng chất lượng của văn bản được thông qua", đại biểu Nga góp ý và đề nghị giữ nguyên quy trình thông thường, xem xét thông qua các luật trong hai kỳ họp như hiện nay. Đối với những trường hợp cần thiết thì quy định xây dựng luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp), cho rằng việc thực hiện quy trình một kỳ họp rất hạn chế quyền tham gia đóng góp, góp ý của các đại biểu Quốc hội.

Do đó, theo ông, việc thực hiện quy trình một kỳ họp cần phải tham vấn, tham khảo và làm sao để đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu nhiều hơn.

"Làm sao khi bấm nút thông qua, dự thảo luật nhận được sự đồng tình, thống nhất cao trong Quốc hội", đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu đề nghị cân nhắc việc xem xét, thông qua luật trong một kỳ họp- Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) phát biểu đóng góp ý kiến.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) phân tích những lợi ích khi Quốc hội xem xét thông qua dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết trong một kỳ họp thay vì hai kỳ họp như trước đây, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Theo ông, nếu như Quốc hội bấm nút thông qua thì đây là sự thay đổi rất lớn và bứt phá, nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng pháp luật phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cũng như yêu cầu cải cách luật pháp và hành chính.

Đại biểu đề nghị cân nhắc việc xem xét, thông qua luật trong một kỳ họp- Ảnh 4.

Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) tham gia đóng góp ý kiến tại nghị trường.

"Cách làm đặc biệt là tạo ra sự linh hoạt và kịp thời trong điều chỉnh chính sách phù hợp với những dự án luật mang tính cấp bách, cần phản ứng nhanh với thực tiễn. Đồng thời giảm nguy cơ chậm ban hành văn bản luật ảnh hưởng đến công tác quản lý và điều hành nói chung của đất nước.

Tuy nhiên, khi luật được thông qua trong một kỳ họp cũng đặt ra những thách thức và phải có những giải pháp để giải quyết. Cần quy định rõ tiêu chí nào thì được áp dụng quy trình xem xét trong một kỳ họp.

Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định. Bộ Tư pháp phải chịu trách nhiệm chính trong việc rà soát, đánh giá tác động trước khi trình Quốc hội", đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu đề nghị cân nhắc việc xem xét, thông qua luật trong một kỳ họp- Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã tiếp thu, giải trình làm rõ các nội dung đại biểu Quốc hội nêu.

Theo Bộ trưởng, việc giải quyết những điểm nghẽn của thể chế có ý nghĩa quan trọng. Những điểm mới trong dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) sẽ góp phần khơi thông những điểm nghẽn này.

Làm rõ nội dung đại biểu nêu về quy trình, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết: Trong dự thảo luật lần này, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được thay đổi rất cơ bản.

Chính phủ là cơ quan quyết định chính sách để làm cơ sở xây dựng dự thảo luật trình Quốc hội.

"Vai của Chính phủ bây giờ là chịu trách nhiệm đến cùng, do vậy Chính phủ thấy khi nào đủ điều kiện, đủ chất lượng thì trình ra Quốc hội.

Trong trường hợp dự thảo luật đưa ra Quốc hội mà Quốc hội thấy không đủ điều kiện để thông qua thì vẫn có thể thông qua tại các kỳ tiếp theo. Tức là về nguyên tắc thì có thể thông qua một kỳ, nhưng không đủ chất lượng thì vẫn có thể thông qua kỷ tiếp theo", Bộ trưởng Ninh lý giải thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.