Xã hội

Đại biểu hiến kế để TP.HCM không lỡ thời cơ, cơ hội phát triển

26/05/2023, 07:00

Các ĐBQH cho rằng, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sẽ tháo gỡ các vướng mắc, tạo động lực phát triển.

"Hãy cho TP.HCM được chủ động triển khai các chính sách"

Sáng nay (26/5), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết này, trao đổi với PV Báo Giao thông bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, Nghị quyết được xem là một khung khổ pháp luật để TP.HCM đi trước, hành động trước, góp phần tháo gỡ các vướng mắc, rào cản cho chính bản thân thành phố này.

img

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Ông Cường cho rằng, sự đột phá của thành phố còn phụ thuộc vào con người và các điều kiện khác nhưng cần có khuôn khổ pháp lý làm cơ sở cho phép chính quyền thành phố hành động để đạt được những đột phá..

Chính phủ vừa có báo cáo mới nhất gửi Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Trong 44 chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, đáng chú ý có việc thành phố được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm.

HĐND TP.HCM quyết định bố trí ngân sách địa phương để chi thu nhập bình quân tăng thêm với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ; bảo đảm không vượt mức tối đa 0,8 lần quỹ lương cơ bản theo quy định.

Đồng thời, TP.HCM được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy.

"Hãy cho TP.HCM được phép thực hiện cơ chế và chủ động triển khai các chính sách, biện pháp để bảo đảm việc triển khai thực hiện một cách minh bạch, công khai với trách nhiệm giải trình rõ ràng”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói và cho biết, dù đây chưa thực sự là những "viên thuốc" đặc hiệu để phát huy tối đa tiềm năng riêng có của TP.HCM nhưng sẽ giúp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách đang cản trở sự phát triển của thành phố này.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng chia sẻ, nếu Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được thông qua ngay tại kỳ họp này sẽ giúp thành phố "không lỡ mất thời cơ, không lỡ mất cơ hội cho sự phát triển".

"Cả nước vì TP.HCM, và về phần mình, TP.HCM sẽ phải nỗ lực hết sức mình, quyết liệt hành động với quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị để thực hiện thành công các chính sách thí điểm, từ đó sẽ "chưng cất" thành các chính sách chung, dẫn dắt và tạo động lực cho sự phát triển của các địa phương khác", Bí thư Thành ủy TP.HCM nhìn nhận.

Cần trọng tâm trọng điểm, tránh dàn trải

Trong khi đó, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cho rằng, với 44 chính sách đặc thù phát triển TP.HCM theo đề xuất của Chính phủ như hiện nay khá dàn trải, cần trọng tâm trọng điểm hơn nữa.

Muốn làm được như vậy thì nguồn lực và cơ chế phải tập trung để giải quyết một số vấn đề cấp bách, quan trọng để thúc đẩy phát triển TP.HCM. Các giải pháp phải hướng đến những địa chỉ rõ ràng.

img

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình)

Đơn cử, nếu tập trung cho khu vực TP Thủ Đức cần xác định rõ tập trung quận nào, công trình nào, thời gian bao lâu và dự kiến quy mô nguồn lực là bao nhiêu, cần cụ thể, rõ ràng tránh các chính sách chung chung.

Ông Hiếu cũng kiến nghị nên mở rộng khai thác không gian mới với Thủ Đức và các vùng lân cận hơn là việc chỉnh trang không gian cũ, trên nền cũ gây tốn kém chi phí.

Theo vị đại biểu đoàn Thái Bình, cần hạn chế việc huy động nguồn lực từ người dân và doanh nghiệp và lấy ví dụ trong vấn đề phí và lệ phí khi đề xuất xây dựng BOT trên đường hiện hữu, thu phí nâng cấp hạ tầng khu công nghiệp - khu chế xuất.

"Dù việc này có mục tiêu tốt nhưng nếu sử dụng quá lớn trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn sẽ có những phản ứng bất lợi", ông Hiếu nhìn nhận.

Liên quan đến việc huy động nguồn lực con người, ông Hiếu cho rằng, bên cạnh thu hút nhân tài mới, cần thúc đẩy những người đang làm việc trong bộ máy của thành phố phát huy hết khả năng, tạo cơ hội cho họ đóng góp tối đa năng lực chuyên môn.

Sáng 26/5, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết này.

Sau đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

Tại buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Tiếp theo, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; Thành viên Chính phủ và các cơ quan, cá nhân có liên quan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.