>>> Chính phủ đề xuất loạt cơ chế đặc thù gỡ vướng cho các dự án giao thông
Tăng tính hấp dẫn cho dự án PPP
Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho hay, dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đã đưa ra 5 nhóm cơ chế, chính sách.
Với 5 nhóm cơ chế, chính sách đề xuất áp dụng thí điểm, sẽ giải quyết được các vướng mắc trong đầu tư, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ.
Đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống luôn vận động, phát triển.
Góp ý về cơ chế quản lý tài chính, thanh toán đối với vốn ngân sách Nhà nước tham gia trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đại biểu Thường cho hay, theo các quy định hiện tại thì nhà đầu tư phải chủ động bỏ vốn chủ sở hữu, vốn vay để thực hiện các hạng mục công trình trước (bao gồm cả phần chi phí thuộc phần vốn Nhà nước tham gia).
Chỉ sau khi hạng mục công trình đó được cơ quan ký kết hợp đồng dự án xác nhận đã hoàn thành thì mới được Nhà nước giải ngân.
Đại biểu Thường cho rằng, việc này sẽ làm giảm tính hấp dẫn nhà đầu tư tham gia, gây khó khăn không nhỏ cho nhà đầu tư khi thu xếp, bố trí vốn triển khai dự án cũng như ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
"Cần nghiên cứu cập nhật, điều chỉnh nội dung này vào Điều 4 dự thảo Nghị quyết theo hướng, phần vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP được thanh toán, giải ngân theo tiến độ, tỉ lệ tương ứng với phần vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng do nhà đầu tư huy động", đại biểu Thường nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) thống nhất phương án trình của Chính phủ tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, tức tăng 20% so với quy định hiện nay.
Điều này sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho loại dự án này khi phương án tài chính khả thi hơn, rút ngắn thời gian hoàn vốn; Tạo động lực thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân trong việc xây dựng các dự án đường bộ; Tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý Nhà nước do chi phí vận hành, bảo trì, khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện.
Theo đại biểu Quyên, khi các dự án được hoàn thành sẽ mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương còn khó khăn, đảm bảo việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh xã hội, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải cho doanh nghiệp và người dân.
Giao thẩm quyền thực hiện đầu tư cao tốc cho tỉnh là cần thiết
Về thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương và về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho hay, trong thời gian qua, nhiều địa phương có văn bản đề xuất cho phép họ được giao làm cơ quan chủ quản đầu tư, nâng cấp các đoạn tuyến quốc lộ, cao tốc thuộc địa bàn quản lý nhằm giải quyết những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông tại địa phương.
Tuy nhiên, những quy định hiện hành không cho phép địa phương là cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc vì đây là nhiệm vụ chi từ ngân sách Trung ương.
"Do đó, Nghị quyết được thông qua sẽ trao quyền chủ động, giao cho địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án của địa phương hoặc dự án đi qua nhiều địa phương, từ đó góp phần sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, thúc đẩy tiến độ hoàn thành dự án, gián tiếp hỗ trợ thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án PPP, dự án đầu tư khác. Đồng thời, tạo sự linh hoạt trong điều hành ngân sách, đáp ứng nhu cầu cấp thiết và thuận lợi hơn cho công tác quản lý dự án", đại biểu Quyên Thanh nêu ý kiến.
Đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) cũng cho rằng, với việc giao cho một địa phương làm cơ quan chủ quản đối với các dự án đi qua địa bàn hai tỉnh (dự án liên kết vùng) trong giai đoạn từ nay đến khi Luật Đường bộ được Quốc hội thông qua là hết sức cần thiết.
"Hiện nay, việc kết nối giao thông giữa các địa phương lân cận còn nhiều khó khăn hạn chế, đặc biệt tại các khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh. Một trong những nguyên nhân đó là các công trình giao thông này thường nằm trên địa bàn của hai tỉnh và hiện chưa có các quy định pháp luật đầy đủ để điều chỉnh đối với việc đầu tư xây dựng các công trình nêu trên", ông Sùng A Lềnh nêu quan điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận