Xã hội

Đại biểu lo du lịch chỉ biết thu tiền, di tích xuống cấp không trùng tu

10/08/2022, 16:29

Đại biểu Quốc hội phản ánh: Khách trong và ngoài nước phàn nàn vấn đề doanh nghiệp chỉ biết thu tiền, di tích xuống cấp không trùng tu.

Phân bổ 1.428 tỉ đồng để chống xuống cấp di tích

Chiều nay (10/8), tiếp tục phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (VH, TT&DL) Nguyễn Văn Hùng đã trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu quan tâm về giải pháp phát triển du lịch bền vững, tránh tình trạng doanh nghiệp chỉ biết thu tiền, di tích xuống cấp không trùng tu.

img

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 10/8

Theo đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn tỉnh Đắk Nông), trong thực tế hiện nay, tình trạng di tích bị biến dạng, trẻ hóa sau trùng tu, tôn tạo ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều địa phương trong cả nước. Bên cạnh đó, nhiều di tích lịch sử văn hóa không được bảo vệ, quan tâm đúng mức nên bị xuống cấp nghiêm trọng.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) nói gần đây, nền kinh tế ngày càng phát triển, các doanh nghiệp thường đầu tư vào khu vui chơi, nghỉ dưỡng giải trí, chứ ít đầu tư khai thác giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc. Đại biểu Thái đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp phát huy giá trị văn hóa lịch sử, nét đặc sắc mỗi vùng miền và du lịch xanh, bền vững.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, theo thống kê, cả nước có 40.000 di tích, gần 3.600 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, 8 di sản được UNESCO ghi nhận và nhiều di sản được cấp tỉnh ghi nhận.

Trách nhiệm về quản lý, phân tích, xếp hạng là do địa phương sở tại quản lý. Ở nhiệm kỳ Quốc hội trước, đã có nguồn kinh phí 245 tỉ đồng phục vụ bảo tồn, trùng tu cho khoảng 400 di tích. Tuy nhiên nguồn ngân sách này cũng chưa đủ sức để phục hồi tất cả di tích trên cả nước.

Bộ Kế hoạch đầu tư đang trình cấp có thẩm quyền phân bổ 1.428 tỉ đồng để chống xuống cấp di tích. Khi nhận được nguồn lực này, Bộ sẽ chuyển xuống cho các địa phương trùng tu, tôn tạo.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, để giữ gìn di tích, không chỉ cần nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương mà các địa phương phải tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước, tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Địa phương nào làm sai sẽ xử lý theo Luật Di sản

Như ý kiến của đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) về việc không làm trẻ hóa, biến dạng di tích sau khi trùng tu, ông Hùng cho biết Bộ VH, TT&DL chỉ có vai trò thẩm định, xác định việc có xâm hại hay không xâm hại. Các nội dung khác trách nhiệm chính là địa phương.

"Về các sai trái trước đây, Bộ cũng có chấn chỉnh để phát hiện uốn nắn, sửa chữa. Nếu sai phạm lớn, Bộ sẽ đề nghị xử lý và phải có cam kết sẽ tu bổ trả về nguyên trạng. Nếu địa phương nào làm sai sẽ xử lý theo Luật Di sản và quy định hiện hành khác", ông Hùng nói.

Tham gia tranh luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chưa nói về vấn đề nhiều người quan tâm là hạ tầng du lịch, môi trường thiên nhiên, tự nhiên bị xâm phạm. Doanh nghiệp tranh nhau thu hút khách, nhưng sự quan tâm đến di tích, môi trường lại ít được quan tâm.

"Khách trong và ngoài nước rất phàn nàn vấn đề doanh nghiệp chỉ biết thu tiền, còn di tích xuống cấp không trùng tu, thiên nhiên bị tàn phá, thậm chí xây dựng nhà hàng, khách sạn, nhà ở trong khu bảo tồn", ông Hòa phản ánh.

Nêu 9 nhóm giải pháp phát triển du lịch đến năm 2030, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VH, TT&DL đang hướng đến hai việc là phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, đa dạng, phù hợp thị hiếu mới của du khách, nhất là du lịch trải nghiệm.

Phương châm là mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch mới; kết nối các thị trường du lịch đưa khách đến. Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng được xác định là trung tâm điều phối khách đến các vùng miền.

"Du lịch ở Việt Nam phải dựa trên tài nguyên văn hóa. Hiện tại các sản phẩm du lịch chúng ta khá đa dạng như du lịch làng nghề, miệt vườn, sinh thái, nghỉ dưỡng, thăm di tích... Gần đây có sản phẩm kết nối các di sản Việt Nam với các nước khác", ông Hùng nói và đề nghị làm rõ cơ sở văn hóa để đưa khách đến sao cho khách muốn quay lại chứ không chỉ khách đến một lần cho biết. Các địa phương là điểm sáng trong thực hiện việc này như Huế, Hội An.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.