Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ & Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật đường sắt (sửa đổi) |
Sáng 30/5, Quốc hội dành thời gian thảo luận về Dự thảo Luật đường sắt (sửa đổi) sau khi nghe Chủ nhiệm uỷ ban Khoa học, công nghệ - môi trưởng Phan Xuân Dũng đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về nội dung này.
Đầu tư chính cho đường sắt vẫn là Nhà nước
Đề cập đến chính sách phát triển đường sắt, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết, có một số ý kiến ĐBQH đề nghị cần quy định tăng tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho đường sắt nhằm tạo vốn mồi để thu hút đầu tư, hoặc giao Chính phủ định hướng thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt.
Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, để khắc phục tình trạng tỷ trọng đầu tư cho hạ tầng ngành đường sắt so với các loại hình giao thông khác là rất thấp, khó huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước đầu tư và để có thể đáp ứng được yêu cầu của chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT đường sắt đặt ra; kinh nghiệm một số nước, kể cả các nước phát triển cũng cho thấy đầu tư chính cho đường sắt vẫn là Nhà nước. Vì thế, Dự thảo Luật đã bổ sung khoản 6 Điều 5, quy định “Nhà nước ưu tiên phân bổ ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm với tỉ lệ thích đáng để đảm bảo phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy hoạch”;bổ sung khoản 7 Điều 5 “Hàng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện chính sách, biện pháp để phát triển GTVT đường sắt; việc sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư cho GTVT đường sắt.”
Về ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt, có ý kiến cho rằng quy định này trong Luật chưa cụ thể, thiếu rõ ràng, chưa tạo được đột phá trong hoạt động đường sắt; đề nghị bổ sung quy định mức ưu đãi cao nhất trong đầu tư kinh doanh đường sắt, công nghiệp đường sắt về đất, vốn vay, thuế, tín dụng, hỗ trợ tiền đền bù giải phóng mặt bằng... cho các tổ chức, cá nhân trong đầu tư kinh doanh đường sắt, phát triển công nghiệp đường sắt.
Trên cơ sở ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ & môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, TVQH đã tổ chức rà soát các đạo luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định về mức ưu đãi, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực đường sắt trong Dự thảo Luật.
Cụ thể, về ngành nghề ưu đãi đầu tư đã mở rộng hơn so với Luật Đầu tư đối với 2 lĩnh vực là Kinh doanh vận tải đường sắt và công nghiệp đường sắt. Về đất đai, tiếp tục quy định miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia, công trình công nghiệp đường sắt. Về tín dụng, bổ sung ưu đãi, hỗ trợ cho đầu tư mua sắm đầu máy phục vụ kinh doanh vận tải đường sắt được hưởng ưu đãi về tín dụng như: Lãi suất vay, cấp bảo lãnh Chính phủ, vốn góp của Nhà nước vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công...
Đồng thời, Dự thảo Luật bổ sung Khoản 4 Điều 6 quy định về hỗ trợ dành riêng dải tần số vô tuyến điện phục vụ công tác điều hành GTVT đường sắt, hệ thống cung cấp điện sức kéo để phục vụ chạy tàu.
Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị tăng tỷ trọng đầu tư cho đường sắt - Ảnh minh hoạ |
Quy hoạch đường sắt phải phù hợp Luật Quy hoạch
Báo cáo về quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quy hoạch phát triển đường sắt cho rõ và cụ thể hơn; quy hoạch kết cấu đường sắt với các ngành vận tải khác phải được đồng bộ, trong đó kinh doanh đường sắt là chủ đạo; bổ sung quy định thời gian lập quy hoạch, điều kiện lập quy hoạch đường sắt, kỳ quy hoạch; thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ GTVT, của UBND cấp tỉnh trong quy hoạch liên tỉnh, địa phương,… Đề nghị rà soát lại nội dung quy hoạch GTVT đường sắt cho phù hợp với Luật Quy hoạch đang trình Quốc hội, phù hợp với tình hình hội nhập quốc tế.
TVHQ tiếp thu toàn bộ ý kiến này và đã sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch phát triển GTVT đường sắt tại Điều 7 của Dự thảo Luật. Trong đó, bổ sung quy định đối với nội dung, yêu cầu quy hoạch và làm rõ trách nhiệm lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển đường sắt đối với từng chủ thể. Nội dung sửa đổi, bổ sung cũng đã được rà soát, đối chiếu phù hợp với Dự thảo Luật Quy hoạch đang trình Quốc hội.
Về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động giao thông vận tải đường sắt, Uỷ ban TVQH đã sửa đổi, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định có liên quan về trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt cho cụ thể, rõ ràng hơn. Theo đó, quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ GTVT, UBND các cấp nơi có đường sắt đi qua, trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.
Trước thực tế của việc gia tăng số lượng đường ngang, lối dân sinh (riêng lối đi dân sinh 1 năm tăng 442 đường), tai nạn đường sắt xảy ra chủ yếu tại đường ngang, đường giao cùng mức và tự phát còn nhiều…, đồng thời bảo đảm thực thi các quy định này cho phù hợp thực tế, Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định việc xử lý các vị trí giao cắt không phù hợp và lộ trình thực hiện; bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp trong việc giao, cho thuê đất dọc hành lang an toàn giao thông đường sắt phải bố trí đất để xây dựng đường gom, cầu vượt, hầm chui, hàng rào để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt; quản lý, tăng cường các điều kiện an toàn giao thông tại lối đi dân sinh; giảm, xóa bỏ các lối đi dân sinh hiện có theo lộ trình; chịu trách nhiệm trong việc phát sinh lối đi dân sinh mới.
Không quy định lộ trình xây đường sắt tốc độ cao trong Luật Một số ĐBQH đề nghị làm rõ sự phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và sự cần thiết có chương quy định về đường sắt tốc độ cao trong Dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị bổ sung việc khẳng định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trong dự thảo luật để trình Quốc hội thông qua làm cơ sở cho việc triển khai dự án... Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, phát triển đường sắt tốc độ cao đã được xác định rõ trong chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 13 của Ban chấp hành T.Ư về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp vào năm 2020. Luật này cũng đã có quy định một số nội dung liên quan đến đường cao tốc để làm cơ sở pháp lý cho việc kêu gọi đầu tư, xây dựng và phát triển đường bộ cao tốc sau này. Vì vậy, UBTVQH thấy rằng việc bổ sung một số quy định về đường sắt tốc độ cao trong Dự thảo Luật là rất cần thiết để có cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị và đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao sau này. Về lộ trình xây dựng đường sắt tốc độ cao, TVQH xin không quy định trong Dự thảo Luật mà sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng ở bước lập báo cáo đầu tư dự án trên cơ sở Chiến lược, quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và khả năng huy động vốn, nhu cầu vận tải từng khu đoạn để trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận