Xã hội

Đại biểu Quốc hội chất vấn lần thứ 10 về "kỳ án gỗ trắc" ở Quảng Trị

15/08/2023, 12:12
image

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng tiếp tục đặt câu hỏi về vụ án gỗ trắc ở tỉnh Quảng Trị đến Bộ trưởng Tư pháp và Viện trưởng Viện KSND tối cao.

Bộ Tư pháp tham gia vào một việc duy nhất

Sáng nay (15/8), tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) tiếp tục đặt câu hỏi liên quan đến vụ án gỗ trắc ở tỉnh Quảng Trị. Đây là lần thứ 10 ông Thắng chất vấn nội dung này.

img

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị).

Ông Thắng dẫn lại thông tin trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 20/3 về xử lý vụ án ra quyết định trái pháp luật tại cơ quan CSĐT (C44 - Bộ Công an), Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho rằng, do không có cơ quan nào giám định, định giá lô gỗ vật chứng đã bán đi một cách khuất tất nên không có cơ sở đánh giá hậu quả, hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế, dù khởi tố vụ án nay phải đình chỉ.

"Vậy theo Bộ trưởng, trách nhiệm giám định này thuộc về cơ quan nào? Bộ trưởng có giải pháp gì để việc giám định vụ việc này được thực hiện và khi nào sẽ hoàn tất giám định?", đại biểu Hoàng Đức Thắng đặt câu hỏi.

Ông cũng gửi Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí ý kiến, tại sao cùng một lô gỗ vật chứng các cơ quan tố tụng đã căn cứ vào kết quả giám định, định giá trước đó để làm cơ sở buộc tội các bị cáo, nay lại bảo chưa có cơ sở giám định, định giá để xem xét hậu quả hành vi vi phạm bán vật chứng trái phép nên không có căn cứ khởi tố bị can.

img

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ Tư pháp tham gia vào một việc duy nhất trong vụ gỗ trắc ở Quảng Trị, đó là trả lời văn bản rằng các tổ chức giám định chưa được công bố trong danh sách có đủ thẩm quyền theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp để làm việc này không.

"Chúng tôi nói là đủ. Cụ thể, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật đủ điều kiện. Chúng tôi chỉ khẳng định về mặt hình thức và quy định của pháp luật về giám định, chứ Bộ Tư pháp không có thẩm quyền đi vào nội dung", ông Long nói.

img

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí.

Tạm đình chỉ không phải dừng điều tra

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, đây là hai vụ án, một là vụ án buôn lậu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đã được xét xử sơ thẩm và phúc thẩm; hai là vụ án ra quyết định trái pháp luật.

Ông Lê Minh Trí cho biết, cơ quan điều tra hiện mới ra quyết định tạm đình chỉ chứ không phải là dừng điều tra, khi có kết quả giám định sẽ phục hồi điều tra. Theo Viện trưởng Viện KSND tối cao, hiện các cơ quan giám định chưa có kết quả nên không xác định được hậu quả thiệt hại nên chưa tiếp tục xử lý.

ông Trí cho biết, thời gian qua, Cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao gửi 4 cơ quan có chức năng để giám định hậu quả thiệt hại của vụ án ra quyết định trái pháp luật. Hai cơ quan Hội đồng định giá tài sản của Quảng Trị và Đà Nẵng trả lời gỗ không còn, gỗ quý hiếm, không có cơ sở định giá.

Bộ Tài chính trả lời không thuộc thẩm quyền định giá của bộ. Bộ NN&PTNN trả lời chưa đầy đủ căn cứ cơ sở pháp lý theo quy định chuyên môn về hoạt động của hội đồng định giá tài sản.

"Có nghĩa là tới giờ này 4 cơ quan chức năng chưa cho ra ra kết quả nên không có xác định hậu quả thiệt hại", ông Trí nói.

Ông Lê Minh Trí nhấn mạnh, xử lý tội phạm hình sự phải có hành vi vi phạm pháp luật hình sự và gây hậu quả được xác định. Hành vi vi phạm khẳng định là có, vi phạm Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự khi bán vật chứng nhưng hiện giờ còn thiếu kết quả xác định hậu quả gây ra.

Trước băn khoăn vì sao cũng số gỗ đó mà vụ án buôn lậu tính được mà vụ án ra quyết định trái pháp luật không tính được, Viện trưởng Viện KSND tối cao phân tích, đối tượng và thời điểm xác định hậu quả hai vụ án khác nhau. Với hành vi buôn lậu thì việc xác định căn cứ số lượng, chủng loại quy ra tiền ở thời điểm đó.

Còn vụ này xác định hậu quả ở thời điểm ra quyết định trái pháp luật, nhưng có đặc điểm lô vật chứng bán rồi nên không còn giám định thực tế được, phải giám định theo nguyên tắc khác thì cơ quan chức năng chưa đưa ra quyết định.

“Tới giờ này chưa có kết quả giám định, chưa có căn cứ nào khác thì chúng tôi không thể tiếp tục thực hiện chức năng điều tra mà phải tạm định chỉ để đúng quy định pháp luật. Thời gian qua, Cơ quan cảnh sát điều tra của Viện KSND tối cao đã làm đúng trách nhiệm, đúng luật pháp. Nếu bây giờ không có hậu quả mà chúng tôi làm khác đi thì là thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật khác", ông Trí nói.

Viên trưởng Viện KSND tối cao cũng chia sẻ thêm rằng, trong cuộc đấu tranh này chưa chứng minh được tội phạm, chưa kết luận được là điều cảm thấy băn khoăn về trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, nhưng không thể bất chấp pháp luật để kết luận cho bằng được khi chứng cứ và quy định pháp luật chưa đủ điều kiện để kết luận.

>>> Video: Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí lần thứ 10 trả lời về "kỳ án gỗ trắc" ở Quảng Trị:

Diễn biến vụ án

Ngày 17/12/2011, Công ty Ngọc Hưng nhập lô gỗ gần 614,7 m3 (gỗ trắc và gỗ giáng hương) từ Lào qua cửa khẩu Lao Bảo được làm thủ tục hải quan ở cảng Cửa Việt để xuất sang Trung Quốc. Khi vận chuyển vào cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng) thì bị Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phát hiện, khởi tố vụ án.

Văn phòng Cơ quan CSĐT (C44) Bộ Công an đã khởi tố các bị can có liên quan. Trong quá trình điều tra vụ án, C44 đã bán đấu giá lô gỗ vật chứng.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 26/7/2019, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã phạt bị cáo Trương Huy Liệu (cựu Phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng) 7 năm tù và vợ là Trần Thị Dung (cựu Giám đốc Công ty Ngọc Hưng) ba năm tù cho hưởng án treo, cùng về tội buôn lậu; hai bị cáo là cựu cán bộ hải quan mỗi người chín tháng tù cho hưởng án treo, cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

HĐXX nhận định rằng chưa đủ căn cứ kết luận các bị cáo Liệu, Dung làm giả hồ sơ hải quan để xuất khẩu, nhập khẩu gần 614,7 m3 gỗ trắc và gỗ giáng hương. HĐXX chỉ có đủ cơ sở kết luận khi nhập khẩu, xuất khẩu lô gỗ này, bị cáo Liệu đã không khai báo 78,8 m3. Số tiền hơn 59,6 tỉ đồng HĐXX tuyên chuyển cho Tổng cục Hải quan xem xét, xử lý vi phạm hành chính.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.