Khẩn trương là cần thiết nhưng phải đúng đối tượng, không phô trương
Hôm nay (25/7), Quốc hội sẽ dành trọn một ngày thảo luận ở hội trường về tình hình KTXH, đánh giá tình hình trong 6 tháng đầu năm, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021.
Sáng nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế, xã hội
Khá nhiều ý kiến phát biểu tập trung vào các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 cũng như việc triển khai các gói cứu trợ.
Liên quan đến các gói hỗ trợ Covid-19, ĐBQH Lưu Thị Mai (Hà Nội) nói: Gói 62 nghìn tỷ, chúng ta thực hiện chưa kịp thời, chỉ thực hiện được 3,6%. Rút kinh nghiệm từ điều này, gói hỗ trợ thứ hai trị giá 26 nghìn tỷ được xây dựng trên tinh thần hết sức thông thoáng.
"Đổi mới là hết sức quan trọng nhưng nếu không thận trọng thì chúng ta sẽ chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Khẩn trương là cần thiết nhưng nhất định phải đúng đối tượng, không phô trương, không cần thiết", đại biểu Mai chia sẻ.
Nữ đại biểu Hà Nội cũng đề nghị cân nhắc việc áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với gói cứu trợ.
"Hiện một số lĩnh vực như thuế hải quan, chúng ta áp dụng cơ chế hậu kiểm, nếu kê khai không đúng sẽ truy thu. Nhưng với gói cứu trợ thì lại khác. Khi kê khai thì người dân chỉ biết nộp hồ sơ còn việc xác nhận tính đúng đắn là trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan công quyền trong thi hành công vụ.
Khi đã xuất tiền cho người dân thì mặc nhiên là công nhận tính đúng đắn đó. Mặt khác, chính sách hỗ trợ là thể hiện tính nhân văn cao cả, là hình ảnh Chính phủ đưa bàn tay cùng người dân đi qua khó khăn, do vậy việc hành xử cũng cần hết sức nhân văn", đại biểu Mai nói.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - đoàn Hà Nội
Về dự thảo Nghị quyết các biện pháp phòng chống Covid-19 mà Chính phủ trình Quốc hội chiều 24/7, đại biểu Mai cho rằng trong bối cảnh đặc biệt, những nội dung Chính phủ trình là đúng đắn. Mặc dù có những điểm chưa phù hợp với Luật Ngân sách, Luật Dự trữ quốc gia như về thẩm quyền điều chỉnh dự toán, chuyển nguồn, mua sắm hàng hoá nhưng trong tình huống đặc biệt thì cần linh hoạt.
Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xác định cụ thể phạm vi điều chỉnh (chỉ áp dụng với biện pháp phòng chống Covid-19), xác định thời hạn cụ thể và xác định trách nhiệm rõ ràng, có biện pháp để tránh tình trạng trục lợi, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định thời gian qua nhiều địa phương đã có những giải pháp phòng chống dịch sáng tạo, linh hoạt. Tuy vậy, cũng có địa phương áp dụng thái quá, mỗi tỉnh một quy định khiến vận tải hàng hóa bị ách tắc.
Bà Thuỷ cũng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng phê bình các địa phương áp dụng biện pháp thắt quá chặt và yêu cầu rà soát việc vận chuyển hàng hóa. Cả nước như cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, không vì dịch bệnh mà ngăn cách, cách ly nhưng không tách rời.
Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp dài hạn, chiến lược sống chung với dịch bệnh, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Bình cho rằng, dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài, nhưng việc ứng phó hiện nay còn mang tính ngắn hạn.
Quý II/2021, có 12,8 triệu người bị ảnh hưởng do dịch
Trước đó, báo cáo việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết: Kết quả điều tra lao động việc làm quý II/2021 cho thấy, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực.
"Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới người dân, người lao động. Dịch bệnh đã bào mòn nguồn dự trữ, tích lũy của người lao động, đẩy người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn, khủng hoảng. Dịch bệnh đã tác động mạnh đến chuỗi sản xuất, kinh doanh, nguồn lực về lao động, đặc biệt đã tác động nặng nề tới chiến lược và phương hướng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Một số ngành như giao thông vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn, giải trí, bán lẻ, văn hóa, thể thao bị ảnh hưởng nặng nề, mất đi đà phục hồi của năm 2020 và sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn", Uỷ ban Xã hội nhận định.
Uỷ ban Xã hội đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 không đạt được như kỳ vọng khi số đối tượng thụ hưởng và tỷ lệ giải ngân thấp, chậm và không kịp thời. Nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm, gặp khó khăn... chỉ nhận được 3,6% giải ngân từ gói hỗ trợ này
Một số quy định để hướng dẫn thực hiện còn cứng nhắc, chưa sát với thực tế, một số quy định rất khó thực hiện, thậm chí làm các địa phương tốn kém thời gian, nguồn lực để triển khai thực hiện.
Mặc dù đã được khắc phục kịp thời, song tại một số địa phương vẫn để xảy ra số ít hiện tượng lợi dụng chính sách, lập danh sách trùng, danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo không đúng tiêu chí đối tượng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận