Xã hội

Đại biểu Quốc hội đề xuất cấm hành vi thao túng bất động sản

Thảo luận tại nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội chỉ ra mánh khoé thao túng thị trường bất động sản, thổi giá để vụ lợi và cần có quy định cấm cụ thể.

Đề nghị cấm hành vi thao túng bất động sản 

Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề nghị cần tiếp tục quy định và làm rõ hơn hành vi cấm, thao túng, làm giá với thị trường bất động sản.

ĐBQH: Đừng để xảy ra sự cố bong bóng bất động sản như Trung Quốc - Ảnh 1.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai)

Theo ông An, hiện Bộ luật Hình sự quy định về hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, hành vi thao túng thị trường bất động sản nguy hiểm không kém, diễn ra rất tinh vi, dẫn đến tình trạng bong bóng và giá trên trời so với giá thực tế.

Hành vi thao túng bất động sản không chỉ thông qua đấu thầu, đấu giá cao rồi bỏ cọc mà còn có việc dùng giá dự án này để kích giá cho dự án khác, tạo thành mặt bằng giá rất cao.

"Hành vi này cần được cấm trong luật và có quy định cụ thể. Nếu chúng ta không xử lý được triệt để, sẽ tạo thành bong bóng bất động sản", đại biểu An nói.

Cùng lo ngại tình trạng thao túng bất động sản, đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận) chỉ ra, thị trường bất động sản thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, vẫn còn tình trạng chủ đầu tư các dự án bất động sản lợi dụng hình thức đặt cọc, hợp đồng góp vốn để huy động vốn một cách tùy tiện, gây mất an ninh trật tự.

ĐBQH: Đừng để xảy ra sự cố bong bóng bất động sản như Trung Quốc - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Đoàn tỉnh Bình Thuận)

Theo đại biểu Nguyên, thời điểm được thu tiền đặt cọc ngay từ khi dự án có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định và chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất như thể hiện tại phương án hai sẽ dẫn đến khoảng thời gian từ khi nhận đặt cọc đến khi triển khai dự án trên thực tế rất dài, gây ra nhiều rủi ro hơn cho khách hàng.

Thực tế cho thấy nhiều dự án sau khi nhận đặt cọc sau 5 năm, thậm chí 10 năm nhưng vẫn chưa được triển khai.

Vì vậy, đại biểu bày tỏ nhất trí với phương án một trong đó chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh và đã thực hiện giao dịch theo đúng quy định của Luật này.

Phải quy định chặt chẽ hơn về sàn giao dịch bất động sản

Tại cuộc thảo luận, các đại biểu cũng tranh luận về vấn đề giao dịch qua sàn bất động sản. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) đề nghị trong luật lần này phải quy định chặt chẽ hơn về sàn giao dịch bất động sản theo hướng sàn thực hiện chức năng trung gian, chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp cho người mua và Nhà nước, sàn không được tham gia vào mua bán mà được hưởng phí, thù lao môi giới.

Ông Cường đồng tình với dự thảo luật khi không quy định bắt buộc giao dịch qua sàn và giấy xác nhận qua sàn có thể thay thế, không cần phải qua công chứng.

ĐBQH: Đừng để xảy ra sự cố bong bóng bất động sản như Trung Quốc - Ảnh 3.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Ông nhấn mạnh khi trao cho sàn đúng vai là môi giới thì sẽ phát huy được vai trò của mình, góp phần phát triển và lành mạnh hóa thị trường bất động sản.

Song, tranh luận về sàn giao dịch bất động sản và công chứng, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho rằng với giao dịch bất động sản, cần bắt buộc phải qua công chứng. 

Theo đại biểu Thân, giữa người mua và người bán chỉ tồn tại chứng nhận của đơn vị thứ ba là đơn vị công chứng. Nếu bỏ qua công chứng, hoặc nhường thêm quyền nữa vào sàn giao dịch bất động sản sẽ rất bất cập bởi sàn không thể đại diện cho pháp luật nhà nước. 

Dẫn ví dụ có nhiều trường hợp chủ đầu tư dự án bất động sản công bố giá mở bán, khi khách hàng hỏi thì báo "hết hàng" nhưng hỏi qua sàn thì lúc nào cũng có; ông Thân đề nghị giữ nguyên quy định về sàn giao dịch bất động sản, nếu giao dịch tốt khách hàng sẽ thông qua sàn, ngược lại khách hàng sẽ không tham gia nữa.

Còn đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) đề xuất quy định người quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản phải có chứng chỉ quản lý điều hành sàn theo quy định của luật này.

"Hiện dự thảo Luật chỉ quy định việc thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, mà không có điều khoản nào quy định về thi và cấp chứng chỉ quản lý điều hành giao dịch bất động sản", đại biểu Mạnh băn khoăn và đề nghị làm rõ nội dung này.

Không thấy bóng dáng "chung cư mini" trong Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Trong phần góp ý vào dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Trịnh Xuân An có ý kiến về quản lý nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ giữa dự án Luật này với Luật Nhà ở.

Theo ông, tại Luật Nhà ở, Điều 57 quy định về phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, việc bán, cho thuê, mua các loại nhà được quy định trong luật này hoặc Luật Kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên trong dự án Luật Kinh doanh bất động sản "không có bóng dáng" loại nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ cho cá nhân (hay còn được biết là chung cư mini).

Hiện nay còn nhiều dạng như vậy. Không chỉ nhiều tầng mà còn phân ra nhiều căn để cho thuê nhất là các phòng trọ gần trường đại học, bệnh viện. Do đó, Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, cần điều chỉnh trong dự án Luật này về việc cho thuê hoặc kinh doanh loại nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.