Xã hội

Đại biểu Quốc hội đề xuất giảm giờ làm, “bung” mạnh vốn đầu tư công

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều nay (31/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2024.

Doanh thu chỉ 100 tỷ, mà doanh nghiệp đóng thuế tới 45 tỷ 

Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) chỉ ra thực trạng là doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, gánh nặng thuế lớn và giá cả biến động.

Về tiếp cận vốn vay, đại biểu Phước chỉ ra, các khoản vay trung dài hạn, điều kiện vay rất nghiêm ngặt, thủ tục phức tạp. Trong bối cảnh đó, chính sách thuế lại chưa đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội đề xuất giảm giờ làm, “bung” mạnh vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam).

Nêu ví dụ ở tỉnh Quảng Nam, đại biểu cho biết một doanh nghiệp kinh doanh sân golf với diện tích trên 60ha, doanh thu mỗi năm là 100 tỷ đồng, nhưng phải đóng thuế tới 45 tỷ đồng, ông Phước nhấn mạnh thực tế "các doanh nghiệp phải gồng mình với các khoản thuế".

Ngoài ra, giá cả thị trường thường xuyên biến động và tăng cao, nhất là giá cả vật liệu, nhân công trong khi nhiều đơn giá Nhà nước lại chậm thay đổi, quá thấp nên doanh nghiệp xây dựng thi công cầm chừng, chấp nhận chịu phạt, chậm tiến độ còn hơn là chịu thua lỗ. Đây là nguyên nhân khiến cho việc giải ngân đầu tư công thấp.

Đồng tình với nhìn nhận này, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Hưng Yên cho rằng, để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển KTXH, cần phải quan tâm đến giải ngân vốn đầu tư công, bởi đây là nguồn lực, là động lực để phát triển KTXH.

ĐBQH: Cần chính sách ưu đãi để đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất xe điện của thế giới - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên).

"Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất của năm 2023, đầu tư công cần bung ra mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng tổng cầu của nền kinh tế", ông Thắng nói.

Đại biểu Thắng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai cung ứng vật liệu xây dựng, ổn định giá vật liệu xây dựng cho các dự án. Việc công bố giá vật liệu xây dựng cần sát với giá thị trường, nhất là các dự án giao thông đường bộ trọng điểm.

Đại biểu Thắng cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ có cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, nhất là chính sách để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp cơ khí.

"Cần nghiên cứu để trình Quốc hội sớm ban hành một nghị quyết riêng về thí điểm các chính sách ưu đãi cụ thể về thuế, đất đai, về tín dụng thủ tục hành chính để đẩy mạnh đầu tư sản xuất lắp ráp, nhằm sớm đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất xe điện và phụ tùng của thế giới", đại biểu Thắng đề xuất.

Đề xuất giảm giờ làm trong doanh nghiệp xuống 44 giờ mỗi tuần  

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn), nói sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1947 quy định "thời hạn làm việc của công nhân, đàn ông hay đàn bà không quá 48 giờ mỗi tuần lễ". Sắc lệnh này cũng quy định thời gian làm thêm mỗi năm không quá 100 giờ.

Sau gần 80 năm độc lập và qua gần 40 năm đổi mới, điều kiện KTXH, thế và lực Việt Nam được nâng lên tầm cao mới, nhưng thời giờ làm việc của người lao động khu vực tư không giảm, giờ làm thêm tăng lên gấp ba. 

Đại biểu Quốc hội đề xuất giảm giờ làm, “bung” mạnh vốn đầu tư công - Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn).

Vì vậy, ông Nghĩa đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường với lao động khu vực tư như khu vực công, đã được thực hiện từ năm 1999 (40 giờ/tuần).

"Đây là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Bí thư Huyện ủy Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) đánh giá năng suất lao động của Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Điều này khiến nền kinh tế đối mặt thách thức lớn để bắt kịp khu vực và thế giới. 

"Cải thiện năng suất lao động là con đường ngắn nhất đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững", ông Phương nói, đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện tình hình năng suất lao động và đề ra giải pháp.

Gỡ vướng mắc để phát triển giao thông liên vùng

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) cho biết, hiện nay tỉnh nào có điều kiện về nguồn lực thì thực hiện đầu tư trước, đầu tư quy mô lớn về giao thông. Tỉnh nào gặp khó khăn về nguồn lực thì đầu tư sau, hoặc đầu tư quy mô nhỏ.

Điều đó dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư, kìm hãm sự phát triển KTXH của hai địa phương liền kề nhau.

"Tỉnh bên có thể bố trí đầy đủ nguồn lực để đầu tư hết đoạn tuyến kết nối, nhưng do quy định tại khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách Nhà nước, không được dùng ngân sách của địa phương này chi cho nhiệm vụ của địa phương khác. Do đó, đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội điều chỉnh quy định tại khoản 9, Điều 9 của Luật Ngân sách Nhà nước cho phù hợp", ông Đức nói.

Nêu thực tế, nhiều dự án còn vướng mắc thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp, vướng mắc trong quá trình thực hiện trồng rừng thay thế theo quy định tại Thông tư 25 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Có không ít dự án gặp khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, phương án bồi thường còn chồng chéo, đại biểu Đức đề nghị cần sớm tháo gỡ những vướng mắc để có thể triển khai hiệu quả các dự án, góp phần phát triển KTXH cho các địa phương.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.