Quản lý

Đại biểu Quốc hội hiến kế làm cao tốc Bắc – Nam

14/11/2017, 16:59

Chiều 14/11, Quốc hội thảo luận về DA đầu tư cao tốc Bắc-Nam, nhiều ĐB hiến kế để sớm triển khai được DA này.

ham

Đại biểu Hoàng Quang Hàm: Chính phủ phải đánh giá cụ thể chi phí lợi ích theo từng phương án, đầu tư công toàn bộ và thu phí hoàn vốn toàn bộ

Tranh luận về lựa chọn hình thức đầu tư

Phát biểu mở đầu trong buổi thảo luận tại hội trường, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) khẳng định hoàn toàn thống nhất chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, dự án có 8/11 dự án thành phần thực hiện theo hình thức BOT trong điều kiện QH vừa thực hiện giám sát và chỉ ra nhiều hạn chế của hình thức này. Nghị quyết giám sát mới ban hành nên chưa thể hoàn thiện ngay cơ chế chính sách. Do đó, ĐB đề nghị Chính phủ trình QH biện pháp khắc phục các sai sót, hạn chế mà Uỷ ban thường vụ QH đã chỉ ra để đưa vào Nghị quyết của QH làm căn cứ triển khai.

“Các biện pháp cần phải đảm bảo rõ tiêu chí để lựa chọn dự án, tiêu chí đánh giá năng lực, lựa chọn nhà đầu tư… để đảm bảo nhà đầu tư thực góp vốn; Chỉ áp dụng hình thức BOT với tuyến đường mới để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân; Đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu; Quy định tham vấn và lấy ý kiến của người dân, quy định vị trí đặt trạm, công nghệ thu phí để đảm bảo chỉ nộp tiền khi sử dụng đường và đúng số km sử dụng….”, đại biểu kiến nghị.

Một điểm khác theo đại biểu Phú Thọ, 8 dự án thành phần triển khai theo hình thức BOT đều trộn lẫn ngân sách trong chi phí xây dựng trong khi chưa đánh giá hợp lý khả năng hoàn vốn, chưa có tiêu chí để xác định ngân sách sẽ đầu tư đoạn đường nào của dự án, tính toán số liệu trong báo cáo chưa thuyết phục. Riêng tổng số tiền thu hoàn vốn lấy bằng tổng mức đầu tư không bao gồm chi phí GPMB cộng thêm 50% chi phí phải thu hoàn vốn chưa tính tổng mức đầu tư, chi phí vận hành, chi phí duy tu sửa chữa, lãi vay… Điều này cho thấy nhiều dự án có thể thu hồi toàn bộ vốn trong thời gian ít hơn ít nhiều so với vòng đời trung bình của dự án là 24 năm nhưng vẫn dự tính bố trí ngân sách là không hợp lý.

Từ đây, đại biểu Hàm đề nghị Chính phủ rà soát đánh giá các dự án có thể thu phí toàn bộ để hoàn vốn, làm cơ sở bố trí kinh phí ngân sách, minh bạch giữa ngân sách và thu phí. Theo đó các dự án khó thu phí thì đầu tư toàn bộ bằng tiền trái phiếu. Các dự án BOT thì ngân sách chỉ hỗ trợ chi phí GPMB, chi phí lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự án dự toán, đấu thầu, quyết toán. Chi phí xây dựng, nhà thầu, nhà đầu tư bỏ vốn toàn bộ và thu phí hoàn vốn.

Mỗi dự án thành phần, Chính phủ phải đánh giá cụ thể chi phí lợi ích theo từng phương án, đầu tư công toàn bộ và thu phí hoàn vốn toàn bộ. Quá trình phân tích lợi ích chi phí phải lưu ý ưu nhược điểm của từng phương án.

“Nếu đầu tư BOT, nhà nước bỏ ít ngân sách nhưng giá thu phí không điều tiết được cho phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế và người dân, cộng thêm lãi vay ngân hàng thường cao hơn lãi vay TPCP.

Còn nếu đầu tư bằng TPCP sẽ tăng nợ công nhưng ưu điểm nhà nước điều tiết được mức thu phí phù hợp, nguồn thu phí sẽ tạo được nguồn để trả nợ hoặc tiếp tục đầu tư công trình khác. Chi phí được quản lý chặt chẽ sẽ thấp hơn đầu tư BOT” – ĐB Hàm nói và đề nghị Chính phủ rà soát chặt chẽ từng dự án thành phần theo nguyên tắc không bố trí ngân sách cho chi phí xây dựng của dự án BOT.

Pham quang Dung

Không đồng tình với ĐB Hàm, đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định) đã giơ biển xin được tranh luận

Ngay sau đó, đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định) đã giơ biển xin được tranh luận. “Tôi không đồng ý với ý kiến của đại biểu Hàm khi cho rằng Nhà nước chỉ bỏ tiền GPMB, phần còn lại do nhà đầu tư chi trả hết” - ông Dũng nói và chỉ rõ: Chỉ nhìn phụ lục 2 bảng phân bổ nhà nước và tư nhân đầu tư thấy ngay rằng nhà nước bỏ ra 55 nghìn tỷ bao gồm cả chi phí GPMB, và góp vốn đầu tư, xây lắp trong khi tư nhân đầu tư khoảng 63 nghìn tỷ. Ngay cả như vậy thì Chính phủ vẫn e ngại gặp khó khăn khi đấu thầu. Do đó, nếu nhà đầu tư đầu tư làm tất 100% và nhà nước chỉ GPMB thì việc triển khai chắc chắn sẽ không khả thi.

“Vừa qua bộ GTVT đã đấu thầu dự án Dầu Giây - Phan Thiết và Tân Vạn - Nhân Trạch nhưng không thành công. Bộ GTVT cũng đã tổ chức nhiều cuộc vận động đầu tư, mời nhà đầu tư nước ngoài nhưng chưa kêu gọi được nhà đầu tư nào tham gia. Rõ ràng, cơ chế chính sách của ta còn nhiều vấn đề. Đặc biệt, từ khi Nghị định 15 ra đời, không mấy dự án không triển khai được. Chúng ta cần nghiêm túc xem xét lại việc này” – ông Dũng phân tích.

Cuối cùng, ông Dũng đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ về dự án này. Việc chia tách gói thầu, hỗ trợ của nhà nước đều được tính toán chi tiết, cụ thể, đoạn nào dài, ngắn bao nhiêu có cơ sở khoa học điều tra rõ ràng.

phương

ĐB Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn ĐBQH Quảng Bình khẳng định dự án Cao tốc Bắc - Nam đóng vai trò rất quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Vừa qua, có dự án thống nhất mức giá nhưng sau đó do người dân phản ứng thì lại rà soát thay đổi giá. Cứ như thế thì rất nhiều nhà đầu tư sẽ không dám tham gia vào các dự án BOT nữa - ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình).

Thống nhất mức giá mới tạo được niềm tin cho nhà đầu tư

Đồng tình với dự án xây dựng trước 1 số đoạn giai đoạn 2017-2020, ĐB Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn ĐBQH Quảng Bình khẳng định các dự án này đóng vai trò rất quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Thời gian qua, QL1A mở rộng 4 làn xe nhưng chỉ giải quyết nhu cầu trước mắt. Nhiều đoạn đã bắt đầu ùn tắc như Ninh Bình, Thanh Hoá, Giầu Dây – Phan Thiết... Chưa kể, hệ thống giao thông thể hiện đẳng cấp của quốc gia. Nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã có tiến bộ vượt bậc, đẳng cấp như Hàn Quốc, Nhật bản, Thái Lan. Muốn phát triển kinh tế phải có cơ sở hạ tầng hiện đại”- ĐB Phương nói và nhấn mạnh: Nếu có đường cao tốc có tốc độ từ 100-120km/h thì vừa tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu, chống lãng phí lại hạn chế được TNGT.

Cũng theo ĐB Phương, Dự án cao tốc Bắc - Nam của CP có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tập trung khắc phục những hạn chế do BOT thời gian qua, chuyển từ chỉ định thầu sang đấu thầu, làm đường mới, không lặp lại những gì mà người dân không đồng tình trên tinh thần công khai, dân chủ, minh bạch. Phương thức huy động vốn theo hình thức đối tác công tư PPP đã giảm áp lực vốn NN, chia sẻ rủi ro trong đầu tư.

Đặc biệt, đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ  phải thống nhất mức giá khi ký hợp đồng, tránh trường hợp sau đó phải thay đổi lại giảm giá, gây khó khăn cho nhà thầu.

Cùng đó, Chính phủ cần quan tâm GPMB với quy mô hoàn chỉnh 1 lần, cắm mốc lộ giới ổn định cuộc sống, hạn chế chi phí đền bù trong thời gian tiếp theo. Công tác GPMB phải có khung chính sách, có sự vào cuộc của các địa phương, thống nhất mức đền bù GPMB, không để nơi này hơn nơi khác, người trước thiệt thòi hơn người sau, đồng thời phân biệt rõ trường nào được đền bù, trường nào được hỗ trợ. Công tác GPMB và thi công cần đảm bảo tiến độ, phấn đấu rút ngắn thời gian sớm đưa công trình vào khai thác, phát huy hiệu quả.

“Nếu chậm 1 năm chi phí sẽ đội nhiều lần. Làm không đúng tiến độ, thời gian thì lãi suất về chi phí đội lên, thời hạn thu phí sẽ tăng lên”- đại biểu Phương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng đây là dự án rất lớn, cần tổ chức Ban quản lý dự án chuyên nghiệp, trách nhiệm và quyết liệt, không để chậm tiến độ vì sẽ phát sinh rất nhiều kinh phí.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.