Xã hội

Đại biểu Quốc hội hiến kế vực dậy nền kinh tế, gỡ khó cho doanh nghiệp

23/05/2023, 12:18

Các đại biểu Quốc hội đã có những chia sẻ về giải pháp vực dậy nền kinh tế, tháo gỡ cho các doanh nghiệp trong tình trạng khó khăn hiện nay.

Cần tính đến thị trường trong nước với 100 triệu dân

Bên hành lang Quốc hội sáng 23/5, GS.TS. Trần Hoàng Ngân, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, Thư ký Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, doanh nghiệp khó khăn liên tiếp liên tục trong gần như cả 3 năm qua, bắt đầu khi có đại dịch Covid-19 (2020 - 2021).

img

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Sang năm 2022, gặp phải xung đột Nga - Ukraine, dẫn đến thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Sau đó là ảnh hưởng của lạm phát, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng nhân đạo…

"Vì vậy, bản chất năm 2022, doanh nghiệp phục hồi nhưng trong hoàn cảnh khó khăn của thế giới, chỉ phục hồi trong nửa đầu năm, đến quý III/2022 đến nay bắt đầu chậm lại", ông Ngân cho hay.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, doanh nghiệp hiện nay gặp hai khó khăn chính là thị trường và vốn. Với doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, thị trường nước ngoài đang rất bấp bênh khi kinh tế thế giới trên đà suy giảm, vì vậy các doanh nghiệp cần tính đến thị trường trong nước với 100 triệu dân.

Trên thế giới, những quốc gia có dân số từ vài chục triệu người đến trên 100 triệu dân, thường phải kiểm soát độ mở kinh tế một cách vừa phải. Trong khi đó, Việt Nam có dân số khoảng 100 triệu dân, nhưng độ mở của nền kinh tế lên tới 200%, gấp đôi GDP. Đây là một yếu tố nguy hiểm và rủi ro.

"Thế giới bên ngoài có nhiều yếu tố bất định. Độ mở lớn sẽ khiến chúng ta phải chao đảo với biến động thế giới. Cần đặt ra bài toán nghiêm túc để kiểm soát độ mở nếu muốn xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ", đại biểu Ngân nói.

Khôi phục, củng cố và phát triển Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp

Về khó khăn thứ hai là khả năng tiếp cận vốn, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, hiện cả ngân hàng và doanh nghiệp đều khó xử về việc liệu có vay được vốn hay không.

Đại biểu Ngân đánh giá, hiện nay dư nợ tín dụng rất thấp cho thấy khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế là có. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp khó khăn cũng không thể tiếp cận được các điều kiện ngặt nghèo từ ngân hàng.

"Trong khi đó, ngân hàng một mặt không dám cho vay dưới chuẩn vì phải đảm bảo an toàn. Mặt khác, ngân hàng không cho vay sẽ để đọng vốn, giống như "cầm hòn than đang cháy trên tay", vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền", đại biểu Ngân phân tích.

img

Đại biểu Trần Văn Lâm

Từ đó, ông Ngân đề xuất cần khôi phục, củng cố và phát triển Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ này được thành lập từ ngân sách, thu từ thuế mà các doanh nghiệp đóng khi hoạt động tốt. Việc này giống như dùng mô hình của quỹ để bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra cũng cần có chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng kiểm soát chất lượng tín dụng, không cho vay dưới chuẩn. Nếu cho vay dưới chuẩn thì có thể giải quyết vấn đề tăng trưởng nhưng có thể gây ra khủng hoảng tài chính ngân hàng.

Với khó khăn về lãi vay, ông đánh giá đang có xu hướng giảm, và tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành kéo giảm tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Song song với đó, Chính phủ cần tiếp tục giải quyết các vấn đề tồn tại của thị trường tài chính, xây dựng một thị trường phát triển lành mạnh, giúp doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, trái phiếu, huy động vốn trên thị trường, chứ không chỉ phụ thuộc ngân hàng.

Gói hỗ trợ lãi suất theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần tính toán thêm, xem xét lại điều kiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Hiện nay, gói này mới giải ngân được khoảng 2% so với tổng nguồn lực do doanh nghiệp khó tiếp cận. Ông Ngân đề xuất thay vì hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, hỗ trợ đại trà thì ưu đãi một cách có chọn lọc.

"Cần cho vay hướng vào các doanh nghiệp chuyển đổi hiện đại hóa, chuyển sang kinh tế xanh, chuyển sang kinh tế số. Đây là ưu tiên các khoản vay mang tính đầu tư vào năng suất lao động, thay đổi mô hình phát triển", ông Ngân nói.

Miễn giảm thuế để doanh nghiệp hoạt động

img

Đại biểu Phạm Văn Hòa

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), trong bối cảnh thế giới vẫn còn những xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao..., kinh tế trong tháng 4 và tháng 5 đã có những tín hiệu tích cực như vốn đầu tư nước ngoài FDI, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng trở lại; trong khi số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động đã giảm dần.

"Trong những tháng cuối năm, kinh tế sẽ tăng vọt dù khả năng tăng trưởng GDP khó đạt được mục tiêu đề ra", ông Hòa nêu rõ.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng, đại biểu Hòa cho rằng, bằng mọi cách, Chính phủ cùng các bộ ngành phải đồng hành với doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện cơ bản nhất, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong đó có vấn đề có giải ngân vốn ngân hàng, ưu đãi tín dụng, đặc biệt là ưu đãi về thuế.

"Mặc dù ngành thuế cũng rất khó khăn trong nguồn thu từ doanh nghiệp tư nhân, nhưng nếu doanh nghiệp không hoạt động thì cũng không có nguồn thu. Do đó, thà chúng ta miễn giảm thuế để doanh nghiệp hoạt động thì vẫn giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Đây là vấn đề tối ưu nhất" ông Hòa nhấn mạnh.

6 tháng cuối năm là giai đoạn kinh tế tiếp tục phục hồi và phát triển

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhìn nhận, tình hình kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn, nhưng nhìn rộng ra vẫn có tín hiệu tích cực, đó là kinh tế vĩ mô giữ ổn định, lạm phát kiểm soát tốt. Đặc biệt, sự tích cực, chủ động quyết liệt của Chính phủ tìm ra nguyên nhân và quyết liệt trong triển khai các giải pháp.

Cụ thể, trong đầu tư công, nhiều năm liền có xu hướng khó khăn, nhưng ngay từ đầu năm 2023, Chính phủ đã thành lập những đoàn kiểm tra nhằm tháo gỡ khó khăn cho giải ngân đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng.

Đối với khó khăn trong thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, đặc biệt lãi suất ngân hàng tăng quá cao, Chính phủ đã có những chỉ đạo giải pháp tháo gỡ và thị trường đang đi vào ổn định, lãi suất từng bước được kiềm chế và có xu hướng giảm.

"6 tháng cuối năm sẽ là giai đoạn mà nền kinh tế tiếp tục đã phục hồi và phát triển và sẽ đạt được mục tiêu đề ra", ông Lâm kỳ vọng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.