Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) phát biểu sáng 6/11 |
Quân đội có 3 vị trí cấp hàm đại tướng
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Sỹ quan QĐND (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, về ý kiến đề nghị cân nhắc trần quân hàm Đại tướng của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trong mối tương quan với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và của Tổng Tham mưu trưởng, Thường vụ QH thấy rằng, Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Chính trị là người đứng đầu cơ quan chỉ huy, lãnh đạo QĐND Việt Nam, có vai trò, vị trí rất quan trọng được quy định trong Hiến pháp, do Chủ tịch nước bổ nhiệm. “Do đó, Thường vụ QH đề nghị giữ nguyên như dự thảo luật Chính phủ đã trình và như vậy, quân đội sẽ có tối đa 3 vị trí được phong cấp hàm Đại tướng”, ông Khoa nói.
"Ngày xưa đi bộ đội nghe tới Thiếu tá đã thấy hãi rồi, giờ thì thấy quá bình thường do chúng ta quá nhiều tướng. Cần cân nhắc việc giới hạn phong tướng để nhân dân họ lắng nghe, đồng tình. Chứ còn phong nhiều quá thực sự dân họ cũng chưa yên tâm”. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) |
Chủ trì phiên thảo luận sau đó, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, theo dự thảo, tổng số cấp tướng không giảm mà tiếp tục tăng một số trần quân hàm cấp tướng và nâng quân hàm ở một số cấp tướng cao hơn. “Bộ Chính trị khống chế cấp tướng Bộ Quốc phòng không quá con số 415. Nếu tiếp tục nâng sẽ phá vỡ các vị trí khác. Vấn đề này sẽ có nghiên cứu, tiếp thu trước khi thông qua”, Phó Chủ tịch QH nói.
Trước khi thảo luận dự thảo luật, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) kể: Có cử tri hỏi tôi, khi giải phóng miền Nam, chúng ta chỉ có 36 tướng nhưng đánh tan đế quốc. Nay thời bình nhưng tướng được phong nhiều hơn cả thời chiến. Vậy nhu cầu phong tướng của ta là gì? Có phải do nhu cầu tác chiến sau này nhiều hơn và để lãnh đạo tốt hơn?
“Phong tướng phải để phục vụ yêu cầu tác chiến, tăng sức mạnh quân đội, cần phải cân nhắc để giới hạn việc phong tướng cho nhân dân đồng tình”, ông Thuyền nêu ý kiến và đề xuất, trong trường hợp phong tướng để giải quyết chính sách thì phải tách tiền lương ra khỏi cấp bậc trong quân đội để đảm bảo người không được tăng quân hàm thì vẫn được tăng lương.
Công an phải tôn trọng và phục vụ nhân dân
Chiều cùng ngày, thảo luận về dự thảo Luật Công an nhân dân (CAND, sửa đổi), vấn đề cấp tướng trong CAND cũng được nhiều ĐB quan tâm. ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) đề nghị, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC lại ngang cấp hàm Giám đốc Công an các tỉnh là điều vô lý, bởi anh chỉ chịu trách nhiệm ở một lĩnh vực cụ thể, trong khi Giám đốc Công an tỉnh lại đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ. ĐB Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp) đề xuất, Giám đốc Công an các địa phương chỉ nên dừng ở Đại tá; tại Hà Nội là Trung tướng, TP Hồ Chí Minh là Thiếu tướng.
Đề cập đến nội dung cụ thể của dự thảo luật, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, Khoản 3, Điều 5 của dự thảo Luật quy định “Hoạt động của CAND phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; Dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Quy định như vậy là chưa đầy đủ. “Đề nghị phải bổ sung cụm từ “tôn trọng” và “phục vụ nhân dân”. Đây không phải là câu chữ mà là nguyên tắc cốt lõi, đã được Hồ Chủ tịch chỉ dạy”, ông Học nói.
Ông Học cũng băn khoăn đối với quy định tại Điều 15, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của CAND. Theo ông Học, tại Khoản 5, Điều 15 quy định một trong những nhiệm vụ của công an là “thực hiện kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ an ninh quốc gia ở biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”. Theo ĐB tỉnh Phú Yên, nhiệm vụ này là của lực lượng bộ đội biên phòng. Và do đó đề nghị phân định rõ là CAND có trách nhiệm phối hợp với bộ đội biên phòng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia ở biên giới, cửa khẩu.
Bình Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận