Thuốc không kê đơn quản lý thế nào?
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội) cho biết, qua báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong hồ sơ do Bộ Y tế trình Quốc hội, chủ yếu là cơ quan quản lý Nhà nước quy định trần giá thuốc như ở Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan.
Dự thảo hiện nay quy định mức giá bán buôn tối đa lại do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc xác định, và các doanh nghiệp kinh doanh thuốc khác phải thực hiện theo.
"Quy định này có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường. Ví dụ, trong trường hợp cơ sở nhập khẩu thuốc xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ. Sau đó, đẩy giá thuốc tăng lên ở hệ thống bán lẻ của mình. Đây chính là kênh bán hàng trực tiếp cho người dân và người dân vẫn phải mua thuốc giá cao", đại biểu Nhị Hà phân tích.
Theo bà Hà, quy định tại Điều 107 dự thảo Luật đã nêu những biện pháp quản lý giá thuốc, tuy nhiên, về quy trình khi tiếp nhận hồ sơ công bố giá bán buôn thuốc dự kiến, Bộ Y tế không thực hiện rà soát mà chỉ thực hiện kiến nghị về mức giá khi thuốc đã được lưu hành.
Ngoài ra, dự thảo quy định chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn.
"Vậy câu hỏi đặt ra là đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào? Khi quản lý về chuyên môn thì cần phân biệt các loại thuốc kê đơn và không kê đơn, tuy nhiên tôi cho rằng quản lý về giá thì cần phải quản lý tất cả các loại thuốc", bà Hà nói.
Dự thảo Luật quy định tại Điều 112 sửa đổi, UBND cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định tại Luật Giá.
Như vậy, nếu không có tiêu chí để các địa phương có thể ban hành danh sách các cơ sở kinh doanh dược phải kê khai giá sẽ dẫn đến mỗi địa phương sẽ có cách tổ chức thực hiện khác nhau, và cùng một doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn thì việc thực hiện kê khai giá cũng sẽ khác nhau.
"Với các tỉnh thành có quy mô lớn như Hà Nội (gần 10.000 cơ sở bán lẻ và 1.500 cơ sở bán buôn), quy định này tạo thêm nhiều công việc cho chính quyền địa phương, tăng gánh nặng về thủ tục cho các cơ sở kinh doanh dược khi thực hiện kê khai giá", đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu vấn đề.
Trong khi đó, ngay từ năm 2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23 về việc kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc. Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định 540 về chuẩn dữ liệu đầu ra phần mềm kết nối liên thông cơ sở bán lẻ thuốc trong đó có đầy đủ trường thông tin về giá thuốc để quản lý. Hơn nữa theo quy định thì mục đích của kê khai giá chỉ là tổng hợp, dự báo thị trường.
"Từ những phân tích nêu trên, tôi đề xuất Ban soạn thảo quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện. Trong trường hợp chưa nghiên cứu đánh giá tác động, tôi đề xuất chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc vì tất cả các cơ sở đều phải thực hiện niêm yết giá khi bán thuốc, và phải thực hiện quy định liên thông dữ liệu trên hệ thống dược quốc gia", bà Hà nói.
Bổ sung tiêu chí kiểm soát kinh doanh thuốc trên mạng
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) đề nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc, quy định bổ sung thêm các tiêu chí kiểm soát để bảo đảm chất lượng thuốc khi giao dịch theo phương thức kinh doanh qua thương mại điện tử.
Vì với sự phát triển của thương mại điện tử, việc có các quy định này sẽ bảo đảm việc giao dịch thuốc trực tuyến được kiểm soát nghiêm ngặt, tránh tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng.
Về mua bán thuốc trên các sàn thương mại điện tử, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung thêm các tiêu chí kiểm soát liên quan đến kinh doanh thuốc trên các trang thương mại điện tử. Đồng thời cân nhắc quy định cụ thể trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử nhằm giúp đảm bảo mua thuốc đúng chất lượng của người tiêu dùng.
Cho rằng hiện nay giá thuốc biến động, chênh lệch rất lớn, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị cần có biện pháp quản lý giá thuốc. Cụ thể cần quy định rõ biện pháp kiểm soát giá, có cơ chế kiểm soát giá độc lập, đảm bảo quyền người tiêu dùng.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Thuốc là mặt hàng đặc biệt, tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng, về quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý.
Cụ thể theo hướng: bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 17 và 18, Điều 6 (sửa đổi); quy định loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, các phương tiện điện tử cụ thể được phép kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử tại khoản 1a, Điều 42 (sửa đổi);
Quy định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử tại khoản 4, điều 42 (sửa đổi), bao gồm cả trách nhiệm tổ chức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc và tổ chức thực hiện giao thuốc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận