Đầu tư cho giáo dục và y tế còn "mờ nhạt"
Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công.
Tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đánh giá, việc phân bổ vốn đầu tư công ở nước ta thời gian qua đã có những có thay đổi căn bản cả về lượng và chất.
Ông Cường dẫn chứng, tổng lượng vốn đầu tư công tăng và được phân bổ đầu tư tập trung trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, hệ thống đường cao tốc đến nay đã đưa vào khai thác trên 2.000km, đến hết năm 2025 sẽ có 3.000km hoàn thành.
Tuy nhiên, theo đại biểu, đầu tư cho giáo dục để phát triển trí lực và đầu tư cho y tế để nâng cao sinh lực dường như còn "mờ nhạt".
Đại biểu Cường viện dẫn số liệu, năm 2024, Bộ Y tế được phân bổ khoảng 1,2 nghìn tỷ, chiếm khoảng 1%; còn Bộ Giáo dục và Đào tạo được phân bổ 1,5 nghìn tỷ, chiếm 1,2% ngân sách.
Trong phương án phân bổ vốn dự phòng giai đoạn 2021 - 2025 và vốn tăng thu ngân sách năm 2022, với tổng cộng khoảng trên 50 nghìn tỷ, cả 2 lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, Y tế đều "không có tên".
Bệnh viện cộng lãi vay đầu tư cơ sở vật chất vào chi phí khám chữa bệnh
Ông Cường đặt vấn đề: Nếu chỉ thúc ép thực hiện tự chủ mà không có đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu thì hậu quả sẽ thế nào?
Ông Cường kể, ngày 3/11, nhân chuyến đi họp ở Việt Trì, ông đã đến thăm Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện Sản Nhi. Cả hai bệnh viện ở tỉnh Phú Thọ này đã thực hiện cơ chế tự chủ.
"Đến cổng bệnh viện, tôi thực sự ngạc nhiên, không tin đấy là bệnh viện vì nhìn đẹp như khách sạn 5 sao. Bước vào bên trong đi tham quan các khu vực đón tiếp, khám, điều trị và phòng bệnh nội trú, khu dịch vụ, khu vui chơi của trẻ em, y như một bệnh viện quốc tế", ông Cường kể.
Bệnh viện này đã thực hiện tự chủ hoàn toàn, trình độ kỹ thuật về hỗ trợ sinh sản được xếp nhóm 5 toàn quốc.
"Tôi thấy người bệnh ở đấy thật may mắn, được hưởng một dịch vụ y tế tốt và điều kiện chăm sóc điều trị rất tiện nghi", đại biểu Cường nhìn nhận.
Tuy nhiên, điều trăn trở của lãnh đạo bệnh viện là làm thế nào để để trả lãi 11% vốn vay xây dựng cơ sở vật chất hiện đại đó?
Nếu chỉ tính khấu hao để tái đầu tư và bù đắp chi thường xuyên thì bệnh viện "rất yên tâm" thực hiện tự chủ và giá dịch vụ y tế sẽ ở mức vừa phải, người bệnh có thể chi trả được. Nhưng nếu phải cộng thêm vào đó chi phí lãi suất vốn vay 11% nữa thì giá dịch vụ y tế sẽ đội lên rất cao.
"Điều vô lý là người bệnh đáng ra chỉ phải trả cho chi phí dịch vụ khám chữa bệnh, thì bây giờ lại phải trả thêm một khoản nữa là lãi vay ngân hàng", ông Cường bày tỏ.
Theo ông, đây là lý do, vì sao các bệnh viện lớn ở Trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, không dám nhận thực hiện tự chủ. Thà rằng cứ để cho người bệnh chen chúc, nằm giường ghép, nằm cả trên cáng, dưới nền nhà còn hơn phải đi vay vốn đầu tư xây dựng, để rồi trong chi phí người bệnh phải trả.
Bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc
Ông Cường cho biết, điều tương tự cũng xảy ra đối với các trường đại học tự chủ. Nếu được nhà nước đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu đầy đủ, các trường chỉ phải lo khấu hao để tái đầu tư và chi thường xuyên, thì chi phí đào tạo mới thấp.
Đại biểu ví dụ, trường Đại học Kinh tế Quốc dân nơi ông công tác, nhờ có tòa nhà trung tâm được đầu tư đồng bộ, các phòng học, thư viện hiện đại, các sinh viên, kể cả những ngày không có giờ lên lớp vẫn muốn đến trường để sinh hoạt hoặc vào thư viện tự học.
Tuy nhiên, khu ký túc xá hiện nay xuống cấp, nếu trường tự đi vay vốn ngân hàng về xây lại, chắc chắn giá thuê sẽ rất cao vì phải trả cả lãi vay và vốn. Điều này sẽ không phù hợp với khả năng thanh toán của người học.
Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị cân nhắc lại việc phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước đầu tư cho các cơ sở y tế và giáo dục, ít nhất phải đủ đầu tư xây dựng và trang bị cơ sở vật chất ban đầu, sau đó giao cho các trường, các bệnh viện tự chủ.
Ông Hoàng Văn Cường lấy bài học kinh nghiệm của Trung Quốc, nhiều trường đại học của quốc gia này đã vươn nhanh, trở thành các trường top đầu thế giới trong giai đoạn ngắn.
Nguyên nhân, từ năm 1998, Trung Quốc thực hiện đề án, liên tục trong 3 năm, trường Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh được đầu tư 1,8 tỷ nhân dân tệ (6.000 tỷ đồng)/năm, sau đó mở rộng ra hơn 30 trường.
Đại biểu cho rằng, nếu tập trung 5 - 10 năm, dành 5 - 10% đầu tư phát triển y tế, giáo dục, Việt Nam sẽ có hệ thống giáo dục, y tế khang trang và người hưởng lợi là nhân dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận