Tránh tạo cơn sốt ảo tài sản được đấu giá
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng nay (28/11), Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Đóng góp ý kiến vào dự án luật, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) nêu quan điểm về quy định đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản.
Theo đề xuất quy định, người đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước chậm nhất đến trước ngày mở cuộc đấu giá một ngày làm việc.
Như vậy, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ tham gia đấu giá (15 ngày trước ngày đấu giá) cho đến hết thời hạn nộp tiền đặt trước (một ngày trước ngày đấu giá) là một khoảng thời gian tương đối dài, hơn chục ngày.
Quy định này có thể dẫn đến việc người tham gia đấu giá thông đồng, thỏa thuận với nhau. Khi nộp hồ sơ thì có thể rất đông người nộp hồ sơ, tạo cơn sốt thị trường ảo.
Tuy nhiên, khi nộp tiền đặt trước thì lại chỉ một hoặc vài người nộp tiền đặt trước để mua tài sản gây nên tình trạng hồ sơ ảo, khó kiểm soát, dìm giá. Trong đó, có thể có những trường hợp mặc dù đủ điều kiện nhưng họ sẽ không nộp tiền đặt trước.
"Đặc biệt, việc quy định nộp tiền đặt trước chậm nhất đến trước ngày mở cuộc đấu giá một ngày làm việc là thời gian quá sát, gấp. Điều này sẽ gây khó khăn cho tổ chức đấu giá cũng như đơn vị có tài sản và các đơn vị liên quan trong việc chuẩn bị hồ sơ cho cuộc đấu giá", bà Ngân nói.
Để khắc phục những bất cập trên, đại biểu Ngân đề nghị nghiên cứu, không chia quá nhiều trường hợp như dự thảo mà quy định theo hướng, tất cả các trường hợp đấu giá, không phụ thuộc loại tài sản, cứ nộp hồ sơ là nộp tiền đặt trước, trường hợp khi thẩm định, xét duyệt không đủ điều kiện thì sẽ được trả lại tiền đặt trước.
Đối với thông báo thì thông báo cả người đủ và người không đủ điều kiện tham gia đấu giá, lý do không đủ điều kiện để những người đã nộp hồ sơ tham gia đấu giá đều nắm được, đảm bảo công khai, khách quan.
Thời gian xem xét tài sản cần được tăng lên
Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn TP Hà Nội) cho biết, trong báo cáo của Chính phủ và Bộ Tư pháp đã đề cập đến vấn đề tiêu cực phát sinh trong quá trình thực hiện đấu giá, như tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp bị xử lý hành chính và hình sự.
"Tình trạng thông thầu, thông đồng, "quân xanh, quân đỏ", cò mồi, đe dọa cưỡng ép xảy ra khá tinh vi có xu hướng ngày càng phức tạp. Do vậy, khi sửa đổi luật, cần có các quy định chặt chẽ, công khai, minh bạch để phòng ngừa những hành vi này", ông Ấn nói.
Đại biểu đoàn TP Hà Nội cũng nêu tình trạng ép giá, kiến nghị về việc đấu giá làm kéo dài thời gian hoàn thiện được các thủ tục để mua tài sản đó. Vì vậy, cần có những giải pháp để xử lý vấn đề này, trong đó thời gian xem xét tài sản hai ngày cần được tăng thêm ít nhất ba ngày.
Về quy định liên quan đến đặt cọc, đại biểu cho rằng, cần nhìn nhận từ hai khía cạnh thấu đáo, trong đó cần sửa Điều 51 tránh tình trạng làm lũng đoạn về giá, gây khó khăn cho cả cơ quan định giá và người tham gia đấu giá.
Đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm của Bộ Tư pháp tại Điều 77 của dự thảo luật trong việc thu thập, thống kê thông tin của các tổ chức tham gia đấu giá để phát hiện những bất thường, phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý.
Đề xuất tăng chế tài xử phạt người bỏ cọc
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đồng tình rằng việc sửa đổi bổ sung quy định tiền đặt trước và xử lý số tiền cần đặt trước là rất cần thiết để tránh lợi dụng tham gia đấu giá không nhằm mục đích gì, hoặc thông đồng thoả thuận với nhau để trả giá thấp, làm thất thu ngân sách nhà nước.
Đối với nghĩa vụ của người trúng đấu giá, đại biểu Hoà chỉ ra thực tế cho thấy đã có nhiều người trúng đấu giá, chấp nhận bỏ tiền cọc mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính, làm lũng đoạn, làm lu mờ hình ảnh cuộc đấu giá, gây dư luận không tốt như vụ Tân Hoàng Minh, gần đây là biển số xe hay khai thác mỏ cát ở Hà Nội.
Để ngăn chặn tình trạng này, đại biểu Hoà đề nghị cần có biện pháp như nâng mức tiền cọc cao hơn so với hiện hành hoặc có chế tài phạt vi phạm hành chính với người bỏ cọc, không cho đối tượng này tham gia các kỳ đấu giá sau.
"Có như vậy mới giữ được kỷ cương trong hoạt động đấu giá tài sản; không chấp nhận những đối tượng có dư tiền là có quyền làm xáo trộn thị trường", ông Hoà nói.
Trong trường hợp này, người thứ hai trả giá cao trong cuộc đấu giá sẽ được trúng; không phải đấu giá lại mất thời gian, tiền của người dân.
Tuy không đồng tình về việc tăng tiền đặt cọc như đại biểu Hoà đề xuất nhưng đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) đồng tình với ý kiến cần có chế tài xử phạt với người bỏ cọc.
Thống nhất về mức tiền đặt trước quy định trong dự án luật, đại biểu Dung cho rằng, mức tiền đặt trước đối với tài sản đặc thù (như đất đai khoáng sản) là 5-20% là phù hợp. Còn với tài sản thông dụng thì do người có tài sản đấu giá quyết định.
Đại biểu Dung cho rằng, quy định như vậy là phù hợp tạo điều kiện thu hút nhiều cá nhân, tổ chức tham giá đấu giá.
"Nếu nâng tiền đặt trước lên quá cao sẽ giảm tính cạnh tranh và ít người tham gia đấu giá, ảnh hưởng tới kết quả đấu giá. Ví dụ nâng mức tiền đặt trước lên 40-50%, nếu tài sản đấu giá đưa ra mức là 1 tỷ thì người muốn đăng ký đấu giá phải chuẩn bị và đặt trước từ 400-500 triệu đồng", bà Dung nói.
Còn việc trên thực tế có một số đối tượng tham gia đấu giá với mục đích không tốt và sẵn sàng chịu mất tiền cọc, đại biểu đề xuất người trúng đấu giá sau thời gian nhất định mà không nộp tiền và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì bị phạt nộp thêm hoặc bổ sung thêm chế tài xử phạt vi phạm hành chính.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận