Chiều 21/5, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Quy định không rõ ràng sẽ dẫn đến mất cán bộ
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho biết, báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản có nêu: Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn việc cấm gộp các tài sản có công năng sử dụng độc lập thành một lô để bán đấu giá nhằm hạn chế sự tham gia của tổ chức, cá nhân; đề nghị không nên quy định việc đấu giá một tài sản hoặc nhiều tài sản theo lô mà nên để người có tài sản đấu giá quyết định và chịu trách nhiệm về việc đấu giá tài sản.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung quy định về nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá trong việc chịu trách nhiệm đối với tài sản đưa ra đấu giá, việc gộp các tài sản độc lập thành lô tài sản hoặc tách tài sản thành các lô tài sản khi đưa ra đấu giá tại dự thảo luật.
Đại biểu Giang đánh giá quy định này không rõ ràng và dễ xảy ra tiêu cực.
Theo ông, khi đấu giá tài sản Nhà nước, nếu quy định đại diện sở hữu của Nhà nước chịu trách nhiệm việc gộp các tài sản độc lập thành lô khi đưa ra đấu giá là không rõ ràng.
"Trên thực tế, nếu quy định như vậy sẽ dẫn đến sự tuỳ tiện. Chẳng hạn, có điểm Luật Nhà ở cho phép phân lô bán nền nhưng Luật Đất đai quy định trong trường hợp đó phải đấu giá. Khi đó, người đại diện cho sở hữu của Nhà nước không có căn cứ để quyết định việc gom các lô đất, bán thành nhóm hay đấu giá từng lô, do đó dễ dẫn đến tuỳ tiện", ông Giang giải thích.
Đại biểu lo ngại: "Chúng ta rất dễ mất cán bộ. Hiện không có trường hợp nào quy định rõ khi nào gom, khi nào bán cả lô mà chỉ có một quy định ở điều 47 là người đại diện có trách nhiệm quyết định việc gom".
Ông Giang dẫn ví dụ thứ hai là thanh lý tài sản nhà nước. Trên thực tế khi thanh lý lô ô tô ở các cơ quan nhà nước thường có tới 10-20 xe. "Nếu gom tất cả bán thì ai có thể tham gia mua số lượng lớn như vậy? Chắc chắn là đầu lậu. Người có nhu cầu thực chỉ quan tâm đến 1-2 chiếc thôi" – ông Giang nói.
Do đó, Đại biểu đoàn Đắk Nông cho rằng với tài sản độc lập, nên quy định không cho phép gộp tất cả tài sản vào thành một gói.
"Còn các tài sản khác thì nên đấu giá hai bước, bước đầu sẽ đấu giá riêng khi bán hết tài sản rồi và không còn ai quan tâm nữa thì chúng ta bán theo lô theo diện thanh lý phế liệu, đảm bảo sự tham gia của tổ chức cá nhân, sự minh bạch trong đấu giá tài sản nhà nước" – đại biểu đoàn Đắk Nông.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang: "Quy định đấu giá tài sản không rõ ràng dễ mất cán bộ"
Đề nghị nhóm quan hệ huyết thống vẫn được đăng ký tham gia đấu giá
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) quan tâm về quy định những người sau đây không được đăng ký tham gia đấu giá.
Dự thảo luật nêu những người sau đây không được đăng ký tham gia đấu giá gồm: "cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản".
Theo ông, việc quy định thêm các đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá như "công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản" là phù hợp với quy định.
Qua đó sẽ giúp tránh được tình trạng thông đồng dìm giá, "quân xanh, quân đỏ", tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị không nên bổ sung nhóm đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá là "cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột", vì quy định này không phù hợp cả về mặt pháp lý và thực tế.
Đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng, nếu quy định không cho cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản có thể hạn chế quyền sở hữu tài sản của công dân, không phù hợp với Hiến pháp và các quy định pháp luật liên quan, không phù hợp đối với trường hợp Nhà nước đấu giá quyền sử dụng đất ở để giao đất cho cá nhân, tổ chức có thu tiền sử dụng đất.
Về mặt thực tế, nếu cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột đều có quyền đăng ký tham gia đấu giá nhiều lô đất khác nhau cùng với nhiều khách hàng khác không có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân cũng không ảnh hưởng đến tính khách quan của cuộc đấu giá và không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thông đồng, dìm giá.
Đồng thời, theo đại biểu, quy định không cho cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột cùng đăng ký tham gia một cuộc đấu giá, trả giá cùng một lô đất còn phát sinh thủ tục hành chính hết sức phức tạp cho tổ chức đấu giá trong quá trình thực hiện thủ tục cho khách hàng đăng ký tham gia đấu giá.
Do đó, nếu quy định cấm như dự thảo nêu trên nhưng không kiểm soát được, sẽ dẫn đến sai sót mà sau khi đấu giá xong mới phát hiện người tham gia đấu giá có quan hệ hôn nhân, huyết thống... phải hủy kết quả trúng đấu giá để đấu giá lại.
Điều này cũng sẽ tạo ra một hệ lụy rất lớn, gây tốn kém, lãng phí do việc phải tổ chức đấu giá lại, đó là chưa kể đến việc Tổ chức đấu giá tài sản phải đối diện với việc có tranh chấp khiếu kiện phức tạp.
Cùng quan tâm về quy định trên, đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng) cho biết trên thực tế rất khó thực hiện quy định cấm như vậy bởi tổ chức đấu giá chuyên nghiệp không thể biết hết quan hệ trong gia đình trong số những người tham gia đấu giá là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột… và không có điều kiện để xác minh các thông tin nói trên.
Mặt khác, việc sở hữu tài sản chung của vợ chồng đã được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình, cha mẹ với con, anh chị em ruột đều có năng lực hành vi dân sự riêng, độc lập với nhau về tài sản.
Đại biểu Tân đề nghị cân nhắc việc đưa nội dung này vào dự thảo luật.
"Nếu đưa nội dung này vào dự thảo Luật Đấu giá tài sản cần có cơ chế để thực hiện, đảm bảo tính khả thi trong thực tế, cũng như đảm bảo quyền của cá nhân khi tham gia đấu giá" - ông Tân nói và đề nghị làm rõ thế nào là "có khả năng chi phối hoạt động" vì quy định này mang tính định tính và rất khó xác định trong thực tế…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận