Cần xem xét thận trọng
Sáng nay (30/10), tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu
Về Luật Đấu thầu, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng, việc sửa luật này nhằm rút ngắn thời gian và hiệu quả thực hiện. Tuy nhiên ông cho rằng cần phải cân nhắc một số nội dung.
Về nội dung "cho phép lựa chọn nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt", ông Lâm cho rằng, điều này là thay đổi nguyên tắc.
"Nếu như thế này việc phê duyệt dự án chỉ là thủ tục, hợp thức hóa thôi, vì đấu thầu xong rồi. Vấn đề này cần lý giải thêm vì đây là thay đổi lớn về nguyên tắc. Chúng ta có thể chọn cách làm khác, khâu lựa chọn nhà thầu chuẩn bị trước đi, để ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thì tiến hành đấu thầu luôn. Điều này cũng nhanh, có chậm hơn đâu", ông Lâm nói.
Về nội dung "cho phép áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế, đấu thầu quốc tế, đấu thầu trong nước trong trường hợp đối tác phát triển, nhà tài trợ nước ngoài yêu cầu áp dụng các hình thức này như một điều kiện ràng buộc trong quá trình đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài nhằm đẩy nhanh quá trình đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài", ông Lâm cho rằng cần phải xem xét kỹ lưỡng.
"Vì người ta cho khoản vay mà mình phải chấp nhận vi phạm các quy định pháp luật quốc gia của chúng ta thì liệu có thực sự cần thiết hay không? Tôi không phản đối, nhưng cần phải xem xét thận trọng. Hiện nay có dự án nào cấp bách phải áp dụng cái này hay chưa? Điều này cũng cần phải làm rõ, chúng ta không nên vội vàng xem xét ngắn gọn ở kỳ họp", ông Lâm nói.
Về nội dung "cho phép dụng hình thức đấu thầu hạn chế, quốc tế, hoặc đấu thầu trong nước đối với dự án theo yêu cầu của nhà tài trợ", Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho rằng, khi cung cấp vốn ODA, họ yêu cầu đấu thầu quốc tế, có sự tham gia của doanh nghiệp của nước họ.
"Họ bỏ ra nguồn tiền lớn, ngoài mục tiêu hỗ trợ thì họ cũng có mục tiêu giải quyết công ăn việc làm cho doanh nghiệp nước họ", ông Bình nói.
Về lựa chọn thầu trong trường hợp đặc biệt, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình lấy ví dụ, các công trình có hàm lượng kỹ thuật cao và có tính chuyên biệt thì không phải nhà thầu nào cũng đáp ứng được.
"Những nơi có yêu cầu kỹ thuật đặc biệt thì chúng ta cũng phải có cơ chế lựa chọn thầu đặc biệt, hạn chế", ông Bình cho hay.
Ủng hộ việc tiếp tục áp dụng hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất
Về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, chúng ta có nhiều phương thức huy động nguồn lực xã hội (thị trường chứng khoán, trái phiếu,…). Phương thức đối tác công tư là hình thức huy động nguồn lực xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật này sửa đổi một số nội dung theo hướng khuyến khích thực hiện phương thức PPP đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, trừ các dự án thuộc lĩnh vực Nhà nước độc quyền hoặc thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP; giao bộ, ngành và địa phương xem xét, chịu trách nhiệm quyết định lựa chọn dự án phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực hiện của nhà đầu tư.
Tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng tiền và thanh toán bằng quỹ đất theo hướng đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập.
Bổ sung loại hợp đồng BT không yêu cầu thanh toán đối với các công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công do nhà đầu tư tự đề xuất xây dựng và chuyển giao cho nhà nước mà không yêu cầu thanh toán chi phí đầu tư xây dựng.
Ông Bình nêu ví dụ, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chuẩn bị bàn thì nguồn lực nhà nước chỉ là một phần, phải huy động các nguồn lực khác thì mới làm được.
Phó thủ tướng Thường trực cho rằng, BT (xây dựng - chuyển giao) là một chủ trương rất đúng, nhưng đã bị dừng từ năm 2021, do thực thi có vấn đề.
"Ai làm sai thì cần xử lý, còn bản thân huy động vốn theo hình thức BT phải duy trì. Lần này, Chính phủ đã nhìn nhận và đề nghị Quốc hội phục hồi huy động vốn bằng hình thức BT. Nhưng phải kiểm soát chặt chẽ hơn. Có tiêu chí kiểm soát như: Phải đấu thầu công khai, định giá đất, xác định giá trị đất, kiểm soát chất lượng công trình khi chuyển giao", ông Bình nói.
Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang), cũng cho rằng, việc áp dụng dự án BT thanh toán bằng tiền và bằng đất nên ủng hộ.
BT bằng tiền và đất đã phát huy được mặt tích cực, tuy nhiên cũng phát sinh ra tiêu cực, nên có tâm lý "không quản được thì cấm".
"Nhưng giờ đây ta phải bỏ tư duy đó đi. Việc thực hiện dự án PPP kém hiệu quả trong thời gian qua là bỏ hình thức thanh toán bằng đất và tiền", ông Lâm nói.
Phải hài hòa quản lý nhà nước và khuyến khích nhà đầu tư
Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến định hướng sửa một số điều của Luật Đầu tư và thông tin rằng dự luật này sẽ thiết kế trường hợp được hưởng "thủ tục đầu tư đặc biệt".
Lý do, theo ông là các nước hiện nay không ngừng đổi mới, cải cách. Nếu Việt Nam không đổi mới, cải cách thì chắc chắn các nhà đầu tư sẽ không đến hoặc đến rồi lại đi.
"Nhà nước hiện có rất nhiều quyền. Quyền cho làm gì, cho ai làm, làm ở đâu, làm như thế nào… Còn nhà đầu tư thì chỉ có một quyền thôi, đó là "không làm". Vì vậy, thiết kế luật phải hài hòa giữa quản lý nhà nước, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn kinh doanh, đầu tư", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bởi theo ông, nếu các quy định của luật, pháp luật không làm được điều này thì đất nước sẽ mất cơ hội. Mất cơ hội là mất hết, mất công ăn việc làm cho người dân, mất thu ngân sách nhà nước, mất cơ hội phát triển.
Đề cập đến thông báo của Chủ tịch Quốc hội sáng 30/10 về xây dựng pháp luật, ông Dũng nhận định thông báo này chứa đựng tư tưởng mới, có nhiều đột phá và cần được tuân thủ để phục vụ công cuộc phát triển đất nước.
Thông báo này cũng là theo tinh thần của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ. Trước đây chúng ta xây dựng pháp luật chủ yếu là để quản lý nhưng bây giờ không chỉ quản lý mà còn phải thúc đẩy phát triển.
"Phải bỏ "không quản được thì cấm" và "xin - cho". Rồi quyền anh quyền tôi. Các bộ ngành cũng hay níu kéo quyền anh - quyền tôi từ luật chung đến luật chuyên ngành, mà chủ yếu là tạo ra thủ tục, tạo ra quyền lực. Khi có quyền lực thì sẽ có quyền lợi, lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân lồng vào. Điều đó làm cản trở phát triển đất nước. Lần này phải khắc phục", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Ông cũng nhấn mạnh định hướng chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm"; phân cấp phân quyền triệt để hơn, cắt giảm thủ tục hành chính thực chất hơn
"Các thủ tục phải ngắn gọn để tiết giảm thời gian, chi phí, cho nhà đầu tư, không đánh mất cơ hội của các nhà đầu tư", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận