Xã hội

Đại biểu Quốc hội: Thực hiện tốt dân chủ thì đã không có vụ việc như Việt Á

14/06/2022, 11:34

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, nhìn lại các vụ đại án tham nhũng vừa qua, nếu làm tốt dân chủ cơ sở thì sẽ tránh được vi phạm.

Làm tốt dân chủ cơ sở thì sẽ tránh được sai phạm

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng nay (14/6), Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

img

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP. Hà Nội)

Phát biểu thảo luận, Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, đảm bảo công khai minh bạch.

"Nhìn lại các vụ đại án tham nhũng vừa qua thì chúng ta thấy rằng, nếu làm tốt dân chủ cơ sở thì sẽ tránh những vi phạm và xử lý", ông Cường nói.

Dẫn chứng vụ kit test Việt Á, ông Cường phân tích, nếu thực hiện dân chủ cơ sở, công khai thông tin nhà nước mua kit test của Việt Á với giá như thế nào; hải quan công khai thông tin hàng quý, hàng tháng Việt Á nhập kit test của Trung Quốc số lượng bao nhiêu, giá thành bao nhiêu... thì chắc chắn chúng ta sẽ không để CDC các tỉnh mua với giá như giá Việt Á bán.

"Hoặc vụ Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo mua chế phẩm 3C làm sạch nước hồ. Nếu chúng ta công bố, công khai với người dân việc nước hồ này phải sử dụng chế phẩm này, được mua ở đâu thì chắc chắn không để xảy ra tình trạng sai phạm từ 2016 nhưng đến 2020 mới phát hiện", ông Cường ví dụ tiếp.

Đại biểu đoàn Hà Nội cũng cho hay, nếu chúng ta thực hiện tốt dân chủ cơ sở thì chúng ta cũng tránh được hoạt động không cần thiết của cơ quan nhà nước. Điển hình như hôm qua, khi thảo luận về luật thanh tra thì nhiều đại biểu cũng lo ngại về bộ máy thanh tra phình ra.

"Nếu như thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, người dân thay mặt cho thanh tra kiểm tra giám sát, chỉ khi nào có vấn đề thì thanh tra vào cuộc. Như vậy thì chúng ta vẫn đảm bảo nguyên tắc của thanh tra quản lý mà lại chặt chẽ", ông Cường nói.

img

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM)

Cân nhắc sử dụng cụm từ "cử tri"

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM) cho rằng không thể đồng nhất khái niệm cử tri tại dự thảo Luật này với khái niệm cử tri trong Điều 30 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân vì có nội hàm, phạm vi, mục đích là chủ thể lập danh sách cử tri khác nhau.

Cụ thể, khái niệm cử tri theo dự thảo Luật này có cả người đang chấp hành án phạt tù, có nghĩa là mở rộng phạm vi hơn so với Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, nhưng luật này yêu cầu cử tri có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, tức là thu hẹp so với Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Do đó, đại biểu đề nghị sử dụng cụm từ khác thay thế, không sử dụng từ cử tri trong dự thảo Luật này để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đồng thời đại biểu kiến nghị xem lại nội hàm của khái niệm này trong dự thảo Luật, yêu cầu người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự là chưa phù hợp với thực tiễn ở cơ sở, vì ngay trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, chỉ những người mất năng lực hành vi dân sự mới không có quyền bầu cử.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị đánh giá thêm về tính khả thi của quy định thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Nếu có quy định thì phải xử lý mối quan hệ giữa Luật này với Bộ luật lao động như thế nào để đảm bảo việc thực hiện phù hợp với các nguyên tắc quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường?

"Dự thảo lần này, các quy định liên quan đến dân chủ cơ sở của người lao động tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước thì vẫn còn chung chung, hoặc dẫn chiếu đến các quy định pháp luật khác. Bên cạnh đó, dự thảo Luật không quy định thành lập Ban thanh tra nhân dân trong các doanh nghiệp. Khi không có Ban thanh tra nhân dân thì việc thực hiện dân chủ ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ được triển khai như thế nào?", đại biểu đặt câu hỏi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.