Rúng động bởi "quả bom Việt Á" nhưng cứu người vẫn phải hàng đầu
Sáng 1/6, tham gia thảo luận ở hội trường Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước (NSNN), đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh việc chậm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết số 43 và các nghị quyết theo kế hoạch 5 năm của Quốc hội.
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai)
"Việc triển khai chậm làm mất đi tính cấp thiết, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ người lao động ở thời điểm khó khăn. Có một sự "sốt ruột không hề nhỏ" khi chúng ta có tiền mà không thể tiêu được mặc dù nhu cầu, nhiệm vụ đặt ra là rất lớn, rất cấp bách", ông An nêu quan điểm.
Đại biểu đoàn Đồng Nai cũng cho biết, trước diễn biến khó khăn của kinh tế thế giới, sức ép của lạm phát, cần có chính sách bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả hàng hóa nhất là xăng dầu, vật tư nông nghiệp và nguyên vật liệu xây dựng.
"Cần tăng cường kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, kiểm soát nợ xấu. Có chính sách quan tâm đặc biệt đến các đối tượng dễ bị tác động bởi tăng giá là nông dân và công nhân lao động tại các khu công nghiệp", đại biểu An nói.
Ông Trịnh Xuân An cho rằng, cần tiếp tục quan tâm đến hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và các bệnh viện công lập. Có cơ chế, chính sách để các cơ sở y tế chủ động, tự tin trong việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men.
"Tránh tâm lý sợ thanh tra, kiểm tra không dám làm, không dám mua và thái độ cứ nhìn vào y tế là thấy tiêu cực. Mặc dù hệ thống y tế đang bị rúng động bởi "quả bom Việt Á" nhưng việc chống dịch, chữa bệnh, cứu người, vì sức khỏe nhân dân vẫn phải là ưu tiên hàng đầu", ông An nói.
Đại biểu An cũng đề nghị tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Bởi những vụ việc vừa qua cho thấy thị trường vốn của nước ta rất mong manh và dễ bị thao túng, tác động, can thiệp. Do đó, cần theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi thao túng giá, làm giá, thực hiện sai nghĩa vụ công bố thông tin.
"Đề nghị xử lý sai phạm nhưng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, sai phạm đến đâu xử đến đó. Doanh nghiệp càng lớn thì trách nhiệm đối với xã hội và nền kinh tế càng phải cao", ông An đề xuất.
Theo đại biểu An, việc rà soát chính sách quản lý đối với các loại thị trường quan trọng này để tránh tình trạng lúc quá mở, lúc lại bóp nghẹt làm ảnh hưởng đến các kênh dẫn vốn của nền kinh tế. Đồng thời, cũng để không xảy ra "quả bom" trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đến hiệu ứng domino trong thị trường vốn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định)
Mong các lãnh đạo cao cấp hiểu được khó khăn mà bác sĩ đang gặp phải
Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho rằng, dịch bệnh COVID-19 đang sang giai đoạn thoái trào, cần theo dõi sát, phản ứng linh hoạt, trở lại trạng thái bình thường để hướng đến mục tiêu mở cửa, phục hồi kinh tế thời kỳ hậu COVID-19.
Tránh quá tải hệ thống y tế để các bệnh viện đủ sức điều trị các bệnh lý thông thường bên cạnh bệnh COVID-19. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ trăn trở, sau đại dịch, còn nhiều vấn đề vướng mắc, tồn tại của ngành y tế Việt Nam mà chúng ta vẫn loay hoay chưa tháo gỡ được.
Để góp phần tháo gỡ những vướng mắc của hệ thống y tế Việt Nam, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu kiến nghị rà soát, cho ý kiến chi tiết, cụ thể sớm để hoàn thiện dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi trong kỳ này, thông qua tại kỳ tiếp theo.
Thứ hai, giám sát Chính phủ ban hành sớm các Nghị định, Thông tư then chốt nhằm tháo gỡ vướng mắc nghiêm trọng hệ thống y tế như hướng dẫn quyết toán chi phí chống dịch, thống nhất thanh toán chi trả bảo hiểm y tế cho y tế tuyến cơ sở, đầu tư kỹ thuật cao tại các bệnh viện chuyên ngành...
Thứ ba, cần có chính sách đào tạo nâng cao chất lượng, thu hút tài năng nguồn nhân lực đang vô cùng khó khăn của ngành y tế hiện nay.
Cuối cùng, chia sẻ tâm tư với tư cách là một bác sĩ vẫn đang thường xuyên trực tiếp điều trị người bệnh, đại biểu Hiếu mong muốn các vị lãnh đạo cao cấp, các vị đại biểu Quốc hội hiểu được phần nào những khó khăn mà các bác sĩ đang gặp phải không chỉ về vật chất cần có sự cảm thông cả về tinh thần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận