ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình). Ảnh: VnEconomy.vn |
Trình bày tờ trình Dự kiến chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định điểm lại một số vấn đề cần được Chính phủ báo cáo cụ thể hơn. Theo đó, với Luật về Hội, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương chuẩn bị lại để báo cáo Quốc hội, nhưng đến nay Chính phủ chưa có hồi âm cụ thể. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định của các luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi bộ máy Nhà nước, nhưng đến nay cũng chưa biết tiến độ chuẩn bị ra sao, bao giờ trình.
Luật Biểu tình cũng ở trong tình trạng tương tự. Thực tế này đã khiến nhiều ĐBQH “sốt ruột”, băn khoăn và đề cập nhiều trong phiên thảo luận tổ.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu quan điểm, với một số luật cần phải cân nhắc kỹ về điều kiện dân trí, hoàn cảnh xã hội, nhưng với một số luật bức bách cũng phải làm ngay ví dụ như luật về an ninh mạng, an toàn thông tin... “Những luật nào thiết thực trong cuộc sống thì cần phải làm trước, những cái nào chưa cấp thiết thì làm sau. Những luật nào liên quan đến kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế phải tranh thủ làm sớm. Cái gì chuẩn bị tốt rồi thì làm, chuẩn bị chưa tốt thì tiếp tục hoàn thiện”, Thủ tướng nêu ý kiến. |
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, Luật Biểu tình là dự án luật rất được quan tâm. Biểu tình cũng là quyền công dân được hiến định từ Hiến pháp 1946, nhưng đến nay vẫn chưa được thể chế hóa, không có hành lang pháp lý điều chỉnh cho bài bản. “Nếu luật quá khó thì có thể cân nhắc đưa ra ở mức độ nào đó, không cầu toàn, nhưng không thể “Quốc hội đã giao rồi mà không nói năng gì nữa”, ông Xuyền góp ý.
ĐB Nguyễn Công Hồng và ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng bày tỏ băn khoăn khi hai dự án Luật trên “nhập nhằng” từ lâu nhưng mãi không được trình ra. ĐB Dương Trung Quốc phân tích, Hiến pháp đã hiến định 70 năm rồi nhưng Luật về Hội vẫn chưa làm. Còn với Luật Biểu tình thì từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng đã công khai nói trước Quốc hội mà đến nay vẫn không có luật điều chỉnh khiến dân không biết đúng hay sai.
Đồng tình với các ý kiến trên, ĐB Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại T.Ư cho rằng: “Luật có khó, có vướng nhưng cần thì cũng phải làm cho bằng được, chứ không thể để một bộ, một cơ quan chủ trì soạn thảo cứ xin lùi mãi chỉ với lý do việc chuẩn bị chưa ổn, chưa yên tâm”.
Chiều cùng ngày, cho ý kiến vào dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo luật nên bổ sung quy định các vấn đề liên quan đến hoạt động thanh, kiểm tra với DN để tránh việc thanh, kiểm tra chồng chéo. “Sự chồng chéo trong thanh, kiểm tra như vòng kim cô gây kìm hãm DN. Đề nghị dự thảo luật nên bổ sung việc luật hóa tần suất, lồng ghép và kế thừa kết quả các cuộc thanh kiểm tra, kiểm toán. Cần coi đây là một giải pháp, chính sách hỗ trợ và bảo vệ DN”, ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) nêu ý kiến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận