Keangnam Vina nổi lên với nghi án chuyển giá nhằm trốn thuế gần 100 tỷ đồng với khoản chuyển giá 1.220 tỷ đồng |
Kỳ 1: Hàng loạt đại gia dính nghi án chuyển giá
Rất nhiều tên tuổi các doanh nghiệp liên doanh (FDI) lớn đã được ngành Thuế cho vào diện nghi vấn về trốn thuế, chuyển giá. Hàng loạt DN và thương hiệu lớn dần được làm rõ từ những nghi vấn chuyển giá.
Những chiêu trò “né thuế” tinh vi
Cuối tháng 4, Thanh tra Tổng cục Thuế đã chính thức công khai kết quả thanh tra về những chiêu trò “né thuế” tinh vi của Công ty Metro Cash & Carry Vietnam. Trong đó, nhiều khoản ẩn giấu rất kỹ lưỡng khiến chi phí kinh doanh của Công ty này bị đội lên và Công ty luôn trong tình trạng kinh doanh thua lỗ, không phải nộp thuế. Có những chi phí khủng được gửi nhờ ở công ty mẹ và công ty liên kết khác tại Đức khiến đại gia bán lẻ này bị buộc phải giảm lỗ 335 tỷ đồng, truy thu thuế tới 62 tỷ đồng.
"Công cuộc chống chuyển giá hiện nay của Việt Nam như “đem quân nghiệp dư đi đánh quân chuyên nghiệp”. Ông Nguyễn Quang Tiến |
Ít ai biết rằng, công cuộc thanh tra về chuyển giá này đã kéo dài từ năm 2009. Cách đây 6 năm, một danh sách dài các doanh nghiệp ngoại nằm trong diện “nghi ngờ chuyển giá” đã được ngành Thuế hé mở, trong đó, Metro Cash & Carry Vietnam là một cái tên nổi bật. Sau đó, từ năm 2010-2011, đã có nhiều cuộc thanh kiểm tra được cơ quan thuế tiến hành nhưng các kết luận thanh tra không được công bố.
Bức xúc trước vấn nạn chuyển giá, làm thất thu thuế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, tại cuộc họp tổng kết năm 2011, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đã đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Công thương nghiên cứu một dự án hỗ trợ kỹ thuật để tìm hiểu toàn bộ vấn đề chuyển giá trong 6-8 tháng và sẽ báo cáo Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chỉ cần làm 2-3 “án điểm” để “làm gương”.
Đề xuất “án điểm” chuyển giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã “hâm nóng” lại “cuộc chiến” chống chuyển giá và danh sách nghi ngờ chuyển giá được mở rộng với danh sách hàng loạt đại gia FDI báo lỗ trong nhiều năm, như: Coca-Cola, PepsiCo, Big C, Keangnam Vina…
Vẫn chỉ là nghi vấn
Theo số liệu của Cục Thuế TP HCM, hơn 10 năm qua, kể từ khi thành lập, Coca-Cola Việt Nam luôn lỗ ở mức trên 100 tỷ đồng mỗi năm, có năm số lỗ chiếm gần 1/3 doanh thu. Đỉnh điểm là năm 2006, Công ty lỗ tới 228 tỷ đồng. Trong khi đó, PepsiCo Việt Nam cũng báo lỗ liên tục từ khi thành lập. Chỉ tính riêng trong 10 năm đầu hoạt động, lỗ lũy kế của Pepsi đã lên tới hơn 1.200 tỷ đồng.
Đối với trường hợp của Keangnam Vina, Công ty hoạt động tại Việt Nam từ tháng 7/2007 nhưng liên tục báo lỗ. Năm 2013, Keangnam Vina nổi lên với nghi án chuyển giá nhằm trốn thuế gần 100 tỷ đồng với khoản chuyển giá 1.220 tỷ đồng. Kèm theo đó, hàng loạt thủ thuật bị báo chí phơi bày về dàn xếp giá vốn xây dựng, nâng khống đầu vào dẫn đến một khoản lợi nhuận kếch sù đã được Keangnam Vina chuyển về Hàn Quốc...
Tuy đã có những thông tin khá cụ thể về những doanh nghiệp liên tục báo lỗ, nhưng tới cuối năm 2014, Tổng cục Thuế vẫn cho biết, chỉ có con số doanh nghiệp nghi vấn chuyển giá, dựa trên dấu hiệu doanh nghiệp kêu lỗ nhưng liên tục đầu tư mở rộng sản xuất (trong khi theo lý thuyết, khi kinh doanh thua lỗ phải co cụm, thu hẹp quy mô kinh doanh). Nói như Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), ông Nguyễn Văn Phụng, tại thời điểm này chưa thể đưa ra con số cụ thể doanh nghiệp chuyển giá.
Trao đổi với Báo Giao thông, Vụ trưởng - Phó trưởng Ban Cải cách, Tổng cục Thuế, ông Nguyễn Quang Tiến thừa nhận, cái khó của ngành Thuế trong công cuộc chống chuyển giá không chỉ là hệ thống pháp luật còn nhiều điểm chưa chặt khiến các doanh nghiệp lợi dụng; mà ngay trong ngành Thuế cũng có yếu kém là năng lực của cán bộ thanh tra. Ngoài khả năng thuyết trình thì năng lực chuyên môn sâu của phần đông cán bộ thanh tra chưa cao. Thêm vào đó, với mức lương trả theo hệ số lương Nhà nước rất khó có thể giữ chân những người giỏi trước những lời mời chào từ các công ty kiểm toán lên tới mấy chục triệu đồng một tháng. Trong khi công cuộc chống chuyển giá của Việt Nam mới tiến hành khoảng chục năm nay thì các tập đoàn đa quốc gia đã tồn tại hàng chục thậm chí hàng trăm năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận