Chuyện dọc đường

Đại dịch, góc nhìn từ khu cách ly

14/02/2020, 06:29

Covid-19 đến Việt Nam, nó lấy đi nhiều thứ nhưng trả lại cái đa số chúng ta cần: Đó là niềm tin.

img
Những ngày này, chỉ có xe và người vào Sơn Lôi, Vĩnh Phúc chứ không có phương tiện đi ra khỏi làng. Tất cả được cách ly để phòng chống lây nhiễm virus Corona. Ảnh: Tuấn Hùng

Khi nCoV được Tổ chức Y tế thế giới đổi tên thành Covid-19 và đánh giá dịch bệnh này mang lại mối đe dọa tồi tệ hơn cả khủng bố, Việt Nam đã đi trước một bước. Thủ tướng Việt Nam đã tuyên bố “chống dịch như chống giặc” từ hơn hai tuần trước đó.

Các biện pháp quyết liệt từ Chính phủ đến các bộ ngành địa phương đã giúp Việt Nam dù “sát vách” Trung Quốc vẫn giữ vị trí tốp giữa trong danh sách các quốc gia có bệnh nhân nhiễm Covid-19. Thấp hơn rất nhiều Nhật Bản, thấp hơn cả Singapore, Hồng Kông, Thái Lan…

Không có gì quan trọng bằng sức khỏe người dân, chúng ta chấp nhận thiệt hại về kinh tế và sẽ có kịch bản đối phó với tình huống này - tuyên bố của Thủ tướng nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của người dân.

Chưa có tiền lệ, cả nước đồng lòng cho học sinh nghỉ học 2 tuần chống dịch.

Việc viện trợ thiết bị y tế, đồ bảo hộ cho bạn với tinh thần “nhường cơm sẻ áo” khi hoạn nạn và từng bước đưa người Việt Nam học tập, lao động ở Trung Quốc về nước miễn phí hơn lúc nào hết cho thấy hình ảnh đẹp của một dân tộc vốn giàu lòng nhân ái.

Có những phi công, tiếp viên hàng không đã xung phong đi vào điểm nóng đón đồng bào trở về. Có những lái xe chở nông sản xuất khẩu, lái tàu hàng liên vận sẵn sàng tự nguyện khi quay về cách ly 14 ngày trước khi tiếp xúc với gia đình, cộng đồng để giảm nguy cơ lây nhiễm. Có những kỹ thuật viên, nhà khoa học làm việc không ngừng nghỉ thực hiện các xét nghiệm đang đổ về “như núi”. Có những bác sỹ, y tá sát cánh cùng bệnh nhân nhiễm virus trong phòng cách ly chấp nhận mọi nguy hiểm. Có những chiến sỹ biên phòng đang nghỉ Tết đã lều bạt, võng xếp 24/24h chốt chặn giữa rừng kiểm soát người qua lại tại các đường mòn xuyên biên giới, họ có lúc thiếu thốn cả khẩu trang.

Tuyệt vời hơn là sự điềm tĩnh, lạc quan của người dân tại những khu cách ly vừa được dựng lên. Tại Lào Cai, trong một phóng sự ghi nhận thực tế của báo Tuổi trẻ, hơn 200 người đang bị cách ly tại Trường Quân sự tỉnh đã nhún nhảy xả stress trong tiếng nhạc phát ra từ chiếc điện thoại bé xíu. Họ bày nhau tập những động tác thể dục kết hợp aerobic chờ đến ngày được về nhà.

Hay ở làng Sơn Lôi, Vĩnh Phúc - nơi đang bị cách ly, “nội bất xuất” trong trời mưa nồm ẩm xám xịt, đồng nghiệp tôi báo về: Bà con bình thản và hợp tác.

Covid-19 đến Việt Nam, nó lấy đi nhiều thứ nhưng trả lại cái đa số chúng ta cần: Đó là niềm tin.

Chính quyền đang làm hết sức có thể và người dân tin tưởng, bình tĩnh chống dịch. Những thông tin thất thiệt trước nay thường được thổi phồng và kích động trên mạng xã hội giờ bị phản ứng mạnh mẽ.

Những hình ảnh tuyệt vọng, phẫn nộ vì virus nCoV không có ở Việt Nam.

Bị cách ly thì đi lại trong khu vực có thể. Đồ ăn chính quyền hỗ trợ, dịch bệnh lây thì chữa, chưa ai tử vong ở Việt Nam cả. Có lo lắng, buồn rầu vì họa bỗng dưng tới, cuộc sống đảo lộn, thu nhập giảm sút nhưng không tuyệt vọng và hoang mang.

Tôi chỉ có một băn khoăn, Chính phủ tuyên bố đủ điều kiện chống dịch, đã lên phương án sẵn sàng cách ly hàng chục nghìn người trong khi số người trong các khu cách ly còn rất hạn chế. Đây là lúc rất cần sát sao, quan tâm hơn nữa tới tiêu chuẩn đặt ra yêu cầu với người bị cách ly. Chúng ta đang trong thế chủ động lại càng không được phép để những khu cách ly thành ổ lây nhiễm lớn nhất. Đừng để những người bị đưa vào khu cách ly sợ hãi, phải tìm cách bỏ trốn.

Vẫn có những video, bức ảnh cho thấy trong khu cách ly, bà con đắp chung chăn lướt web, ngồi chen vai thích cánh chơi bài, các tấm đệm được kê thay giường sát sạt. Như thế, chỉ một người trong số đang bị cách ly nhiễm virus thì tỷ lệ lây nhiễm sẽ đẩy con số 16 người Việt nhiễm Covid-19 lên mức không mong đợi.

Chính phủ đã chủ động, chu đáo cho đến lúc này, chỉ cần hội đủ điều kiện, các chính quyền địa phương, bộ ngành và người dân cảnh giác và chăm lo hơn nữa.

Biết vì chính mình và vì người khác, chúng ta sẽ không thành nạn nhân của Covid-19 như nhiều nơi trên thế giới…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.