Hai đại diện Vinasun mặc áo trắng cà vạt đỏ, kế bên là đại diện Grab |
Ngày 23/10, phiên tòa xử vụ Vinasun kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng 41,2 tỉ đồng đến phần đại diện VKS phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.
Theo VKS, đây là vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã được chứng minh trong quá trình xét hỏi nên thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP.HCM.
Vinasun và Grab đều là doanh nghiệp nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Kinh tế TAND TP.HCM. Đề án 24 không phải là đối tượng khởi kiện trong vụ án này nên việc Grab cho rằng vụ án không thuộc thẩm quyền cùa tòa, chỉ là khiếu kiện hành chính là không phù hợp.
Về nội dung, giấy đăng ký kinh doanh của Grab thể hiện lĩnh vực đăng ký kinh doanh vận tải mặc dù theo đề án 24 Grab chỉ cung cấp nền tảng kết nối. Grab đã lợi dụng quyết định 24 để điều hành dịch vụ vận tải taxi: thu tiền cước, quản lý tài xế, quyết định mức chiết khấu, thưởng phạt với tài xế…Grab thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, trong đó có cả cuốc xe 0 đồng. Do đó, đủ cơ sở xác định Grab là đơn vị kinh doanh vận tải taxi chứ không đơn thuần là đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối công nghệ giữa khách hàng và tài xế. Từ đó, VKS xác định Grab kinh doanh vận tải taxi, Grab đã kê khai không trung thực, có hành vi vi phạm về khuyến mãi. Theo giám định, 40% khách hàng chuyển từ Vinasun sang Grab do giá cước rẻ, doanh thu của Grab mỗi năm mỗi tăng, tốc độ tăng nhanh.
Từ đó, Đại diện VKSND TP.HCM cho rằng có cơ sở khẳng định Grab đã gây thiệt hại cho Vinasun và đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, buộc Grab bồi thường cho Vinasun 41,2 tỉ đồng, bồi thường 1 lần.
Theo Luật sư Lê Văn Hoan, trưởng văn phòng Luật sư Lê Văn (Đoàn luật sư TP.HCM), về mặt xã hội, Grab xuất hiện thì người tiêu dùng được hưởng lợi vì tiến bộ về mặt công nghệ, chất lượng và giá rẻ. Nếu là một khách hàng, khi được hỏi Grab có phải là taxi hay không, bản thân tôi cũng cho rằng đó là taxi.
Grab "thất vọng vì ý kiến của VKS"
Sau phiên tòa, ông Jerry Lim, đại diện Grab cho biết, rất thất vọng với đề nghị của VKS.
“Chúng tôi vẫn tin cơ quan tư pháp không có thẩm quyền xác định bản chất kinh doanh của một doanh nghiệp. Tuy nhiên tại phiên tòa này, đại diện VKS cho rằng, Grab là loại hình kinh doanh taxi. Điều này sẽ tạo tiền lệ xấu, quan ngại cho những doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ khác. Doanh nghiệp này sẽ lập lờ đi kiện doanh nghiệp khác chỉ vì họ không thể phát triển bằng những doanh nghiệp kinh doanh công nghệ. Trong suốt 4 ngày qua, chúng tôi đã nêu ra nhiều điểm mơ hồ, sai lầm của cả 3 báo cáo này. Tuy nhiên HĐXX đã không cho phép chúng tôi không có quyền đối chất với các bên giám định...”, ông Jerry Lim nói.
Mặc dù vậy, ông Jerry Lim khẳng định kết quả thế nào cũng cam kết sẽ luôn đầu tư tại Việt Nam để phát triển xã hội, và vì tất cả người dân Việt Nam. Mong rằng sẽ có bản án khách quan, phù hợp vì người dân Việt Nam chứ không vì cá nhân kinh doanh nào hết.
Xét thấy vụ án phức tạp cần có thời gian nghị án, HĐXX quyết định tuyên án vào 14h ngày 29/10.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận