Thị trường

Đại gia bán lẻ ngoại đổ bộ thị trường Việt

01/06/2015, 09:36

Dự kiến, sau ngày 1/11/2015, Việt Nam sẽ cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài.

42

Dự án Trung tâm thương mại Aeon Long Biên

Thị trường bán lẻ Việt đang chứng kiến sự đổ bộ của các đại gia ngoại. Dự kiến, sau ngày 1/11/2015, Việt Nam sẽ cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài theo cam kết khi gia nhập WTO khiến thị trường này sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn.

Ồ ạt đổ bộ

Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam (Tập đoàn Aeon, Nhật Bản), ông Yasuo Nishitohge vừa cho biết, Trung tâm thương mai (TTTM) Aeon Long Biên (Hà Nội) sẽ khai trương vào tháng 10/2015, sớm hơn dự kiến một tháng. Với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD, Aeon Long Biên có diện tích 9,6 ha, có khu mua sắm, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, văn phòng, khu thể thao… Dự kiến sau đó, TTTM Aeon Bình Tân (TP HCM) có diện tích 4,6 ha với tổng vốn đầu tư đăng ký 128,5 triệu USD sẽ khởi công vào tháng 7/2016.

Năm 2014, hai TTTM Aeon Tân Phú Celadon và Aeon Bình Dương Canary đã đi vào hoạt động. Tập đoàn Aeon tham vọng, sẽ có tới 20 siêu thị tại Việt Nam vào năm 2020.

"Sự đổ bộ của các đại gia bán lẻ nước ngoài là thực tiễn chúng ta phải đối mặt và phải có sự ứng xử tương ứng. Ở giai đoạn này, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn lại xem liệu chúng ta làm được gì, tham gia được vào đâu để giữ vững thị trường, thị phần của mình trong thị trường bán lẻ”.

Bà Đinh Mỹ Loan
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ
Việt Nam

Tại hội thảo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc tổ chức ở Hà Nội ngày 21/5, ông Hongsun, Tổng thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, phía Hàn Quốc đang đề xuất xây dựng một trung tâm chợ đầu mối khoảng 300 ha. “Chúng tôi đang thực hiện khảo sát, tuy chưa xác định rõ ràng nhưng địa điểm xây sẽ nằm trên địa bàn Hà Nội”, ông Hongsun nói.

Cuối tháng 3, Tập đoàn Bán lẻ Emart của Hàn Quốc công bố mở siêu thị đầu tiên tại TP HCM vào cuối năm nay với tổng vốn đầu tư là 60 triệu USD. Trước đó, năm 2014, một đại gia bán lẻ Hàn Quốc khác là Tập đoàn Lotte cũng đã khai trương các TTTM tại 229 Tây Sơn (Hà Nội); Lotte Center trên đường Liễu Giai (Hà Nội) và thuê lại toàn bộ Pico Plaza (TP HCM). Dự kiến, trong năm nay, các TTTM tại Vũng Tàu, Cần Thơ của Lotte sẽ đi vào hoạt động. Kế hoạch của Lotte là đến năm 2020, sẽ khai trương 60 TTTM tại Việt Nam.

Đầu năm 2015, Central Group mua lại 49% cổ phần của Trung tâm điện máy Nguyễn Kim. BJC - một tập đoàn bán lẻ Thái Lan khác cũng đã mua Family Mart và đặt mục tiêu mở rộng lên đến 300 cửa hàng vào năm 2018.

Và mới đây, tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Wal-Mart (Mỹ) cũng lên tiếng, sẽ đầu tư hệ thống siêu thị lớn ở Việt Nam.

Doanh nghiệp nội cần tăng tốc

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, thị trường bán lẻ Việt Nam còn sắp đương đầu với sự đổ bộ mạnh mẽ hơn từ các đối thủ ngoại khi AEC hình thành và các FTA Việt Nam sắp ký kết trong năm 2015 như: FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - EU, Hiệp định kinh tế đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Nhất là sau ngày 1/11/2015, nước ta sẽ cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.

Điều làm ông Phú lo lắng là trước sự tấn công ồ ạt của các đại gia bán lẻ nước ngoài, năng lực nội tại của hầu hết nhà bán lẻ trong nước vẫn yếu kém, thiếu liên kết giữa các đơn vị sản xuất với phân phối, phân phối với phân phối và phân phối với bán buôn. “Để cạnh tranh, các nhà bán lẻ trong nước cần quan tâm đến cả TTTM lẫn siêu thị mini, cửa hàng tiện ích nhỏ; đồng thời xây dựng những thương hiệu riêng cũng như hợp tác với các nhà sản xuất, kể cả nông dân để sản xuất cung cấp hàng hoá cho họ. Chúng ta cần tăng tốc, liên kết, quản trị tốt hơn”, ông Phú nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, đã từng “gõ cửa” nhiều hệ thống phân phối nội và ngoại, ông Nguyễn Công Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần quốc tế VAG chuyên về dệt may, khăn bông sợi các loại cho rằng, khác biệt lớn nhất của doanh nghiệp bán lẻ ngoại với nội chính là hệ thống kiểm soát và tiếp cận của doanh nghiệp ngoại rõ ràng và minh bạch. “Nhà bán lẻ ngoại đưa ra yêu cầu và cứ đạt yêu cầu đó thì doanh nghiệp vào. Còn nhà bán lẻ Việt Nam cũng đưa ra yêu cầu nhưng không rõ ràng, khó hiểu hơn. Do đó, cần có sự chuyển biến mang tính chất bước ngoặt ở hệ thống bán lẻ nội”, ông Minh cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.