"Bi kịch gia đình" trong đại án thâu tóm đất vàng ở Bình Dương
Chiều nay (25/8), tại phiên tòa xét xử vụ thâu tóm "đất vàng" ở Bình Dương, HĐXX dành quyền cho các bị cáo được nói lời sau cùng.
Trong lời nói sau cùng của mình, bị cáo Nguyễn Văn Minh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty SX-XNK Bình Dương) trình bày, bản thân rất ân hận khi dành trọn cả cuộc đời cống hiến, nhưng cuối đời lại để vướng mắc.
Bị cáo Nguyễn Văn Minh
Nguyên Chủ tịch Tổng công ty Bình Dương xin lỗi Đảng, Nhà nước, đồng chí Tổng Bí thư, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Dương, xin lỗi cán bộ, nhân viên Tổng công ty, vì bị cáo mà vướng vào vụ án.
"Tôi già yếu, bệnh tật, tôi không xin gì cho bản thân, chỉ mong xem xét cho các bị cáo khác được coi là đồng phạm với tôi. Thục Anh nghe theo tôi, vai trò thụ động, mờ nhạt, không đáng kể, xin HĐXX cho con gái tôi được hưởng chính sách hình sự đặc biệt, mức án thấp nhất", vị đại gia Bình Dương trình bày.
Trong đại án này, Viện Kiểm sát đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Minh 14-15 năm tù vì tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và 15-16 năm tù tội "Tham ô tài sản". Tổng hợp hình phạt mà đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt ông Minh là 19- 30 năm tù;
Đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị tuyên phạt con gái ông Minh, bị cáo Nguyễn Thục Anh (nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát Triển) mức án 3-4 năm tù tội "Tham ô tài sản".
Con rể ông Minh là bị cáo Nguyễn Đại Dương - chủ cũ vũ trường New Century ở Hà Nội bị đề nghị mức án 6-7 năm tù tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra lệnh kê biên tài sản là Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do bị cáo Nguyễn Văn Minh nhờ người có tên Vũ Huy Hoàng đứng tên) tại tờ bản đồ số 30,6; thửa đất số 3,6 thuộc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cấp ngày 16/11/2016 tại địa chỉ ở Phường 5, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Trình bày trước HĐXX, vợ ông Nguyễn Văn Minh là bà Lê Thị Bích Ngọc xót xa nói: "Đối với gia đình tôi đây là bi kịch. Tội danh này nó hệ lụy cả đời con, đời cháu tôi. Bản thân tôi bây giờ không biết sống như thế nào".
"Tôi không còn khoản thu nhập nào hàng tháng. Tôi chỉ biết nương tựa vào chồng. Khoản cổ phần cuối cùng chúng tôi cũng đã phải nhượng cho ông Võ Hồng Cường để khắc phục hậu quả. Đối với tôi, người phụ nữ 70 tuổi, một người vợ, một người phụ nữ rất tội nghiệp", bà Ngọc nói và mong có một bản án thấu đáo với hành vi của chồng.
Bị cáo Trần Văn Nam
Cựu Bí thư, cựu Chủ tỉnh tỉnh Bình Dương nói lời xin lỗi
Nói lời sau cùng, cựu Chủ tịch tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam trình bày rất ân hận, xin lỗi đồng chí Tổng Bí thư, Đảng bộ, nhân dân Bình Dương.
Bị cáo Trần Văn Nam mong muốn HĐXX xem xét toàn diện, đánh giá khách quan cho các bị cáo, bởi phần lớn bị cáo thấy họ không cố ý, không vụ lợi, không tham nhũng. Đây là những người có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển của Bình Dương, trong bối cảnh quyết liệt đổi mới.
"Đau xót cho tỉnh Bình Dương khi những đồng chí, đồng đội vướng vào vòng lao lý hôm nay. Mong HĐXX xem xét đặc biệt là những bị cáo là cán bộ tỉnh, tuổi cao. Mong HĐXX xem xét cho các bị cáo mức hình phạt vừa có tính cảnh báo, răn đe nhưng cũng không làm nhụt trí nhân tố mong muốn phát triển", ông Nam nói.
Bị cáo Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) cũng trình bày, bị cáo không có động cơ gì khác hơn là thực hiện trách nhiệm của mình. Do nhận thức pháp luật không đầy đủ, tin vào các cơ quan tham mưu, và yếu tố khách quan, bị cáo không nhận biết được việc làm của mình là sai.
"Qua phiên toà này, tôi nhận thức được cái sai và mong tòa xem xét động cơ, mục đích phạm tội của bị cáo, bị cáo không tư lợi. Mong toà xem xét sai phạm của một số bị cáo trong vụ án này, nhất là các bị cáo lãnh đạo tỉnh, để quyết định mức án phù hợp, áp dụng chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước để các bị cáo sớm được trở về với gia đình", ông Liêm nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận