Tên lửa đẩy New Shepard của Blue Origin |
Bán 1 tỉ USD cổ phần đầu tư vũ trụ
Mới đây, theo RT, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Amazon Jeff Bezos công bố kế hoạch mỗi năm bán gần 1 tỉ USD cổ phiếu của công ty bán lẻ trực tuyến Amazon để đầu tư tài chính vào công ty hàng không vũ trụ Blue Origin với tham vọng phát triển dịch vụ đưa các khách hàng đại gia lên vũ trụ vào đầu năm tới.
“Dự định lúc này của tôi với Blue Origin đó là bán khoảng 1 tỉ cổ phiếu của Amazon/năm để gây quỹ tài chính cho công ty này. Vì vậy, mô hình kinh doanh của Blue Origin sẽ rất mạnh”, ông Bezos cho biết, tại Hội nghị chuyên đề về Vũ trụ của Mỹ được tổ chức hàng năm tại Colorado.
Ban đầu, Công ty Blue Origin định thử nghiệm các chuyến bay chở khách lên không gian trong 11 phút vào năm nay nhưng “lỡ hẹn” và lùi tới năm 2018, người sáng lập công ty cho biết. “Trong dài hạn, Blue Origin dự kiến, sẽ trở thành một doanh nghiệp tự phát triển và có lợi nhuận, lúc đó sẽ bắt đầu cắt giảm chi phí các chuyến bay tới vũ trụ mang tới lợi ích cho hàng triệu người”, ông Bezos nói.
Hiện, CEO này đang sở hữu 80,9 triệu cổ phiếu của công ty bán lẻ trực tuyến Amazon và là cổ đông lớn nhất của tập đoàn này, theo tư liệu từ Reuters. Nếu tính theo giá trị 1 cổ phiếu của Amazon khi kết thúc ngày giao dịch hôm 11/4 là 909,28 USD. Như vậy, để có số tiền 1 tỉ USD, CEO Amazone phải bán 1.099.711 cổ phiếu.
Trong buổi hội nghị chuyên đề, Công ty Blue Origin cũng cho ra mắt tàu vũ trụ New Shepard, phi thuyền từng thực hiện các chuyến bay thử nghiệm không người lái lên vũ trụ và quay trở lại trái đất an toàn. Tới đây, con tàu này có thể chở hành khách lên độ cao hơn 60km so với mặt đất, nó sẽ cho phép các thượng đế nhiều tiền có thể trải nghiệm cảm giác không trọng lượng cũng như quan sát độ cong của hành tinh trái đất. Hiện nay, công ty chưa phát hành vé cũng như công bố giá mỗi chuyến tham quan đặc biệt kiểu như vậy.
Nếu nhắc đến các CEO quan tâm tới phát triển vận tải vũ trụ, dám đưa ra những kế hoạch táo bạo, không thể không nhắc tới ông Elon Musk, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Space X. Ông bắt đầu bước chân vào phát triển ngành Vận tải vũ trụ từ năm 2002 với tham vọng tìm ra cách “mở rộng sự sống tới hành tinh khác nhẹ nhàng như từ tàu thuyền trên đại dương lên đất liền”.
Cuối tháng 2 vừa qua, CEO SpaceX Elon Musk thông báo, đã có 2 khách hàng giàu có đặt tiền trước để thử nghiệm chuyến đi vòng quanh Mặt Trăng do Space X tiến hành trong năm tới. Trước khi lên tàu, hai khách du lịch này sẽ trải qua đợt kiểm tra thể lực và huấn luyện vào cuối năm nay.
Giám đốc Điều hành Tập đoàn Amazon Jeff Bezos |
Vì sao dám mạo hiểm?
Sở dĩ, nhiều CEO dám mạo hiểm đầu tư vào ngành Vận tải còn xa lạ này vì họ nhận thấy đây là ngành Công nghiệp có thể hái ra tiền, đặc biệt là nó đánh vào phân khúc những người siêu giàu. Khi đã chán với trái đất, các đại gia giàu có không tiếc tiền chi tới hàng chục triệu USD để thỏa mãn đam mê khám phá vũ trụ.
Ngoài ra, các cơ quan nghiên cứu vũ trụ cũng đang mở cửa hợp tác với tư nhân để phát triển kỹ thuật và vận tải hàng hoá vào vũ trụ. Chẳng hạn, Công ty Space X đã ký một thỏa thuận với Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) để thực hiện 12 sứ mệnh vận tải đến Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) theo thỏa thuận trị giá tới 1,6 tỉ USD.
Ông Jeff Manber, Giám đốc Điều hành công ty phóng vệ tinh nhỏ NanoRacks đang khá thành công cho biết, việc đầu tư tài chính để tiếp cận không gian sẽ tạo ra vòng tuần hoàn: Càng nhiều tiền được đầu tư vào không gian thì càng dễ dàng kiếm tiền nhờ hoạt động trong không gian vũ trụ.
Hiện nay, các CEO như ông Bezos không ngừng tư duy để tiến sâu và xa hơn trong ngành vũ trụ. Với ông Bezos, sau khi đã “thông đường” đưa người vào vũ trụ, ông tiếp tục tìm phương án cắt giảm chi phí, tạo điều kiện đưa thêm nhiều người khám phá vũ trụ hơn nữa. Trong đó, ông Bezos nhắm đến yếu tố quan trọng đó là tái sử dụng tên lửa.
Ngoài ra, Công ty Blue Origin đang phát triển một hệ thống phóng thứ hai có tên gọi là New Glenn, có khả năng đưa vệ tinh và người lên quỹ đạo. Hệ thống này tương tự như tên lửa Falcon 9 và tàu vũ trụ Dragon mà công ty đối thủ Space X đang phát triển.
Dự kiến, chi phí phát triển hệ thống New Glenn mới sẽ tiêu tốn khoảng 2,5 tỉ USD. Tuy nhiên, người đứng đầu Amazon tuyên bố, sẵn sàng chi mạnh tay nhất có thể. “Vấn đề tôi mong muốn và tập trung duy nhất lúc này là con người trên mặt trăng”, ông Bezos nói.
Về phía Space X, sau chuyến chở khách du lịch bay vòng quanh mặt trăng đầu tiên thành công, Space X tham vọng sẽ tiếp tục các chuyến thăm quan tiếp nối khác. “2018 sẽ là năm lớn với chúng tôi để đưa người vào vũ trụ và hiện thực hóa những hy vọng xa hơn nữa”, ông Musk bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận