Ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, gia đình cụ Oa - Quy được nhiều người biết đến bởi hoàn cảnh quá éo le. Trong 9 người lớn của gia đình, chỉ có 3 người khỏe mạnh, còn lại đều mù hoặc câm điếc, thậm chí vừa mù vừa câm điếc. Thế nhưng, vượt qua tất cả, họ vẫn đang nương tựa vào nhau để sống trong cảnh ấm êm, dù còn rất nhiều khó khăn.
“Dùng chung” đôi mắt, tiếng nói
Sáng 9/7, PV Báo Giao thông tìm về xóm Cây Dòng, thôn Thanh Trí, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội), khi hai chị em bà Dương Thị Sáng (60 tuổi) và Dương Văn Khuy (55 tuổi) vừa chở nhau đi chợ về. Bà Sáng mù một mắt bẩm sinh, những năm gần đây, con mắt còn lại cũng mờ dần, nhưng bà nói và nghe được. Còn ông Khuy thì mắt sáng, nhưng lại câm điếc và thi thoảng mất trí nhớ.
“Tôi dắt theo Khuy đi để có gì nó còn nhìn đường, nhìn hàng hóa. Hơn nữa, để Khuy ở nhà, Khuy hay đi lang thang, mất công tìm về mệt lắm”, bà Sáng vừa nói, vừa đưa thức ăn cho em gái là bà Dương Thị Ánh (57 tuổi) mang đi sửa soạn cho bữa trưa.
Bà Ánh cũng giống ông Khuy, bị câm điếc bẩm sinh. Hơn một năm trước, bà Ánh đi làm về thì bị xe tải tông, phải phẫu thuật cắt bỏ bàn chân phải, giờ đi lại phải chống gậy. Tuy không nói được, nhưng bà Ánh nhìn cử chỉ của chị, rồi nhanh nhẹn và vui vẻ làm theo.
Trong căn nhà cấp bốn tuềnh toàng bong tróc vữa, chả có đồ vật gì đáng giá, cụ Dương Văn Oa (85 tuổi) bị câm điếc và cụ Dương Thị Quy (87 tuổi) bị mù nằm trong căn phòng tối om, không có điện. “Bố mẹ tôi năm nay yếu, các cụ hầu như nằm suốt, gần trưa ba chị em tôi phụ nhau cho bố mẹ ăn uống”, bà Sáng giải thích.
Nói về hoàn cảnh gia đình, bà Sáng kể, cụ Oa và cụ Quy đều cùng cảnh là người khuyết tật lấy nhau, rồi sinh ra 7 người con, nhưng có tới 4 người không mù cũng câm điếc. Chỉ có người chị cả là bà Mây (63 tuổi), người con thứ năm Dương Thị Mến (61 tuổi) và người con thứ sáu Dương Văn Út (40 tuổi) là khỏe mạnh bình thường. Còn bà Sáng mù một mắt, mắt còn lại yếu mờ; bà Ánh mù và câm điếc bẩm sinh, bị cắt cụt chân sau tai nạn; ông Khuy câm điếc bẩm sinh, bị tai nạn nên mất trí nhớ; ông Chút câm điếc bẩm sinh.
Trừ bà Mây và bà Mến khỏe mạnh bình thường thì sinh sống ở gia đình nhà chồng; còn tất cả ba thế hệ gia đình cụ Oa - Quy đều quây quần sống ở đây. Nguồn thu chỉ trông chờ vào vợ chồng anh Út làm phụ xây dựng và chị Hòa (vợ ông Khuy) làm công nhân nhà máy. Bà Sáng, bà Ánh và ông Khuy đều khuyết tật và lớn tuổi nên ở nhà chăm nhau và chăm sóc bố mẹ. Anh Dương Văn Chút (38 tuổi) tuy câm điếc nhưng còn mạnh khỏe nên đi làm đồng ruộng cùng vợ.
“Thôi thì quây quần đùm bọc lấy nhau, người nào có mắt sáng, nhìn được thì bù đắp cho người mù; người nào nói được thì nói thay cho người câm điếc. Chúng tôi ở nhà chỉ nhìn hành động, cử chỉ tay chân là hiểu ai muốn gì. Cuộc sống bao năm qua vẫn “khéo co thì ấm”, chỉ thương bọn trẻ con sinh ra cũng lại bị tật nguyền…”, bà Sáng trầm giọng.
Gen “ác” di truyền
Bà Sáng cho biết, do hoàn cảnh gia đình và bản thân, ông Dương Văn Khuy mãi năm 35 tuổi mới nhờ mai mối lấy được vợ là chị Cao Thị Hậu, quê ở Vĩnh Phúc. Chị Hậu cũng là người phụ nữ muộn chồng, những mong lấy ông Khuy để có những đứa con làm niềm vui sống, lo cho bản thân lúc tuổi già. Ai ngờ, hai đứa con gái đầu của ông Khuy, chị Hậu khi chào đời đều bị câm.
Tương tự hoàn cảnh của anh trai, anh Chút cũng lấy một người phụ nữ lớn hơn mình 10 tuổi, đã qua một lần chồng và sinh được hai con, nhưng cũng bị câm điếc.
“Năm 2013, vợ chồng Chút có con thứ ba, là một bé trai, cháu lớn lên hoàn toàn bình thường, là niềm hy vọng của cả đại gia đình. Ai ngờ, năm 2018, khi cháu được 5 tuổi, thì cháu đi chơi cùng một người cháu nữa trong họ và cả hai cháu bị đuối nước tử vong”, bà Sáng nghẹn ngào kể.
Thế nhưng, trong suốt buổi nói chuyện, bà Sáng không hề than khổ, than khó. Vừa trò chuyện, bà vừa đưa mắt trông chừng ông Khuy không để đi lang thang ra đường, rồi ra dấu bằng tay để bà Ánh chống nạng đi nấu cơm, dọn nhà, vào buồng đánh thức bố mẹ dậy. Dường như, bà đã quen với cảnh éo le đeo bám đại gia đình, nên cũng không đòi hỏi gì cho cuộc sống của bản thân và mọi người.
“Nhà vui nhất là khi chiều tối, người lớn đi làm về, trẻ con đi học về, cùng nhau ăn cơm, ra ngoài hiên nhà chơi, hóng mát. Chúng tôi vẫn nói chuyện bằng chân tay, bằng cử chỉ, kể cho nhau nghe về các việc diễn ra trong ngày, cùng lên kế hoạch đi làm kiếm tiền lo cho đại gia đình và tính cả chuyện làm sao để cả 4 đứa trẻ câm điếc vẫn được học hành đến nơi đến chốn”, bà Sáng nói.
Nói về những đứa trẻ, bà Sáng khẽ nở nụ cười tin tưởng, rồi y học càng tiên tiến hiện đại, biết đâu sẽ có lúc bọn trẻ chữa được bệnh câm điếc hoặc bọn trẻ sẽ dùng thiết bị khoa học công nghệ để nghe được, nói được…
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Dương Văn Hiệp, Trưởng thôn Thanh Trí, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn cho biết, gia đình cụ Dương Văn Oa, cụ Nguyễn Thị Quy sinh ra được 7 người con thì có tới 4 người bị câm điếc, mù. Các cháu nhỏ của gia đình cũng đều là người khuyết tật. “Gia đình sống rất hòa thuận, thương yêu nhau. Hàng năm, thôn và chính quyền địa phương đều có những động viên, quan tâm đến gia đình. Ngay trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, chính quyền địa phương, thôn cũng đã đến động viên hỗ trợ cho gia đình”, ông Hiệp nói và cũng đề xuất các ngành chức năng có sự nghiên cứu, xem xét để tìm kiếm ra nguyên nhân cả ba thế hệ trong gia đình đều có người khuyết tật, từ đó hy vọng có giải pháp chữa trị, hỗ trợ phù hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận