Ông Quơn (thứ hai từ phải) cùng vợ và các con. (Ảnh gia đình cung cấp). |
Căn bệnh kỳ lạ khiến vợ chồng ông Lưu Quơn (Quế Sơn, Quảng Nam) cùng 6 người con đều cao chưa đến mét rưỡi. Bao năm nay, đại gia đình người lùn này vẫn không nguôi ý chí cải thiện giống nòi cho con cháu.
Truyền kỳ 3 đời không cao quá 1,4m
Tìm về thôn Bà Rén (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) hỏi gia đình ông Quơn người lùn, chẳng mấy ai không tường tận. Vừa đến chợ Bà Rén, một chị bán thịt heo tại đây đã nhanh nhảu: “Em đi thẳng vào con hẻm kia, thấy cái nhà nào nhỏ nhất là nhà ông Quơn”. Quả thật, căn nhà cấp 4 của ông Quơn nhỏ bé như chính cơ thể ông, nằm lọt thỏm giữa những tòa nhà to lớn xung quanh. 85 tuổi, ông Quơn và bà Phạm Thị Điển (81 tuổi) sức khỏe đều đã yếu. Tết dường như chưa gõ cửa căn nhà đượm vẻ đìu hiu này. Hai ông bà bình thản nằm trên chiếc giường ọp ẹp.
Bà Điển bảo: Cả nhà ai cũng có chiều cao khiêm tốn. Ông Quơn cao 1,1m, bà Điển cao 1,4m. Hai ông bà có tất cả 9 người con nhưng 3 người yểu mệnh chết sớm. Những người con còn lại gồm các ông: Lưu Ngoạn (64 tuổi) cao 1,3m, Lưu Trịn (60 tuổi) cao 1,29m, Lưu Tám (57 tuổi) cao 1,27m, Lưu Mười (55 tuổi) cao 1,25m, Lưu Hai (53 tuổi) cao 1,1m và bà Lưu Thị Hoa (50 tuổi) cũng chỉ cao 1,1m. “Căn nhà này ngoài vợ chồng tôi còn có 2 đứa con ở chung là thằng Trịn với thằng Hai. Những đứa khác đều có gia đình nên chuyển ra ngoài ở riêng”, bà Điển nói.
Ông Quơn kể thêm, chiều cao đặc biệt thấp của những thành viên trong gia đình là do di truyền. Ông nội ông Quơn sinh được 4 người con. Trong khi những người chú, bác khác cao lớn bình thường thì cha ông Quơn chỉ cao 1,2m. Cha ông Quơn may mắn lấy vợ cao ráo nhưng khi sinh ông ra thì lùn vẫn hoàn lùn. “Bạn bè cùng trang lứa lớn như cây tre, còn tôi vẫn thấp tịt. Cái chân tôi cũng bị cong dị dạng nên đã lùn còn lùn thêm, như đứa trẻ lớp 4-5 vậy. Đi với bạn mà nhiều người nói chúng tôi là cha con”, ông Quơn chia sẻ.
Thiệt thòi về hình dáng nhưng đường tình duyên của ông Quơn lại khá suôn sẻ. Ngày gia đình ông Quơn đến mở lời hỏi cưới, tưởng gia đình bà Điển từ chối ai ngờ “nhà gái” cảm thông, không ngần ngại gật đầu đồng ý. Nhìn những đứa con chào đời bụ bẫm, cân nặng, chiều cao đều như những đứa trẻ khác, vợ chồng ông Quơn chưa kịp mừng thì đã phát hiện sự thật phũ phàng. Những đứa con càng lớn như càng lùn hẳn đi.
“Ngày cha tôi mất đã cố giặn đến đời tôi phải làm sao cải thiện chiều cao cho con cháu. Tôi cũng hi vọng nhiều lắm nhưng có lẽ trời không thương. Con tôi cưới vợ dựng chồng, tôi cũng căn dặn nó phải cải thiện nòi giống, dứt khoát không thua kém người ta nữa”, ông Quơn dõng dạc.
Cóp nhặt dựng vợ - gả chồng cho con
Sức khỏe ông Quơn trở yếu, mọi sinh hoạt phải nhờ vợ trợ giúp. |
Điều làm vợ chồng ông hạnh phúc nhất là đã dựng vợ - gả chồng hầu hết cho các con. Đặc biệt, các nàng dâu, rể ít nhất phải đáp ứng 1 tiêu chí - cao hơn con ông Quơn. Ông Quơn bảo, làm được điều này, gia đình tốn rất nhiều công sức và tiền bạc.
Ông Lưu Ngoạn, con trai cả ông Quơn, cười tủm tỉm khi chúng tôi hỏi chuyện cưới vợ - bà Lê Thị Thương. Bà này cao hơn chồng cả cái đầu. Ông Ngoạn phải mất 2 năm trời ròng rã đeo đuổi bà Thương mới nhận lời làm vợ. Đám cưới của “đôi đũa lệch” này nhận được nhiều lời chúc phúc nhưng cũng không ít sự dèm pha, trêu chọc của người đời. “Tôi thiệt thòi đủ điều, ai nghĩ lấy được vợ. Tôi chỉ biết sống chân thành nhất. Sau này, bà ấy kể thấy tôi tuy nhỏ bé nhưng siêng năng làm việc nên đem lòng yêu thương rồi đồng ý về chung một nhà”, ông Ngoạn nói.
Bà Điển kể: Ngày đám cưới cho con cả, cả nhà không có tiền để tổ chức rình rang. Đôi vợ chồng cơ cực chỉ gom góp được ít tiền rồi đặt 1 chỉ vàng tặng cho con dâu. “Nhìn con Thương nó chịu về nhà chồng, tôi mừng muốn khóc”. Đầu xuôi, đuôi lọt. Đám cưới 3 người con khác cũng diễn ra tằn tiện nhưng suôn sẻ, cháu chắt đủ đầy.
Tôi dặn các con, dù có như thế nào cũng phải sống bằng sức lao động chân chính. Hồi trước có mấy đoàn xiếc mời các con tôi đi theo biểu diễn nhưng tôi không đồng ý. Làm việc ở chợ Bà Rén ít tiền nhưng cũng đủ mua gạo ăn từng bữa, không cần phải đi xin ai cả. Ông Lưu Quơn |
“Tôi bây giờ có 10 đứa cháu, 4 đứa chắt nội, 3 đứa chắt ngoại. Đứa ở huyện này, huyện kia, lâu lâu lại chở nhau về đây chơi. Vợ chồng tôi cứ thấy nó chạy vô, chạy ra là đã sung sướng lắm rồi. May nhất là mấy đứa cháu tôi đều cao lớn bình thường như người ta cả”, bà Điển tâm sự.
Dù có chiều cao khiêm tốn nhưng cha con ông Quơn đều siêng năng làm việc. Ông Quơn hàng chục năm liền làm quản lý kiêm dọn dẹp chợ heo Bà Rén. Các con ông cũng mưu sinh nhờ công việc bế heo (cân heo nhưng không bỏ vào rọ) nổi tiếng tại khu chợ này. Đều đặn mỗi ngày, những người lùn trong gia đình ông Quơn bước lên bàn cân từ sáng sớm để lấy chính xác số đo của mình. Sau đó, họ lần lượt bế 1 con heo trên tay nhảy lên cân, cứ thế lấy tổng số trừ đi cân nặng mỗi người là biết con heo nặng bao nhiêu. Vất vả là thế, nhưng thu nhập mỗi người chỉ khoảng 30.000 đồng/ngày, tùy vào số lần bế heo, vừa đủ sống qua ngày.
Tuy nhiên, thoảng trong đôi mắt vợ chồng già vẫn ánh lên những lo toan trăn trở. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, ông Quơn mang trong mình nhiều căn bệnh tuổi già khiến việc đi lại khó khăn. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ bà Điển giúp sức nhưng bà đang bị căn bệnh thoái hóa khớp hành hạ. “Lo nhất là 2 đứa con trai chưa có gia đình. Thằng Trịn với thằng Hai dù lớn tuổi nhưng vẫn chưa biết tự chăm sóc bản thân. Trịn bị bệnh gan đã lâu, tháng nào cũng phải đi tái khám. Hai bị bệnh động kinh từ nhỏ, lúc tỉnh lúc mê. Mấy anh chị em nó đều đã có gia đình thì cũng không thể sống chung với nhau được”, bà Điển nói.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận