Tỷ phú giàu nhất châu Á Li Ka Shing |
Thị trường thuê máy bay tăng chóng mặt
Trong bản báo cáo dự tính số lượng hành khách sử dụng phương tiện hàng không trong vòng 20 năm tới, Hiệp hội Giao thông hàng không quốc tế (IATA) cho biết, tới năm 2034, tổng lượng hành khách hàng không trên toàn thế giới đạt mức 7,3 tỷ người, tương đương mỗi năm trung bình lượng khách sẽ tăng 4,1%. Trong đó, nhu cầu hàng không châu Á tăng 6% mỗi năm, đồng nghĩa, thị trường châu Á sẽ cần khoảng 13 nghìn máy bay mới trong vòng 20 năm tới. Điển hình cho khu vực châu Á - Trung Quốc sẽ đánh bật Mỹ trở thành quốc gia dẫn đầu với số lượng khách tăng 5,6%/ năm. Dự tính, tới năm 2034, số lượng hành khách nước này đạt 856 triệu người, vượt qua Mỹ với 559 triệu người.
Không chỉ vậy, theo ước tính của cơ quan tư vấn ICF, khoảng một nghìn chiếc máy bay sẽ phải “nghỉ hưu” mỗi năm trong vòng 10 năm tới. Do đó, các hãng hàng không trên thế giới đặc biệt là khu vực châu Á đối mặt với chi phí khổng lồ đáp ứng nhu cầu trên. Vì vậy, họ dần chuyển sang xu hướng thuê máy bay thay vì mua nguyên chiếc để giảm bớt gánh nặng.
Hãng sản xuất máy bay Boeing ước tính, tới năm 2020, khoảng một nửa trong tổng số máy bay thân hẹp của các hãng hàng không toàn thế giới là đi thuê thay vì mua nguyên chiếc. Con số này thể hiện mức gia tăng ấn tượng khi từ chỉ 2% trong năm 1980 và đến 24% trong năm 2000.
Lợi nhuận khổng lồ
Đánh giá cao thị trường mới nổi này, Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các ngân hàng, doanh nghiệp phát triển ngành kinh doanh cho thuê máy bay cũng như mở rộng đầu tư, tìm kiếm cơ hội cho thuê máy bay ở nước ngoài. Mới đây nhất, Tập đoàn Cheung Kong (Hồng Kông) của tỷ phú giàu nhất châu Á Li Ka Shing tuyên bố sẽ chi 2,02 tỷ USD mua khoảng 60 chiếc máy bay để cho thuê. Theo đó, Tập đoàn Cheung Kong sẽ chi 1,89 tỷ USD để mua 45 chiếc và sẽ liên doanh với Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) để mua 15 chiếc còn lại với tổng giá trị 733,5 triệu USD, trong đó Cheung Kong sẽ chi 60%.
Ông Philip Tozer Pennington, Giám đốc quản lý của Airline Economics cho biết, ông Li Ka Shing bộc lộ tham vọng xây dựng một hệ thống cho thuê máy bay mang tầm cỡ thế giới. Sau kế hoạch mua 60 máy bay, ông Li dự tính mua thêm 100 máy bay mới. Với dàn máy bay 160 chiếc, đại gia Li nghiễm nhiên lọt top 30 thành viên lớn nhất trên thị trường cho thuê máy bay thế giới. |
Trong một thông báo trên sàn chứng khoán, Tập đoàn Cheung Kong khẳng định, những thương vụ mua bán trên sẽ giúp xây dựng nền tảng vững chắc để phát triển số máy bay mà hãng sở hữu cũng như máy bay cho thuê của tập đoàn hơn nữa.
Theo tính toán của Cheung Kong: “Kinh doanh cho thuê máy bay sẽ tạo ra nguồn lợi nhuận ổn định lâu dài cho tập đoàn”. Các chuyên gia đều cho rằng, thương vụ tỷ đô này nếu thành công dự kiến sẽ đem lại cho tỷ phú Li Ka Shing khối tài sản lớn hơn gấp trăm lần so với hiện tại (khoảng 29,2 tỷ USD - đứng thứ 22 thế giới) và khẳng định, ông Li sẽ tận dụng tối đa mọi nguồn lực tài chính để phát triển chiến lược cho thuê máy bay. Song song với đó, các chuyên gia còn e ngại, đây vẫn là thị trường đầy thách thức đối với đại gia giàu nhất châu Á.
Cùng thời điểm, Tập đoàn Hàng không Spring - hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Trung Quốc công bố kế hoạch gia nhập thị trường cho thuê máy bay. Hãng này đăng ký kinh doanh tại khu vực thương mại tự do ở Thượng Hải nhằm tận dụng mức thuế thấp tại khu vực này. Spring sẽ tách một số máy bay trong dàn máy bay hiện tại của hãng để cho các hãng hàng không khác thuê. Tuy nhiên, ông Ilya Ivashkov, một Giám đốc cấp cao của Tập đoàn tài chính Fitch Rating có trụ sở tại New York cho biết: “Rõ ràng, mua một dàn máy bay lớn có thể sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ. Nhưng tôi không chắc đây là thời điểm tốt nhất để xâm nhập vào thị trường mới nổi và nguy hiểm này”.
Xuân Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận