Tập đoàn HNA của Trung Quốc sở hữu hai hãng hàng không, trong đó có hãng hàng không lớn thứ tư Trung Quốc Hainan Airlines |
HNA Group Co, tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực hàng không, bất động sản, dịch vụ tài chính... của Trung Quốc đang rục rịch mua lại tập đoàn cung cấp dịch vụ ăn uống hàng không lớn thứ hai trên thế giới - Gategroup Holding AG (Thụy Sĩ) nhằm tiếp tục chiến dịch khổng lồ thâu tóm hàng loạt công ty liên quan tới hàng không trên thế giới.
Chi 19 tỷ USD “thâu tóm”
Kể từ năm 2009, Chủ tịch Tập đoàn HNA Chen Feng “vung” ít nhất 19 tỷ USD, thực hiện hàng loạt vụ sáp nhập liên quan tới ngành Hàng không trên khắp thế giới. Trước đó, HNA đã đồng ý mua cổ phần tại hãng Hàng không Virgin Australia và đang trong quá trình đàm phán để mua 49,99% cổ phần cùng quyền kiểm soát hoạt động của Công ty Cung cấp ăn uống Servair của Air France-KLM với giá 475 triệu euro (529 triệu USD). Ngoài ra, HNA đã mua Swissport International AG của Thụy Điển với giá 2,8 tỷ USD và đang là một trong số các khách mua tiềm năng đối với London City Airport đầu năm nay.
Ở thương vụ mua lại Gategroup Holding AG - có trụ sở tại Zurich (Thụy Sĩ), việc mua bán cổ phần không hoàn thành theo đúng dự đoán. Tính đến hạn huy động cổ phiếu vào ngày 1/7 vừa qua, các cổ đông của Gategroup Holding AG mới bán 61,3% cổ phiếu, chưa đủ so với đề xuất mua 67% cổ phiếu với tổng trị giá 1,5 tỷ USD. Nếu thương vụ thành công, HNA dự kiến sẽ xóa sổ tên Gategroup nhưng cam kết giữ nguyên bộ máy điều hành như hiện nay và duy trì trụ sở tại Thụy Sĩ. Điều này được ban điều hành HNA hoàn toàn tán thành.
Tập đoàn HNA mạnh cỡ nào? HNA Group Co có trụ sở tại Hải Nam, Trung Quốc do tỷ phú Chen Feng, 63 tuổi sáng lập năm 2000. Tập đoàn hoạt động tại các lĩnh vực: Hàng không, bất động sản, dịch vụ tài chính, du lịch, logistics và các lĩnh vực khác. Đây là tập đoàn sở hữu hai hãng hàng không trong đó có Hainan Airlines lớn thứ tư Trung Quốc. |
Sở dĩ, Gategroup Holding AG - tập đoàn kinh doanh dịch vụ ăn uống trên máy bay lớn thứ hai thế giới đồng ý bán cổ phần vì đã và đang thua lỗ nặng. Năm ngoái, Gategroup đã thua lỗ 63,4 triệu franc, cắt giảm 300 việc làm tại nhiều nơi như Zurich và London (Anh). Tính đến ngày 4/7, cổ phiếu của công ty này giảm 1,7% còn 51,20 franc/cổ phiếu. Trong khi, Trung Quốc đề nghị mức giá 53 franc/cổ phiếu, cao hơn 1,8 franc. Không riêng Gategroup, ngành ăn uống trên máy bay thế giới cũng chung cảnh chật vật do ngày càng nhiều hãng hàng không Mỹ và châu Âu cắt giảm dịch vụ tiết kiệm chi phí, chuyển sang phân khúc giá rẻ, đồng nghĩa, hành khách ít dùng bữa trên máy bay.
Không dừng ở lợi nhuận
Việc công ty Trung Quốc ồ ạt thâu tóm cổ phần của các công ty châu Âu trong ngành Hàng không không đơn giản chỉ dừng lại ở kiếm lợi ích kinh tế. Nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán Haitong có trụ sở tại Thượng hải - ông Zhang Qi cho biết: “Các công ty châu Á tăng cường mua lại các doanh nghiệp tại châu Âu là cơ hội để các công ty này phát triển, mở rộng phạm vi và tiến sâu vào các thị trường nước ngoài”. Nhà phân tích Cao Xuefeng đến từ Công ty chứng khoán Huaxi tại Thành đô Trung Quốc cho rằng: “Thương vụ này cho phép HNA mở rộng phạm vi bao quát các dịch vụ hàng không, đặc biệt sau khi họ vừa thâu tóm Swissport và đặt dấu chân lên thị trường hàng không toàn cầu”.
Theo Financial Times, mục đích của HNA là tiến tới trở thành công ty phục vụ ăn uống hàng không lớn nhất thế giới về lợi nhuận (nếu tính cả lợi nhuận ở Servair và Gategroup). Mặt khác, nhà phân tích đến từ Công ty Chứng khoán Shinyong tại Seoul, Hàn Quốc - Um Kyung A cho rằng: Nếu thị trường tốt thì ngành Kinh doanh ăn uống hàng không sẽ mang về nhiều lợi nhuận. Nhưng về lâu dài, HNA sẽ đưa những kiến thức học được từ ngành Kinh doanh dịch vụ hàng không đã chín muồi tại châu Âu về áp dụng tại Trung Quốc, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ trong ngành Hàng không nước này”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận