Giao thông

Đại học Công nghệ GTVT đoạt giải sáng tạo kỹ thuật toàn quốc

18/04/2018, 10:56

Đại học Công nghệ GTVT vừa đoạt giải sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14 (Vifotec) và giải thưởng WIPO năm 2017.

Le-tong-ket-va-trao-giai-thuong-sang-tao-KHKT-toan

PGS.TS Đào Văn Đông, TS Lê Nguyên Khương, TS Trần Anh Bình nhận Cúp, Bằng khen giải Nhất giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14, năm 2017(VIFOTECH)

Tối 17/4 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức lễ trao Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14 (Vifotec) và giải thưởng WIPO năm 2017.

Trường Đại học Công nghệ GTVT với giải pháp "Hệ thống cảnh báo vi phạm chiều cao tĩnh không ứng dụng trong giao thông đường thủy - LAWA-UTT" của nhóm tác giả: PGS.TS Đào Văn Đông, TS Lê Nguyên Khương, TS Trần Anh Bình đạt giải Nhất thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông và là một trong hai giải pháp xuất sắc nhất được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao giải thưởng WIPO 2017. Trước đó, giải pháp đã đạt giải Nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc năm 2017 và được lựa chọn tham gia giải VIFOTECH năm 2017.

Le-tong-ket-va-trao-giai-thuong-sang-tao-KHKT-toan

PGS.TS Đào Văn Đông thay mặt nhóm nghiên cứu nhận giải thưởng WIPO 2017

Theo TS. Lê Nguyên Khương, thành viên nhóm nghiên cứu (Giảng viên trường Đại học Công nghệ GTVT), Việt Nam đến thời điểm này chưa có giải pháp nào cảnh báo chủ động tới các chủ điều khiển phương tiện giao thông có chiều cao vượt quá chiều cao tĩnh không cho phép. Với ý tưởng sử dụng công nghệ laser để phát hiện phương tiện lưu thông vượt quá chiều cao tĩnh không, nhóm nghiên cứu đã đề xuất và phát triển thành công hệ thống cảnh báo sớm tàu thuyền có chiều cao vi phạm giới hạn tĩnh không của cầu, với hy vọng giảm thiểu tai nạn và nâng cao hiệu quả quản lý trong giao thông đường thủy nội địa.

Hệ thống là tập hợp các thiết bị điện tử do nhóm tác giả thiết kế, chế tạo với mục đích đưa ra cảnh báo chủ động, cảnh báo sớm tới người điều khiển phương tiện giao thông đường thủy có chiều cao vi phạm tĩnh không của cầu. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các công nghệ như: laser, IoT (Internet of thing), lập trình nhúng, lập trình trên smartphone, liên lạc thu/phát sóng radio frequency, đo mực nước bằng sóng siêu âm. Sản phẩm chạy bằng pin năng lượng mặt trời và hoạt động tốt trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau (mưa, nắng, sương mù).

Hệ thống cảnh báo LAWA-UTT đã được chế tạo và thí nghiệm thành công tại Trường Đại học Công nghệ GTVT. Cuối năm 2016, hệ thống đã được Cục Đường thủy Nội địa VN đồng ý cho lắp đặt tại cầu Đuống (Hà Nội). Đầu năm 2017, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý phương tiện và hạn chế tối đa tai nạn do vi phạm chiều cao thông thuyền gây ra, Sở GTVT tỉnh Nam Định đã phê duyệt giải pháp và đầu tư lắp đặt toàn bộ hệ thống cho cầu Đò Quan. Hệ thống đã được đăng ký giải pháp hữu ích (tháng 10 năm 2016) tại Cục Sở hữu Trí tuệ.

Được biết, năm nay có 536 giải pháp từ 53 tỉnh, thành phố, 2 tập đoàn kinh tế và Bộ Quốc phòng tham gia. Hội đồng giám khảo, Ban tổ chức đã chấm và trao giải thưởng cho 90 giải pháp bao gồm: 6 giải Nhất, 12 giải Nhì, 24 giải Ba, 48 giải Khuyến khích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.