Chủ đề Hội thảo năm nay tập trung vào những thách thức toàn cầu về phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực đường sắt cao tốc. Hội thảo đã nhận được hơn 160 bài báo tóm tắt và 110 bài báo toàn văn từ các tác giả trong và ngoài nước, được lựa chọn để báo cáo, với 9 bài phát biểu chính.
Phát biểu tại Hội thảo, GS. TS. Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT cho rằng, Hội thảo Quốc tế về phát triển bền vững trong kỹ thuật xây dựng được tổ chức định kỳ hai năm một lần tại Trường Đại học GTVT, bắt đầu từ năm 2016.
Qua 5 năm tổ chức, hội thảo đã trở thành điểm đến uy tín, thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và cộng đồng khoa học trên thế giới. Hội thảo đã trở thành diễn đàn quan trọng để cộng đồng các nhà khoa học trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng cùng nhau thảo luận và trao đổi về các vấn đề quan trọng và cấp bách đang đặt ra, thu hút sự tham gia tích cực từ các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Năm 2024, chủ đề của Hội thảo tiếp tục phát triển những nội dung đã được đặt ra trong các kỳ hội thảo trước, đồng thời mở rộng và làm sâu sắc thêm những vấn đề quan trọng mà cộng đồng khoa học và chuyên gia trong ngành đặc biệt quan tâm. Chúng tôi hy vọng Hội thảo sẽ mang lại một tiếng nói chung, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững cho ngành Kỹ thuật xây dựng không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu, GS. TS. Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học tập trung vào 10 lĩnh vực cốt lõi của ngành Xây dựng công trình, với sự đóng góp từ các nước như Algeria, Ấn Độ, Mỹ, Bỉ, Canada, Pháp, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Việt Nam. Đặc biệt, các tham luận từ các giáo sư hàng đầu thế giới đã mang lại những định hướng quan trọng về các vấn đề như phát triển bền vững, đường sắt cao tốc, giám sát sức khỏe công trình, thành phố thông minh, vận tải xanh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xây dựng, bản sao số, thiết kế và xây dựng bền vững, vật liệu mới, địa kỹ thuật, công trình thủy và tổ chức giao thông đô thị.
Tại phiên toàn thể, nhiều giáo sư và chuyên gia quốc tế sẽ chia sẻ những nghiên cứu mới nhất về các vấn đề đang thu hút sự quan tâm toàn cầu, trong đó nổi bật: GS. TS. Guido De Roeck, Đại học KU Leuven (Bỉ) với báo cáo "Những thách thức trong thiết kế cầu đường sắt tốc độ cao". GS. TS. Said Easa, Đại học Toronto Metropolitan (Canada) giới thiệu về "Công nghệ tiên tiến thúc đẩy tương lai của kỹ thuật xây dựng đường sắt".
GS. TS. Nam Tran, Đại học Auburn (Mỹ) báo cáo về "Phát triển mặt đường bê tông nhựa an toàn, bền vững và thích ứng". GS. TS. MIWA Tomio, Đại học Nagoya (Nhật Bản) thảo luận về "Phương pháp dự báo nhu cầu chuyến đi với các hạn chế về di chuyển".
Ngoài ra, Hội thảo còn có sự đóng góp của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác như công trình ven biển, địa kỹ thuật, và kết cấu hạ tầng giao thông. Những báo cáo này sẽ mang lại cái nhìn toàn diện về những bước tiến mới nhất trong nghiên cứu và phát triển bền vững.
ICSCE 2024 là cơ hội quan trọng để các nhà khoa học, kỹ sư và chuyên gia trao đổi kiến thức, giải quyết những thách thức trong việc phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và thân thiện với môi trường, góp phần đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận