Tài chính

Đại hội cổ đông NCB: Tăng vốn điều lệ khủng

27/04/2021, 12:33

Từ chỗ tìm kiếm nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, giờ đây, NCB lại dịch chuyển hướng sang lựa chọn các nhà đầu tư tổ chức ở trong nước.

img

Cổ đông biểu quyết tại Đại hội cổ đông NCB 2021.

Sáng nay, ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) mã chứng khoán là NVB đã tổ chức Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2021. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản đạt gần 90.000 tỉ đồng, tăng 11,5% so với đầu năm 2020; huy động vốn tăng 22,1%, cho thấy kết quả kinh doanh của NCB đã đạt được những kết quả rất tích cực.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2019, lũy kế cả năm 2020 đạt mức 850 tỉ đồng; Cùng với đó là hoạt động dịch vụ, đầu tư chứng khoán và kinh doanh ngoại hối có mức tăng trưởng khởi sắc, qua đó, đưa tổng thu nhập thuần tăng 23,7% so với cuối năm 2019.

Từ những kết quả khả quan đã đạt được cùng tiềm lực sẵn có, HĐQT NCB đã trình ĐHCĐ kế hoạch kinh doanh năm 2021. Cụ thể, ngân hàng đặt kế hoạch tổng tài sản đạt 95.000 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2020; tăng trưởng tín dụng tùy theo hạn mức được NHNN cho phép theo chính sách điều hành từng thời kỳ; huy động từ khách hàng đạt 80.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.

Đặt kế hoạch tăng vốn lên trên 10.000 tỷ đồng.

Cổ đông mã số 2617: "Nhiều năm tham dự đại hội cổ đông, nhưng năm nay tôi rất vui vì giá cổ phiếu tăng tốt. Vậy kế hoạch tăng vốn thời gian tới của NCB thế nào"?

Lãnh đạo NCB cho biết: Theo kế hoạch đã được NHNN phê duyệt, NCB sẽ tăng vốn khoảng 3.000 tỷ đồng, qua đó nâng vốn NCB lên trên 7.000 tỷ đồng, đồng thời Ngân hàng cũng đã có kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi để tiếp tục tăng vốn lên trên 10.000 tỷ đồng. Việc tăng vốn đã được lên kế hoạch hơn 3 năm qua, HĐQT đã làm việc với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, và đã ký được một số cam kết của các nhà đầu tư nước ngoài tại Singapore và Nhật Bản.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến các nhà đầu tư ngoại khó khăn trong việc sang Việt Nam nên kế hoạch đầu tư chưa thực hiện được. Chính vì vậy, trước mắt NCB đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược ở trong nước để giúp NCB lọt vào nhóm ngân hàng có quy mô vốn ở mức trên trung bình trong số các tổ chức tín dụng hiện nay tại Việt Nam.

Mảnh đất màu mỡ từ dịch vụ bán bảo hiểm

Cổ đông mã số 2600: "Nguồn thu từ dịch vụ phân phối sản phẩm bảo hiểm (Bancassurance) đang đóng góp rất tốt vào thu nhập cho các ngân hàng thương mại, vậy với NCB thì lĩnh vực đang diễn ra như thế nào"?

Ông Phạm Thế Hiệp - Tổng giám đốc NCB cho biết: "Bancassurance tại NCB được thực hiện 3 năm với đối tác là MAP Life và đã đạt được những mức tăng trưởng rất tốt về doanh số. Năm đầu tiên, dịch vụ này chỉ đem về cho NCB 9 tỷ đồng, thì sang năm tiếp theo là 60 tỷ đồng. Ngay trong bối cảnh năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn do COVID-19 thì mảng dịch vụ này vẫn đem lại cho NCB doanh số 120 tỷ đồng. Hiệp hội bảo hiểm nhân thọ xếp hạng NCB đứng thứ 16-17 trong danh sách các nhà băng có doanh số tốt nhất thị trường từ hoạt động này. Hiện, lĩnh vực bán chéo sản phẩm bảo hiểm đóng góp cho doanh thu của ngân hàng khoảng 26-27%. Thời gian tới sẽ tận dụng nền tảng công nghệ số, phối hợp với đối tác thiết lập trung tâm chuyên biệt cho hoạt động Bancassurance giúp nâng thêm doanh số từ mảng dịch vụ này.

Trả lời chất vấn của cổ đông về vấn đề công nghệ số đóng góp thế nào trong hoạt động ngân hàng? Ông Vũ Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch NCB cho biết: "Không phải đến bây giờ lãnh đạo ngân hàng mới tập trung vào phát triển ngân hàn số mà từ 4-5 năm qua, chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ cho lộ trình chuyển đổi số. Vì chúng tôi hiểu nếu không nhanh thì sẽ bị tụt hậu và không thể cạnh tranh với các ngân hàng khác ở nhiều dịch vụ như thanh toán, cho vay, bán bảo hiểm… Hiện NCB đang có kế hoạch lắp đặt hệ thống hạ tầng mở để có thể giao tiếp với các app của đối tác và ngân hàng khác để tăng cường trải nghiệm cho khách hàng".

"Giá cổ phiếu NCB sẽ tăng lên bao nhiêu"?

Trả lời câu hỏi của một cổ đông, đại diện lãnh đạo NCB cho biết: "Chúng tôi sẽ tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng nữa và phát hành cổ phiếu chuyển đổi thêm 3.000 tỷ đồng,nhằm tăng vốn của NCB lên 10.000 tỷ đồng. Một khi qui mô của ngân hàng tăng trưởng cao hơn thì giá trị cổ phiếu của NVB mà các nhà đầu tư đang năm giữ cũng tăng theo. Thực tế là trong năm 2020, giá cổ phiếu NVB đã tăng 83%. Với sự tăng vốn, đội ngũ nhân sự và nền tảng đã xây dựng cùng với việc kinh tế Việt Nam đang phục hồi thì chúng ta sẽ theo kịp đà tăng trưởng, thậm chí còn vượt bậc. Điều đó hứa hẹn giá cổ phiếu NCB tăng trong thời gian tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.