Xã hội

Đại tang ở xóm nghèo và ẩn họa mang tên lò vôi

05/07/2016, 07:15

Theo người dân địa phương, các nạn nhân trong vụ sập lò vôi đều là những người có hoàn cảnh khá éo le.

lovoi2

Người thân gào khóc bên thi thể anh Nguyễn Văn Luân

Vụ sập lò vôi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 5 người chết ở huyện Kinh Môn (Hải Dương) khiến Khu 6, thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, Hải Dương nhuốm một màu tang trắng. Vụ tai nạn đã gióng lên hồi chuông về sự nguy hiểm của những lò vôi thủ công, bán thủ công vẫn đang tồn tại.

Xóm nghèo cùng lúc có 4 đám tang

Chiều 4/7, Khu 6, thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, Hải Dương nhuốm một màu tang trắng. Chưa bao giờ xóm nghèo rơi vào cảnh bi thương đến vậy, khi cùng lúc có 4 đám tang được tổ chức. Nhà các nạn nhân liền kề nhau, đều là anh em họ hàng, nên người dân Khu 6 cứ viếng xong đám tang này lại tất tả chạy sang đám tang khác.

Chị Liên, một người họ hàng của ông Nguyễn Văn Văn (chủ hộ lò vôi bị sập) vẫn chưa hết vẻ hoảng hốt, kể lại, khoảng 14h chiều 3/7, khi chị đang ngủ trưa thì nghe tiếng động cực lớn, rồi tiếng người kêu cứu. Chạy vội đến hiện trường, chị thấy ông Văn đang đứng trên miệng lò vôi, không thốt nên lời. Sau đó khi được mọi người dìu xuống ông đã ngất xỉu. Biết có người trong lò vôi, chị cùng mọi người chạy đến hiện trường đầu tiên vội gọi điện, tìm người đến cứu nạn.

Lực lượng chức năng được điều tới hiện trường, nhưng do lò vôi chỉ có lối thoát duy nhất là miệng lò đã bị vùi lấp, nên mọi người phải dùng máy xúc bổ vào lớp tường lò vôi dày 30-40cm, rồi dùng máy xúc, cuốc, xẻng ra sức đào bới. Gần 2h đồng hồ sau, thi thể 5 nạn nhân được đưa ra khỏi lò vôi. “Họ đều đã tử vong. Bụi vôi như thế, chịu sao nổi, chỉ vài phút là chết ngạt ngay”, chị Liên nghẹn ngào.

Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thứ, vụ sập lò vôi của hộ gia đình ông Văn (SN 1969) đã làm 5 lao động đang thực hiện việc tu sửa trong lò vôi tử vong, đó là anh Nguyễn Văn Luân (SN 1993, con trai ông Văn); anh Trần Văn Dũng (SN 1988, con nuôi ông Văn); ông Nguyễn Văn Ví (SN 1957); ông Trương Văn Côi (SN 1957); ông Trương Văn Bưởi (SN 1968) chết tại chỗ. Trừ anh Dũng thường trú tại xã Dốc Tiến, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, là con nuôi ông Văn, các nạn nhân còn lại đều trú tại khu 6, thị trấn Phú Thứ và đều có mối quan hệ họ hàng.

Gia cảnh các nạn nhân rất khó khăn

Theo người dân địa phương, các nạn nhân còn lại trong vụ sập lò vôi đều là những người có hoàn cảnh khá éo le. Ông Côi vợ mất sớm, còn nặng gánh con cái, nên dù đã 60 tuổi vẫn phải làm thuê nặng nhọc ở lò vôi. Ông Ví nhà cách nhà ông Văn 3 hộ, cũng đã 60 tuổi, vẫn đi làm thuê cho ông Văn để kiếm sống. Còn ông Bưởi vừa vay mượn cho vợ đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, bản thân ông cố ở nhà làm lụng kiếm tiền trả nợ…

Bà Dung, họ hàng ông Văn kể, ông Văn cùng lúc chứng kiến con trai đầu và con nuôi đã mất, nên trở nên ngây dại sau vụ tai nạn, mỗi khi tỉnh dậy chỉ đòi tự tử. “Anh tôi khổ lắm, anh xây lò vôi bị thua lỗ, chuyển sang làm than thì gây TNGT khiến 1 người chết, phải đền bù mấy trăm triệu đồng. Sau vụ gây tai nạn ấy, anh tôi đổ bệnh, nên con trai, con nuôi khuyên về mở lại lò vôi tại nhà để có các con giúp sức. Có lò vôi này, anh tôi phải vay mượn gần tỷ đồng, chưa được bao lâu lại xảy ra đại họa. Các nạn nhân đều là anh em họ hàng, chưa ai đòi hỏi đền bù gì, nhưng anh tôi sẽ sống trong day dứt thế nào đây?”, bà Dung than.

Ẩn họa từ những lò vôi

Ông Vũ, một người dân khu 6 chỉ tay vào bức tường vỡ của lò vôi có cốt thép còn mới, chắc chắn cho biết, lò mới nên khi đập vỡ tường lò để cứu người rất khó khăn. “Lò mới được lấy vôi ra tuần trước. Có lẽ do trước ngày xảy ra tai nạn, khu vực này đã có mưa rất to, lò hở miệng nên nước mưa thấm vào, làm bở lớp vôi, xỉ than bám vào tường lò. Khi 5 người vào dọn dẹp trong lò có thể tạo rung chấn, làm tường lò đổ sụp”, ông Vũ nhìn nhận.

Theo ông Vũ, các lò vôi đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động, đã từng xảy ra những vụ cụt ngón tay, bỏng, bị thương khi vận hành lò; đã từng có tai nạn lao động 1 người chết tại lò vôi trên địa bàn. Nhưng đây là vụ tai nạn hy hữu, thương tâm nhất.

Sau vụ tai nạn, huyện Kinh Môn hỗ trợ 5,4 triệu đồng/nạn nhân, thị trấn Phú Thứ hỗ trợ 2 triệu đồng/nạn nhân. Các ban ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện cũng đã đến hỗ trợ các nạn nhân. UBND huyện đang chỉ đạo Công an huyện điều tra xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thứ cho biết, lò vôi của ông Văn là lò liên tục, tức là lò vôi thủ công nhưng đã được cải tiến. Hiện thị trấn Phú Thứ có 3 lò vôi như vậy. Theo lộ trình của tỉnh, những lò vôi này tới năm 2020 sẽ bị xóa bỏ. Do lò vôi của ông Văn nằm trong khu dân cư, nên địa phương đã vận động ông Văn sớm xóa bỏ lò vôi. “Gần đây, chúng tôi đã kiểm tra, vận động, ông Văn và một số hộ chủ lò cho biết còn một số nguyên vật liệu nên muốn sản xuất nốt. Ai ngờ, tai nạn đã xảy ra”, ông Hà nói.

Ông Lê Văn Bí, Phó chủ tịch UBND huyện Kinh Môn, Hải Dương cho biết, lò vôi của gia đình ông Văn được xây dựng từ những năm 1993. Năm 2005, lò được sửa lần đầu, năm 2008, gia đình ông Văn sửa chữa cải tiến theo kiểu lò liên tục. “Hiện trên địa bàn huyện Kinh Môn có khoảng 20 lò vôi như vậy. Lò vôi của gia đình ông Văn nằm trong khu dân cư, nên địa phương thường xuyên vận động đóng cửa và gia đình đã ký cam kết sẽ đóng cửa. Sau vụ tai nạn này, huyện đã tạm dừng hoạt động các lò vôi trên địa bàn để tiến hành kiểm tra, rà soát lại các điều kiện, nhất là vấn đề an toàn lao động”, ông Bí cho hay.

Về việc chủ lò phải bồi thường như thế nào cho các nạn nhân, ông Bí cho hay còn chờ kết quả điều tra, kết luận nguyên nhân vụ việc từ cơ quan chức năng. Hiện chưa rõ ông Văn hay người con trai ông Văn mới là chủ lò.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.