Người dân nên đi kiểm tra định kỳ để kiểm soát đường huyết tốt nhất |
Tại hội thảo Phòng và điều trị bệnh lý đái tháo đường (ĐTĐ) type 2 do BV Đa khoa Medlatec đồng hành cùng Bộ Y tế tổ chức vào ngày 7/12, PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, Nguyên Trưởng khoa Hóa sinh, ĐH Y Hà Nội, Cố vấn chuyên môn BV Đa khoa Medlatec nhận định: ĐTĐ type 2 có liên quan chặt chẽ tới chế độ ăn uống nhiều đạm, ít chất xơ, lười vận động… Tỉ lệ gặp ở nam và nữ như nhau. ĐTĐ là bệnh lý mạn tính nếu không được điều trị, và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như bệnh cơ tim, bệnh thận, thần kinh, mắt, loét chân… Vì vậy, tránh những biến chứng gây ra, người dân nên đi kiểm tra định kỳ để kiểm soát đường huyết tốt nhất, cũng như được bác sĩ tư vấn thuốc điều trị và chế độ dinh dưỡng phù hợp.
PGS. TS Nguyễn Nghiêm Luật cho biết, để chẩn đoán ĐTĐ type 2 cần dựa trên các tiêu chuẩn về dấu ấn sinh học gồm Glucose 2 giờ, Glucose lúc đói, HbA1c và các triệu chứng lâm sàng. Nếu nghi ngờ, cần tìm thêm các tự kháng thể để khẳng định ĐTĐ type 1 và mức C-peptide để khẳng định ĐTĐ type 2: mức C-peptide là bình thường hoặc cao trong ĐTĐ type 2 nhưng thấp trong ĐTĐ type 1.
Theo PGS Luật, có thể đánh giá nguy cơ tiến triển ĐTĐ type 2 bằng tình trạng tiền ĐTĐ. Hiện có trên 70% số người bị tiền ĐTĐ có thể tiến triển thành ĐTĐ type 2 và có thể gây các biến chứng vi mạch như các bệnh võng mạc, thận, thần kinh và bệnh cơ tim. Nguy cơ tiến triển từ tiền ĐTĐ thành ĐTĐ type 2 là 5-10%/ năm, trong khi nguy cơ này ở người bình thường chỉ là 0,7%/ năm.
Theo số liệu thống kê, trên thế giới có 415 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó có 90% là ĐTĐ type 2.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận