Để phòng chống bệnh đái tháo đường, cần ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên và kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm - Ảnh: Tạ Tôn |
1,8 triệu người chưa biết mình bị đái tháo đường
Dù mới 32 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị B. (Hà Đông, Hà Nội) đã suy thận buộc phải chạy thận 3 lần/tuần gần 1 năm nay, do biến chứng của bệnh đái tháo đường. Chị B. cho biết, đang béo khỏe bình thường, cách đây chừng 2 năm chị thấy người mệt mỏi, bàn chân tê nóng kéo dài, mồm miệng khô khát. Đi khám tổng quát, chị được phát hiện mắc đái tháo đường type 2 nhưng chỉ sau điều trị chừng 1 năm đã xảy ra biến chứng.
Tương tự là trường hợp bà Hoàng Thị Y. (Ba Đình, Hà Nội), vô tình phát hiện mắc căn bệnh đái tháo đường khi đi khám xoang. Thấy bà phàn nàn rất hay chóng mặt, đầu óc váng vất, lại sụt cân, bác sĩ đã chỉ định cho bà làm xét nghiệm tổng thể. Kết quả, bà đã mắc đái tháo đường, kèm huyết áp cao. Từ khi phát hiện bệnh và điều trị đến nay đã gần 7 năm, luôn tuân thủ chế độ dinh dưỡng, điều trị thuốc của bác sĩ nhưng mắt bà ngày một kém đi. “Bác sĩ cho biết, đó là 1 trong nhiều biến chứng của bệnh tiểu đường, chưa kể các vết thương rất lâu lành và dễ nhiễm trùng”, bà Y. cho biết.
Năm 2015, Việt Nam có 3,5 triệu người trưởng thành mắc đái tháo đường, tương đương 6% dân số và dự kiến đến năm 2040 sẽ có 6,1 triệu người trưởng thành có thể mắc đái tháo đường, tăng 74%. Theo ước tính, số người trưởng thành tử vong trên toàn cầu liên quan tới đái tháo đường là khoảng 5 triệu người, trong khi con số tử vong do HIV/AIDS chỉ 1,1 triệu người; do lao là 1,4 triệu người và do sốt rét là 438 nghìn người. |
BS. Nguyễn Huy Cường, Phòng khám Đái tháo đường và nội tiết 131 Thái Hà cho biết, bệnh tiểu đường type 2 hiện ngày càng trẻ hóa. Nếu trước kia, bệnh đái tháo đường thường ở bệnh nhân có độ tuổi ngoài 45 nhưng hiện nay, được phát hiện cả ở trẻ nhỏ. Trong khi đó, phần lớn bệnh nhân khi đến khám, phát hiện ra bệnh tiểu đường thường đã ở giai đoạn nặng. Thông thường khi phát hiện bệnh tiểu đường có nghĩa là bệnh đã tiềm ẩn trong cơ thể từ 5-10 năm trước. Nhưng trong thời gian đó, bệnh lại âm thầm phát triển mà không có triệu chứng đặc hiệu khiến người bệnh khó phát hiện kịp thời.
Cũng theo số liệu Cục Quản lý khám chữa bệnh mới công bố, hiện nay, 5/10 người mắc đái tháo đường không biết mình mắc bệnh (khoảng 1,8 triệu dân). Dưới 1/10 người mắc đái tháo đường không đạt được các mục tiêu điều trị. “Việt Nam đang có tảng băng về đái tháo đường, trong đó 69,9% người mắc bệnh chưa được chẩn đoán”, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết.
Điều đáng lưu ý, các biến chứng do đái tháo đường thường để lại hậu quả nặng nề gây suy giảm sức khỏe, giảm chất lượng sống của người bệnh. Những bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ cao phát triển các bệnh về tim mạch, thần kinh, thị lực, thận do mức đường huyết trong máu cao lâu dài. Ngoài ra, những người đái tháo đường cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
Ông Khuê cho biết, bệnh đái tháo đường là nguyên nhân khiến người bệnh có nguy cơ tăng gấp 2 - 3 nhồi máu cơ tim và đột quỵ, 2,6% bệnh mù toàn cầu và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận.
Làm sao phát hiện sớm?
Theo ông Lương Ngọc Khuê, bệnh đái tháo đường tiềm ẩn không có triệu chứng đặc trưng nên cần có dự phòng kiểm soát để sớm phát hiện bệnh. Theo đó, WHO đã chỉ ra một số tiêu chuẩn như cân nặng, vòng bụng, huyết áp hoặc yếu tố di truyền để mọi người có thể làm căn cứ xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường.
Cụ thể, với người lớn có chỉ số BMI từ 23 trở lên (cách tính BMI=Cân nặng/2 lần chiều cao) và có một hoặc nhiều hơn một trong các yếu tố sau: Ít vận động thể lực; Gia đình có người bị đái tháo đường ở thế hệ cận kề (bố, mẹ, anh chị em ruột); Tăng huyết áp; Vòng bụng to, nam từ 90cm và nữ từ 80cm; Phụ nữ bị buồng trứng đa nang, hoặc đã mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ; tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch… cần xét nghiệm sớm, đều đặn hàng năm để dự phòng phát hiện sớm bệnh.
Ở người không có dấu hiệu trên, cũng nên bắt đầu xét nghiệm phát hiện sớm đái tháo đường ở tuổi từ 40 trở lên. Nếu kết quả xét nghiệm bình thường, nên lặp lại xét nghiệm sau mỗi năm.
Theo BS. Nguyễn Huy Cường, để phòng, chống bệnh đái tháo đường type 2 điều quan trọng là xây dựng lối sống và ăn uống lành mạnh. “Nếu chúng ta ăn nhiều cơm trắng nhưng chúng ta có thể vận động mỗi ngày 30 phút để tiêu hao hết năng lượng dư thừa sẽ không lo bị tiểu đường gõ cửa. Ăn nhiều và lười vận động chính là điều kiện để mở cửa đón bệnh tiểu đường. Mỗi người có thể tự kiểm tra cân nặng của mình cũng là cách phòng bệnh sớm nhất”, ông Cường khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận