Đô thị

Đại tu cầu Long Biên cần cân nhắc gì?

06/12/2024, 14:38

Theo các chuyên gia, cầu Long Biên là biểu tượng lịch sử và văn hóa quan trọng của Hà Nội. Việc sửa chữa và bảo tồn cầu cần cân nhắc nhiều yếu tố để đạt được hiệu quả lâu dài mà vẫn giữ được giá trị di sản.

Xuống cấp nghiêm trọng

Những ngày gần đây, lưu thông qua cầu Long Biên, Hà Nội, mọi người đều nhận thấy tấm biển báo ghi rõ: "Chỉ cho xe máy lưu thông, cấm tuyệt đối ô tô, xe ba bánh". Biển được cơ quan chức năng dựng lên sau những lo ngại ngày càng lớn về khả năng chịu lực của cầu.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, trừ một số giàn thép được sơn chống hoen gỉ nhưng chỉ sơn ở phần tiếp giáp với thành cầu, còn lại toàn bộ giàn thép đan xen nhau, cao gần chục mét vẫn phủ một màu đen kịt, sùi từng lớp mạt sắt.

Tại giàn số 10-TL-N2 chiều nội thành Hà Nội sang Long Biên, giữa hai cột đỡ, các thanh giằng còn phải dùng gỗ để chằng néo.

Quan sát các thanh tà vẹt làm gối cho đường ray tàu chạy hằng ngày, nhiều thanh đã bị nứt, một số thanh nứt rộng được công nhân dùng dây thép buộc lại.

Trên mặt cầu, không khó để nhận thấy những đoạn nứt thủng, có vị trí nứt rộng, người tham gia giao thông có thể nhìn thấy cả nước sông Hồng bên dưới. Nhìn hai bên lan can, nhiều vị trí đang bị ngả ra phía sông, đơn vị quản lý cầu phải dùng các thanh sắt ngắn hàn gia cố với sàn cầu.

Anh Vũ Hùng (Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội) cho hay: "Cây cầu đã trải qua nhiều lần sửa chữa nhưng không thể khắc phục được tình trạng mấp mô, rạn nứt ở mặt cầu. Ngày nào tôi cũng phải qua cầu để đi làm, cảm thất rất bất an".

Thừa nhận cầu Long Biên đã xuống cấp nghiêm trọng, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho hay, tại nhiều vị trí bị gỉ, hao mòn tiết diện, đơn vị quản lý cầu thường xuyên bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Đáng chú ý, cơ quan này cho biết, giàn thép số 6, 7, 8 nhịp N1 hạ lưu (chiều Long Biên - nội thành) bị cong vênh, gỉ sét, hao mòn tiết diện. Tại dầm D3/7, các thanh liên kết, bản liên kết của dàn chủ đã gỉ, hao mòn tiết diện, rất nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến kết cấu dầm, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.

Cần 11 tháng để cải tạo

Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Pháp đã cam kết tài trợ 700 nghìn euro để triển khai dự án khảo sát, đánh giá hiện trạng cầu Long Biên và khả năng cải tạo.

Là cơ quan được giao thường trực thực hiện nhiệm vụ trên, Sở GTVT Hà Nội vừa chính thức trình UBND TP xem xét phê duyệt dự án. Khi dự án được phê duyệt thì khoản hỗ trợ sẽ có hiệu lực.

Cũng theo ông Thường, dự án bao gồm 3 phần. Phần thứ nhất là khảo sát, đánh giá hiện trạng cầu Long Biên. Phần thứ hai là khuyến cáo những chi tiết, hạng mục, cần sửa chữa trong giai đoạn ngắn hạn. Cuối cùng là công tác quản lý, khai thác sau khi không còn phục vụ đường sắt quốc gia và bàn giao cầu lại cho TP Hà Nội.

"Thời gian thực hiện trong năm 2024 - 2025, khoảng 11 tháng cho 3 hợp phần trên. Cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu giải pháp khôi phục cầu nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn, đồng thời không gây cản trở dự án chuyển đổi mục đích sử dụng cầu về lâu dài.

Cầu Long Biên cũng sẽ được cải tạo, nâng cấp khu vực xung quanh, đặc biệt là cầu cạn, kết nối giữa quận Long Biên và khu vực trung tâm TP; cải tạo, chỉnh trang khu vực lên, xuống hai chân cầu nối quận Hoàn Kiếm và quận Long Biên", ông Thường thông tin.

Cân nhắc nhiều yếu tố khi nâng cấp

Một chuyên gia về cầu đường cho rằng, cầu Long Biên là biểu tượng lịch sử và văn hóa quan trọng của Hà Nội. Việc sửa chữa và bảo tồn cầu cần phải cân nhắc nhiều yếu tố để đạt được hiệu quả lâu dài mà vẫn giữ được giá trị di sản.

"Trước khi triển khai bất kỳ việc sửa chữa lớn nào với cầu Long Biên, cần đánh giá toàn diện hiện trạng cầu, mức độ các vị trí hư hỏng. Đặc biệt, cần nghiên cứu các tài liệu, bản thiết kế gốc để hiểu rõ các yếu tố cấu trúc và thiết kế ban đầu", vị này nói và cho biết, việc sửa chữa cầu cần cố gắng bảo tồn các phần kiến trúc nguyên bản thay vì thay mới hoàn toàn. Khi thay thế, cần sử dụng vật liệu tương thích để giữ được tính thẩm mỹ và lịch sử.

Vị chuyên gia cũng đề xuất, về lâu dài, có thể nghiên cứu đưa cầu Long Biên thành một điểm tham quan, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên cầu, tạo nguồn thu để duy trì và bảo dưỡng.

Trước đó, Cục Đường sắt Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT, đề xuất lập dự án cải tạo, sửa chữa cầu Long Biên (tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng). Theo đó, cầu sẽ được gia cố hệ dàn chủ, hệ dầm mặt cầu, hệ liên kết dọc dưới đối với hệ dầm Pháp; chống gỉ cho mặt trên mạ thượng, vị trí tiếp giáp đáy tà vẹt trên nhịp T66 đối với hệ dầm T66. Ngoài ra, cầu sẽ thay thế một số cấu kiện tại kết cấu chống đỡ, thân trụ phụ bằng thép đã bị gỉ; Gia cố, sửa chữa và chống gỉ kết cấu hệ cọc thép tại các trụ phụ trên cầu.

Cầu Long Biên được xây dựng năm 1899, hoàn thành năm 1902. Giai đoạn 1995 - 2010, cầu Long Biên đã được gia cố sửa chữa với tổng mức đầu tư 116 tỷ đồng, tiếp đó năm 2015, cầu được sửa chữa tổng thể với tổng đầu tư gần 300 tỷ đồng.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.