Chính trị

Đại tướng Lê Đức Anh và chuyện từ chối nhận biệt thự Hồ Tây

28/04/2019, 10:01

Đại tướng Lê Đức Anh là người có lối sống giản dị. Bản thân ông đã từ chối một căn biệt thự ven hồ Tây, cũng như không bao giờ nâng đỡ con cháu.

img
Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh

“Tình cảm của Đại tướng dành cho gia đình, cho các con và cho đất nước không có sự cách biệt, và trong mọi ứng xử ông luôn đặt lợi ích của đất nước lên trên hết. Đại tướng không bao giờ tận dụng cương vị và các mối quan hệ xã hội của mình để nâng đỡ con, cháu”, Đại tá Nguyễn Quốc Anh, thư ký Chủ tịch nước Lê Đức Anh xúc động nhớ lại, khi kể về phong cách làm việc và lối sống giản dị, gần gũi của nguyên Chủ tịch nước khi còn sống.

Ở nhà công vụ, từ chối biệt thự

Là người có nhiều năm gắn bó với nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Đại tá Nguyễn Quốc Anh chia sẻ, kể cả khi đã từng giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, nhưng lối sống, phẩm chất của Đại tướng lúc nào cũng luôn đậm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh có bí danh Sáu Nam, sinh năm 1920, tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ông tham gia cách mạng từ năm 1937. Tháng 6/1974, ông được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng, làm Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư Lệnh cánh quân hướng Tây Nam đánh vào Sài Gòn.

Năm 1981-1986, ông là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; được bầu vào Bộ Chính trị năm 1982; được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984; giữ chức Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam từ năm 1986.

Đại tướng Lê Đức Anh giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng từ tháng 2/1987. Năm 1992, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Từ năm 1997, ông là cố vấn BCH T.Ư Đảng đến khi nghỉ hưu năm 2001.

Trong cuốn Hồi ký "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng" ra mắt cuối năm 2015, Đại tướng Lê Đức Anh viết: "Trường xa nhà, nên buổi sáng đi học tôi thường nhịn đói. Ngày ấy, những đứa học trò nhà quê như chúng tôi không có giày dép, đi đâu cũng chân trần. Trên chặng đường tới trường ở Dưỡng Mong phải qua một trảng cát, những ngày trời nắng, cát bỏng như rang, chúng tôi phải lấy những bẹ nang của cây tre, rồi dùng dây bẹ chuối cột dưới bàn chân để đi qua trảng cát cho đỡ bỏng chân".

“Cũng chính bởi những gian khó ấy đã rèn luyện và hình thành trong ông đức tính kiên nhẫn, chịu thương chịu khó, sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn, luôn sống rất giản dị, tiết kiệm.

Tháng 12/1986, khi ông giữ chức Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam thì mọi vật dụng sinh hoạt trong gia đình vẫn là những thứ cũ kĩ, từ bộ bàn ghế đến chiếc giường nằm... Ông nói cái gì còn dùng được thì dùng chứ nhất định không cho thay. Với những việc gì tự làm được, ông cũng làm chứ không để anh em giúp việc làm thay, kể cả sau này khi sức khỏe đã giảm sút.

Ngay cuộc sống hàng ngày, ông ăn uống giản dị, đều là những món dân dã, đậm chất quê hương chứ không thích những thứ cầu kỳ. Thậm chí, chính ông đã dạy cho những người cấp dưỡng nấu thuần thục những món ăn dân dã đó”, Đại tá Nguyễn Quốc Anh kể.

img
Căn nhà công vụ nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ở suốt hơn 30 năm, cho đến lúc từ trần. Ảnh: Hoàng Thùy

Nói về căn nhà công vụ N8 (ở số 5, Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội) - nơi Đại tướng và phu nhân ở từ mùa Đông năm 1986 đến nay, Đại tá Nguyễn Quốc Anh cho biết, căn nhà vốn rất giản dị, nhưng nguyên Chủ tịch nước vẫn quyết định ở đó, trong khi ông hoàn toàn có thể chuyển đến những nơi đàng hoàng hơn.

Năm 2003-2004, Bộ Quốc phòng bàn giao khu di tích Điện Kính Thiên-Cửa Bắc-Lầu Công chúa cho Sở Văn hoá Hà Nội, đồng thời tiến hành xây dựng cơ quan Bộ ở bên đường Nguyễn Tri Phương. Lúc đó, khu nhà khách T66, nơi có căn N8 dự kiến cũng sẽ được bàn giao.

Thời điểm đó, cơ quan chức năng có đề xuất mời Đại tướng ra ở một căn nhà 4 tầng ven hồ Tây nhưng ông kiên quyết từ chối. Ông bảo: “Từ lâu nay Quân đội đã có quy định mỗi cán bộ chỉ hưởng một suất nhà-đất. Tôi đã được cấp nhà từ sau giải phóng miền Nam. Tôi không thể nhận thêm cái thứ 2. Khi nào thành phố Hà Nội thu hồi nhà công vụ này thì tôi vào nhà tôi trong TP.HCM. Còn nhà đó để phân cho đồng chí nào chưa có nhà”.

Cương quyết không dùng cương vị, quan hệ để nâng đỡ người thân

Cuộc sống vật chất là vậy, còn trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày, Đại tá Nguyễn Quốc Anh cho hay, nguyên Chủ tịch nước là người sống rất nhân văn, tình cảm, luôn luôn lắng nghe và có cách giải quyết vừa thấu tình đạt lý trong tất cả mọi việc. Ông luôn dặn bảo vệ tiếp cận và các chiến sĩ cảnh vệ, riêng cửa số 5B Hoàng Diệu luôn luôn mở rộng để đón mọi người, không phân biệt người lao động bình thường hay cán bộ các ngành, các địa phương, bởi ông không quan cách, phân biệt ai.

Con trai nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là ông Lê Mạnh Hà (SN 1957).

Là chuyên viên Bộ KH&ĐT trong nhiều năm, sau đó ông Hà chuyển về công tác tại TP.HCM, đến tháng 4/2008, là Giám đốc Sở Bưu chính- viễn thông TP.HCM.

Từ tháng 5/2008 đến tháng 5/2015, ông Hà là Giám đốc Sở TT&TT, đồng thời giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Từ ngày 15/5/2015, ông Hà được bổ nhiệm Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đến tháng 11/2017 thì nhận quyết định nghỉ hưu.

Cũng như vậy, tình cảm ông dành cho gia đình, cho các con và cho đất nước không có sự cách biệt, và trong mọi ứng xử ông luôn đặt lợi ích của đất nước lên trên hết.

Ông có 1 người con trai, 2 người con gái và 6 cháu nội ngoại, nhưng Đại tướng không bao giờ tận dụng cương vị và các mối quan hệ xã hội của mình để nâng đỡ con, cháu.

img
Đại tướng Lê Đức Anh và phu nhân cùng các con, cháu tại nhà riêng ở TP.HCM năm 2008.

“Đại tướng nói với các con cháu mình phải tự mình rèn luyện, phấn đấu, cố gắng làm việc theo luật pháp, theo phẩm chất, nỗ lực của bản thân. Nếu bản thân làm tốt, có phẩm chất tốt thì các cơ quan Đảng, Nhà nước sẽ dung nạp chứ không có chuyện xin xỏ, gọi điện, thư tay...”, Đại tá Nguyễn Quốc Anh kể và cho biết, đã từng có nhiều người con cháu đến gặp nhờ ông nâng đỡ, nhưng ông không giúp bất kỳ trường hợp nào.

“Người con trai duy nhất của ông là anh Lê Mạnh Hà, khi còn trẻ thì ông hướng cho con vào bộ đội, vào miền Nam chiến đấu, sau đó tốt nghiệp Học viện kĩ thuật quân sự. Và khi đất nước hoà bình, bằng năng lực, sự tự phấn đấu của mình, anh Hà làm đến Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Thậm chí, có lần anh ruột Đại tướng là ông Lê Hữu Độ có lặn lội từ Huế ra, nhờ ông xin việc cho con trai. Tuy nhiên, ông đã thẳng thừng từ chối.

Hay một người con gái của Đại tướng là chị Lê Xuân Hồng, là tiến sĩ tâm lý, nguyên là Hiệu trưởng trường Cao đẳng mẫu giáo Trung ương. Chị Hồng đã hai lần từ chối khi được cất nhắc làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, xin ở lại làm chuyên môn để được cống hiến nhiều hơn. Chị hay nói rằng “Bố tôi là Lê Đức Anh, đừng ai nhắc bố tôi là Chủ tịch nước, hay nói ngược lại, cứ gọi tôi là con ông Lê Đức Anh chứ đừng gọi tôi là con Chủ tịch nước”. Bản thân chị cũng là người thẳng thắn, không muốn dựa vào bố mà muốn tự mình phấn đấu làm việc theo năng lực của mình”, Đại tá Nguyễn Quốc Anh kể.

Người đề xuất danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng"

Theo Đại tá Nguyễn Quốc Anh, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đại tướng Lê Đức Anh luôn thể hiện là một vị tướng tài ba, quả cảm. Trong thời bình, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch nước rồi Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông là nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, quyết liệt và chí công vô tư.

Trên cương vị Chủ tịch nước, một sáng kiến quan trọng của Đại tướng Lê Đức Anh khi đó được nhân dân đón nhận, đó là việc phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Đại tá Nguyễn Quốc Anh cho biết, khi còn công tác, Đại tướng dành rất nhiều thời gian đến với nhân dân khắp mọi miền đất nước. Từ những chuyến đi đó, ông thấy có rất nhiều những bà mẹ có con đi chiến đấu và hy sinh, trong khi đó cuộc sống hiện tại quá vất vả, tủi cực, không ai chăm sóc. Ông có hỏi cán bộ địa phương thì nhận được câu trả lời vì trên không có chủ trương nên địa phương không biết làm cách nào.

img
Ngày 29/12/1994, Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đợt 1, Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng duyệt đội danh dự tại Phủ Chủ tịch. Ảnh tư liệu

Từ những cuộc gặp gỡ, thăm hỏi ấy, ông trăn trở và không khỏi suy nghĩ. Khi trở về Thủ đô, họp Bộ Chính trị, ông đã đề xuất việc phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Ông cho rằng, đối với sự chịu đựng và hy sinh của các bà mẹ cho Tổ quốc thì việc làm này là quá muộn, nhiều bà mẹ đã không còn nữa, nhưng muộn còn hơn không. Để những bà mẹ đó trong những năm cuối đời, khi nhắm mắt xuôi tay cũng còn một chút thấy được là mình đã cống hiến cho đất nước và được ghi nhận.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần vào hồi 20h10, ngày 22/4/2019 tại nhà Công vụ, số 5A, phố Hoàng Diệu, Hà Nội.

Lễ tang Đại tướng Lê Đức Anh sẽ được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 3 và 4/5.

Ban Lễ tang gồm 39 người, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban.

Linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh quàn tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ viếng bắt đầu từ 7 - 11h ngày 3/5/2019; lễ truy điệu từ 11h cùng ngày 3/5/2019 tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ an táng từ 17h ngày 3/5/2019 tại Nghĩa trang TP.HCM.

Được tập thể Bộ Chính trị đồng ý, ngày 10/9/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Lệnh (số 36L/CTN)-công bố Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng.

Ngày 1/12/1994, Đảng, Nhà nước ta long trọng tổ chức Lễ phong tặng danh hiệu Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đợt 1 tại Thủ đô Hà Nội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.