Xã hội

Đại tướng Phan Văn Giang lý giải quy định cấp tướng quân đội nghỉ hưu ở tuổi 60

05/11/2024, 14:46

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định quan điểm của quân đội là "nuôi quân ba năm, sử dụng một giờ".

Số lượng cấp đại tá và cấp tướng chiếm tỷ lệ nhỏ

Sáng 5/11, phát biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) nhất trí với việc tăng hạn tuổi nghỉ hưu của sĩ quan như dự thảo đề xuất.

Theo ông Nghĩa, việc tăng tuổi với sĩ quan tại ngũ sẽ tăng thêm thời gian cũng như mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Đại tướng Phan Văn Giang lý giải quy định cấp tướng quân đội nghỉ hưu ở tuổi 60- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn).

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị rà soát để xem xét tăng thêm tuổi đối với cấp đại tá và cấp tướng, nhằm bảo đảm thống nhất trong lực lượng vũ trang và tương thích với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động.

Theo ông Nghĩa, số lượng cấp đại tá và cấp tướng chiếm tỷ lệ nhỏ nên việc kéo dài tuổi nghỉ hưu không tác động nhiều đến tổng quân số. Trong khi đó, đây là cơ chế để tiếp tục phát huy kinh nghiệm, trình độ của các sĩ quan này trong thời bình.

Ông Nghĩa dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết, hiện nay Bộ Quốc phòng có gần 400 sĩ quan biệt phái. Vị đại biểu đề nghị bổ sung chế độ, chính sách đối với sĩ quan biệt phái khi kết thúc nhiệm vụ biệt phái.

Còn theo đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), quy định như trên có thể dẫn đến trường hợp chưa đến trần hoặc vượt trần tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động. Do đó, nên xác định theo hướng cho kéo dài tuổi nhưng không quá 62 với nam, 60 với nữ và giao Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể.

Đại tướng Phan Văn Giang lý giải quy định cấp tướng quân đội nghỉ hưu ở tuổi 60- Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre).

Về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho rằng, việc tăng hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo được cơ cấu tổ chức, biên chế quân đội.

Tuy nhiên, bà Nhi lưu ý, ở những khu vực miền núi, hải đảo thường phức tạp, khó khăn hơn, nên cần xem xét quy định hạn tuổi thấp hơn so với các khu vực khác và nên giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định điều này.

Tuổi cấp đại uý nghỉ hưu gần như không có

Về quân hàm cấp úy tăng từ 46 lên 50 tuổi, đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, các sĩ quan ra trường khoảng 10-12 năm sẽ lên đến đại úy. Nếu đến năm 50 tuổi mà chỉ lên đại úy thì "năng lực phải xem lại", tuổi cấp đại úy nghỉ hưu là không nhiều, gần như không có.

Đại tướng Phan Văn Giang lý giải quy định cấp tướng quân đội nghỉ hưu ở tuổi 60- Ảnh 3.

Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

"Quan điểm của chúng tôi là nuôi quân ba năm và chỉ sử dụng một giờ", ông Giang nói và cho biết quân đội phải rèn quân để đến khi có tình huống là phải xử lý được, nếu lơi lỏng sẽ rất khó xử lý.

Ông Giang cho biết, cường độ rèn luyện phải ngày càng cao, nếu cường độ không tăng lên thì rõ ràng không đáp ứng được. Các cuộc chiến tranh gần đây cho thấy chúng ta cần phải yêu cầu đòi hỏi cao hơn, nhất là về chuyên môn, kỹ thuật.

Về đề xuất tăng tuổi hưu của sĩ quan cấp tướng quân đội lên 62 tuổi, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, do đặc thù riêng trong công tác tổ chức, chỉ huy trong quân đội nên mong Quốc hội cho phép giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đối với sĩ quan cấp tướng như trong dự thảo đề xuất là 60 tuổi (không phân biệt nam, nữ).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.