Tháng 7/2005, UBND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) ban hành quyết định thu hồi 6.059,9m2 đất của 74 hộ dân (thuộc phường Tân Lợi - Tân An) để xây dựng công trình đường Lê Thánh Tông. Nhưng đến nay, chỉ 8/74 hộ bị thu hồi đất được chi trả tiền đền bù.
Chưa cân đối được nguồn chi trả
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lưu Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột xác nhận, năm 2005 thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị, TP Buôn Ma Thuột ban hành quyết định thu hồi đất của các hộ dân ở ven đường Lê Thánh Tông (đoạn Nguyễn Đình Chiểu lên đường Nguyễn Hữu Thọ).
Vào thời điểm này, việc bồi thường GPMB không quy định là trước khi thực hiện thu hồi đất thì phải xác định được nguồn vốn để chi trả. Chính vì vậy, các cơ quan chuyên môn ban hành quyết định thu hồi đất trước, sau đó lập phương án bồi thường, phê duyệt phương án bồi thường để tiến hành chi trả cho các hộ.
Theo trình tự đó, UBND thành phố ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường cho 6.059,9m2 đất bị thu hồi của 74 hộ dân. Tuy nhiên, khi thực hiện phương án bồi thường, số tiền bồi thường lớn nên việc chi trả kéo dài.
Đến năm 2009, thành phố xem lại giá trị bồi thường. Lúc này, vốn để đền bù rất lớn, cho nên UBND thành phố ban hành quyết định hủy bỏ quyết định thu hồi đất năm 2005 đối với các hộ dân.
Xác nhận đến nay người dân chưa được đền bù, ông Khôi giải thích là do nguồn chi này là rất lớn, chứ không phải thành phố trốn tránh trách nhiệm. Còn việc hủy bỏ quyết định thu hồi đất vào năm 2009 của UBND thành phố cũng vì một phần quyền lợi của người dân.
“Bởi thực tế, diện tích đất này người dân vẫn đang sử dụng, thu hồi chỉ là về mặt thủ tục, chứ chưa bàn giao. Chúng tôi hủy bỏ quyết định thu hồi, trả lại đất là cho người dân sử dụng.
Đến khi nào thành phố cân đối được nguồn vốn, có khả năng thực hiện đền bù thì chúng tôi thực hiện lại việc thu hồi và tính toán việc bồi thường theo thời điểm thu hồi để đảm bảo quyền lợi của người dân”, ông Khôi khẳng định.
Dân đi cũng dở, ở không xong
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Đặng Thị Nguyệt (số 221 Lê Thánh Tông) bức xúc, đất chưa bàn giao không có nghĩa gia đình không bị ảnh hưởng. Theo bà Nguyệt, gia đình bà có 200m2 đất thổ cư, bị thu hồi 46m2. Khi làm sổ đỏ cho thửa đất này, bà chỉ làm được 139m2, phần diện tích bị thu hồi không được làm.
Giờ làm sổ đỏ lại chỉ có 139m2, phần 46m2 trong diện tích bị thu hồi, gia đình không được sử dụng, thậm chí, để xe thì lực lượng trật tự đô thị cũng không cho.
“Năm 2005, 46m2 đất của gia đình tôi đã được áp giá đền bù hơn 500 triệu đồng, gồm cả hàng rào, bờ tường, cây ăn trái. Lúc đó, họ bắt gia đình phá dỡ hết, gia đình phải bỏ tiền phá dỡ, bỏ tiền xây lại hàng rào, bờ tường mới. Đến giờ, vẫn chưa được bồi thường một đồng nào, mà những nhà đối diện bên đường thì được đền bù”, bà Nguyệt thông tin.
Cùng chung bức xúc, bà Nguyễn Thị Tính (số 217 Lê Thánh Tông) cho hay: “Nhà nước cấp cho tôi 200m2, giờ trong sổ đỏ cắt bỏ 36,85m2 phần diện tích thu hồi.
Hiện phần diện tích này chúng tôi không được phép sử dụng, tôi gác tấm tôn ra che nắng che mưa tạt vào nhà thì phường cũng xuống kéo dỡ hết. Nếu thành phố không có tiền đền bù thì trả lại đất cho chúng tôi, trả cả tiền phá dỡ, tài sản trên đất bị thu hồi nữa”.
Cần xử lý dứt điểm vụ việc
Luật sư Dương Lê Sơn, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk nhìn nhận, việc UBND TP Buôn Ma Thuột đã thực hiện việc thu hồi đất, sau đó lấy lý do tiền đền bù lớn nên sau nhiều năm lại ban hành quyết định huỷ bỏ quyết định thu hồi đất là trái với quy định của pháp luật về thu hồi đất.
Vụ việc có đủ dấu hiệu cấu thành của tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230, BLHS). Theo luật sư, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan; đồng thời, nhanh chóng có kế hoạch và phương án giải quyết dứt điểm vụ việc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và của các hộ dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận