Điều tra

Đắk Lắk: Chủ tịch xã bị tố bán gỗ tang vật

04/03/2019, 06:30

Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Cư Drăm bị tố là người tự bắt, tự bán gỗ tang vật mà không thông báo cho cơ quan chức năng.

img
Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Cư Drăm làm việc với phóng viên

Ông Trần Thế Tôn (nguyên cán bộ văn hóa xã Cư Drăm, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) vừa có đơn tố cáo lãnh đạo UBND xã chỉ đạo lực lượng công an xã đi bắt gỗ lậu, sau đó đưa về xã tập kết và bán cho người trong cơ quan. Sự việc không được lập biên bản vi phạm hành chính, không báo cáo cơ quan chức năng.

Xã tự bắt gỗ, tự thanh lý gỗ?

Trong nội dung đơn tố cáo, ông Tôn đã chỉ đích danh ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Cư Drăm là người tự bắt, tự bán gỗ tang vật mà không thông báo cho cơ quan chức năng.

Lần theo tên chủ gỗ bị bắt trong đơn tố cáo, PV gặp ông Từ Đức Tám (SN 1963, thôn Ea Luêl, xã Cư Drăm), ông Tám kể: “Khoảng 22h ngày 26/8/2018, tôi điều khiển xe ô tô BKS 53L-6762 chở 3 tấm gỗ pơmu. Số gỗ này tôi mua lại của một người dân tại thôn Yang Hanh với số tiền 50 triệu đồng. Khi tôi chở ra tới nghĩa địa Buôn Chàm B thì bị ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Cư Drăm và ông Y Thanh (công an xã) đi xe máy chặn đầu xe ô tô tôi lại. Ông Trung hỏi: “Anh chở gỗ đi đâu?”. Tôi nói: “Chở đi làm (đi gia công -PV)”. Sau đó, ông Trung nói: “Không được. Đưa xe về xã xử lý”.

Sau khi có quyết định buộc thôi việc đối với đồng chí Tôn vì 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ, đồng chí Tôn đã có đơn thư gửi đến nhiều cơ quan tố cáo cán bộ lãnh đạo xã liên quan đến vấn đề thu gỗ. Đối với nội dung này, UBND huyện đã chỉ đạo, giao công an huyện Krông Bông thụ lý điều tra xác minh. Ngoài ra, huyện cũng giao cho thanh tra, phối hợp với Phòng Nội vụ huyện tiến hành xác minh vấn đề liên quan đến đồng chí Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Cư Drăm theo nội dung đơn tố cáo. Hiện công an huyện đang xác minh, xử lý, sau khi có kết quả sẽ phản hồi cho báo.
Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông

Tiếp đó, xe ông Tám bị đưa về xã và lập biên bản, người bắt ông ký biên bản tên Thanh. Khi ông Tám lên gặp ông Trung để giải quyết thì ông Trung nói có công việc bận và đi chỗ khác. Khoảng 5 ngày sau, công an xã gọi điện thoại hẹn ông Tám ra quán cà phê Trí Phượng để giải quyết. “Tại đây, họ bắt tôi nộp phạt 3 triệu đồng rồi cho lấy xe về. Nghe vậy, tôi nói: “Tiền tôi mua gỗ hết rồi. Tôi không có tiền nữa”. Sau đó, người công an nói: “Vậy thì cho xe ra sau ủy ban xã bỏ hết gỗ xuống rồi đánh xe về”. Từ đó đến nay, tôi không bị lập biên bản xử phạt hành chính. Cũng không được xã thông báo về cách giải quyết số gỗ. Số gỗ của tôi giờ cũng không biết đi đâu”, ông Tám bức xúc.

Tương tự, ông Dương Văn Hai (SN 1968, thôn Ea Bar, xã Cư Pui), người có tên trong đơn phản ánh: “Lúc đó vào tháng 12/2016, tôi bị xã bắt 2 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 10 ngày, một lần chở 83 trụ tiêu, lần hai chở 53 trụ tiêu. Lúc bị bắt, tôi năn nỉ xin lại nhưng không được. Sau đó, công an xã nói: “Cái này xin không được. Cái này gỗ trái phép phải chở ra ủy ban xã. Chở ra đó rồi tôi giải quyết xe cho về”. Tôi chở 83 trụ tiêu ra ủy ban xã đổ xuống rồi đánh xe về. Họ không làm biên bản, không phạt gì cả. Lần thứ hai tôi chở 53 trụ cũng bị xã bắt. Xe và gỗ đưa về ủy ban. Sáng hôm sau, tôi mới được gọi lên xã làm biên bản. Họ yêu cầu tôi đổ gỗ xuống và đánh xe về, xã cũng không phạt gì cả. Nhưng sau đó, người công an xã tên Mana nói: “Có gì thì đi bồi dưỡng tí”. Sau đó, tôi dẫn ra quán nhậu, nhậu xong thì đưa cho Mana 1,2 triệu đồng là về”.

Cũng theo ông Hai, số trụ tiêu trên ông mua của người dân trong vùng, mỗi trụ có giá 220.000 đồng, về để trồng tiêu. Gỗ đổ trên ủy ban xã, giờ ông cũng không biết số gỗ đó đi đâu.

img
Ông Từ Đức Tám (bìa phải) phản ánh vụ việc bị xã chặn xe lấy gỗ

Đâu là sự thật?

Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch xã Cư Drăm cho biết: “Trong những năm gần đây, xã phối hợp với lực lượng kiểm lâm bắt rất nhiều vụ vận chuyển gỗ trái phép. Tất cả phương tiện, tang vật đều giao lại cho kiểm lâm huyện xử lý. Xã không xử lý gì các vụ đó”.

Trả lời về những tố cáo của ông Tám, ông Trung nói: “Cái này không có. Tôi chưa bao giờ trực tiếp đi bắt, mà tôi chỉ đạo cho anh em phối hợp với kiểm lâm bắt. Chiếc xe này (PV đưa hình ảnh chiếc xe BKS 53L-6762) có bị bắt rồi, nhưng những vụ bắt ở đây, chúng tôi giao lại cho kiểm lâm xử lý chứ chúng tôi không xử lý”.

“Họ đã vu cáo tôi. Tôi không trực tiếp đứng ra bắt. Hình ảnh chiếc xe tôi xác định nằm trong khuôn viên của UBND xã. Có xe trong xã chắc chắn là lực lượng xã phối hợp kiểm lâm bắt đưa về xã. Tôi chỉ thấy chiếc xe nhưng 3 tấm gỗ thì tôi không biết. Xe vào thời điểm nào tôi không nhớ. Không biết vào vì lý do gì. Không biết rời xã lúc nào”, ông Trung khẳng định.

Cũng theo ông Trung, lực lượng xã cũng không bắt xe chở trụ tiêu nào. Ông cũng không mua trụ tiêu nào bị bắt đưa về xã như đơn tố cáo.

Lúc này, PV đề nghị được gặp ông Thanh (người được ông Tám “giới thiệu” cùng đi bắt gỗ và lập biên bản) chiếc xe chở gỗ BKS 53L-6742. Tuy nhiên, ông Trung từ chối: “Không có lập biên bản, anh Thanh xin đi vắng rồi, không có ở cơ quan”.

img
Chiếc xe chở gỗ của ông Tám bị bắt đưa về UBND xã (Ảnh do ông Trần Thế Tôn cung cấp)

Trong khi đó, ông Y Te Bkrông, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông khẳng định: “Hạt kiểm lâm không bắt và không xử lý chiếc xe BKS 53L-6762 liên quan đến chở gỗ. Nếu có thì tôi biết. Tôi xác định không có, không tham gia với xã Cư Drăm bắt và xử lý xe này. Kiểm lâm không phối hợp và không biết gì cả”.

Lúc này, PV cho xem hình chiếc xe bị bắt mà ông Chủ tịch xã nói phối hợp với kiểm lâm bắt. Lần nữa, ông Y Te Bkrông khẳng định: “Hạt không bắt chiếc xe này bao giờ. Nếu bắt thì tôi biết và đưa về đây rồi. Ông Trung nói vậy là chết anh em”.

“Tôi về làm ở Hạt kiểm lâm này gần 10 năm rồi. Chúng tôi chưa bắt vụ vận chuyển gỗ trụ tiêu nào. Chưa bao giờ bắt. Ông Trung nói phối hợp với kiểm lâm bắt, bắt khi nào, có biên bản bàn giao không? Ông nói vậy không được. Tôi xác định, hai vụ này vượt thẩm quyền xử lý của xã, nếu bắt phải giao cho Hạt xử lý. Ba tấm gỗ đó hơn 1 khối. Hiện một khối pơmu là 27 triệu và thẩm quyền xử lý với hơn 100 trụ tiêu cũng không phải của xã mà phải bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý. Gỗ tang vật này xã không có quyền bán, dù là một khúc. Gỗ phải qua thẩm định giá mới thanh lý được”, ông Y Te khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.