Nhiều địa phương sụt giảm lượng người tham gia BHXH
Theo báo cáo của BHXH các địa phương, tính đến 30/4, toàn quốc có 14,419 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, giảm 421.000 người so với tháng 3/2020 và giảm 780.000 người so với năm 2019. Số người tham gia BHXH bắt buộc tại các địa phương đều giảm mạnh so với thời điểm tháng 12/2019. Đặc biệt, một số địa phương giảm nhiều như: TP.HCM giảm 210.982 người; Bình Dương giảm 101.628 người; Hà Nội giảm 65.038 người; Đà Nẵng giảm 38.247 người; Đồng Nai giảm 46.924 người...
Đến 30/4, cả nước có 557.000 người tham gia BHXH tự nguyện, giảm 16.000 người so với năm 2019. Tuy nhiên, số người tham gia BHXH tự nguyện tại một số tỉnh tăng so với năm 2019 như: Nghệ An tăng 2.732 người; Hà Tĩnh tăng 1.527 người; Hà Nội tăng 1.630 người; Thanh Hóa tăng 1.464 người; Trà Vinh tăng 625 người.
Đến hết tháng 4/2020, có 28 BHXH tỉnh vẫn giữ được đối tượng tham gia BHYT tăng đều so với năm 2019.
Nhận định về nguyên nhân số đối tượng tham gia BHXH, BHYT giảm, ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Thu thông tin, do ảnh hưởng dịch Covid-19, các DN không nhập được nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều NLĐ lo ngại không đến ứng tuyển tại các DN có nhiều chuyên gia người nước ngoài đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... gây khó khăn trong tuyển dụng lao động.
Đặc biệt, trong tháng 3/2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên nhiều DN cắt giảm lao động, giảm giờ làm để phòng tránh dịch; Công tác tuyên truyền trực tiếp về BHXH tự nguyện tại nhiều nơi phải tạm hoãn; ngoài ra một bộ phận người nghèo, cận nghèo đã thoát nghèo.
Ưu tiên kinh phí đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm
Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, đặc biệt là khối DN bước vào khôi phục và ổn định sản xuất kinh doanh. Đồng thời, yêu cầu ngành BHXH bám sát tình hình dịch bệnh cũng như hoạt động của DN để giải quyết thu nộp BHXH, BHYT và giải quyết chế độ, chính sách đúng quy định. Đến nay đã hết giãn cách xã hội do dịch Covid-19, nên nhiều NLĐ đã quay trở lại làm việc. Do đó, BHXH các địa phương cần có những giải pháp cụ thể để phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nhằm bù số người tham gia đã giảm.
“BHXH các tỉnh và các đơn vị liên quan cần xây dựng phương án cụ thể về phát triển đối tượng tham gia BHXH cũng như phương án thu. Đồng thời, xây dựng kịch bản báo cáo lãnh đạo ngành theo từng tháng; Tạo điều kiện khi DN khôi phục sản xuất, lao động quay trở lại thị trường thì tiếp tục tham gia BHXH. Đồng thời tập trung giải quyết các vướng mắc theo Quyết định 15 của Thủ tướng và phối hợp cùng Bưu điện triển khai chiến dịch phát động người dân tham gia BHXH trong tháng 5…", ông Liệu nói.
Trong Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 4 tháng đầu năm 2020 và đề xuất, điều chỉnh kế hoạch, dự toán chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020 mới đây, BHXH Việt Nam thông tin, hiện đang xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ của ngành dưới tác động của dịch Covid-19. Dự kiến, sẽ có 2 kịch bản được xây dựng theo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó có việc dự báo tình hình thực hiện nhiệm vụ của Ngành năm 2020 và giải pháp khắc phục. Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đã tính đến trường hợp khó khăn nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ, khi số thu giảm, trong khi chi BHXH, BH thất nghiệp và KCB BHYT tăng vượt dự toán.
Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, dù với kịch bản nào, tinh thần chung của BHXH Việt Nam là phải nỗ lực đạt được các chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện đã đặt ra cho năm 2020. Đồng thời, phải ưu tiên cho việc bố trí kinh phí để đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT; Tháo gỡ khó khăn cho DN cũng như thực hiện tiết kiệm, giảm chi phí hoạt động của ngành phù hợp với tình hình thực tế theo định hướng chung của Chính phủ…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận