Đàm Vĩnh Hưng khẳng định, Tùng Dương là người "thắp lửa" cho trận tranh cãi, còn anh thấy lửa thì "chụp" lại. |
Gần đây, anh phản ứng khá gay gắt trước phát ngôn của ca sĩ Tùng Dương về bolero. Nhiều người bảo anh đang nhằm PR cho liveshow của mình?
Họ có quyền mà, sao cấm được họ nghĩ vậy được. Lâu nay có nhiều người nói Đàm Vĩnh Hưng hay chiêu trò trước mỗi liveshow. Tôi đang bình yên mà, tôi đâu có nhu cầu đó đâu? Sắp tới giờ diễn tự dưng ở đâu sóng gió nổi lên. Tôi không yêu cầu Tùng Dương nói để tôi phản pháo lại, để cả hai cùng nổi. Làm như vậy xong bôi tro chát trấu vào mặt nhau à? Ngay cả đợt Diamond show, tôi ngã trên sân khấu, rớt xuống cái hầm tối tăm, bị khâu mấy mũi, đổ máu như thế mà người ta vẫn nói tôi chiêu trò. Tôi đâu có chơi ngu vậy!
Cả lần mưa to, nhà bị ngập, Nhà hát Hòa Bình nơi tôi chuẩn bị làm show cũng bị ngập. Người ở Nhà hát và công ty chúng tôi chụp hình gửi cho nhau, hình đó lọt ra ngoài, mọi người cũng nói tôi PR để được tội nghiệp. Không ai hiểu quá trình xảy ra sự việc của tôi nhưng cứ phán xét. Rồi khi biết sự thật, không ai mở miệng ra xin lỗi tôi cả.
Thế nên, khán giả muốn nói gì là quyền của họ. Được thôi, mọi người nghĩ như vậy, tôi sẽ nói theo như vậy. Còn mọi chuyện là do Tùng Dương thắp lửa, tôi thấy lửa thì tôi chụp luôn. Còn thực tế ở thời điểm nào, có hay không làm show, nếu có những lời nhận định như vậy về bolero thì tôi chắc chắn sẽ phản ứng. Trước đây, tôi không được nghe. Nhưng lần này, chuyện lại sát sườn show diễn.
Gần như cứ ai phát ngôn gì về bolero là đều gây tranh cãi. Theo anh, lý do vì sao?
Đúng là bolero nhạy cảm thật. Thứ nhất, nó thuộc về văn hóa cũ, và có rất nhiều người của văn hóa cũ đó. Hải ngoại có, và ở Việt Nam cũng có. Có nhiều người chấp nhận, nhưng cũng có những người bài xích. Có thể nói, đụng tới bolero chẳng khác nào đang đụng tới ngôi đền thiêng của họ.
Nhưng anh có thấy thực sự những chương trình nhạc bolero hiện nay đang thiếu sáng tạo?
Bolero là những tình khúc xưa cũ được viết quá hay rồi. Ca sĩ chỉ cần hát như thế nào để giữ được tinh thần đó, khiến khán giả thấy vui, hoài niệm lại. Tùng Dương nhận định bolero là hoài niệm là chính xác, nhưng sai ở từ “thụt lùi”. Tìm từ khác nói thì sẽ không bị ném đá như vậy. Làm gì mà có sự sáng tạo? Bạn hát lại những ca khúc Làn Sóng Xanh, nhạc đỏ xem có thể sáng tạo lại được nữa không? Không có sáng tạo nữa, vì nhạc đó đã đi qua rồi. Chỉ có mình làm mới lại để khán giả trẻ hiện nay đón nhận theo cách mới.
Cứ kêu gào hát nhạc truyền thống, nhạc cách mạng, nhạc quê hương... cho giới trẻ nghe đi! Nhưng ai nghe? Nên buộc phải dùng những ca sĩ đang được giới trẻ yêu thích như tôi, Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm… Và chúng tôi hát theo cách người trẻ thích chứ không phải hát cho những người lớn tuổi thích nữa. Do đó, phải hát đúng ý họ, hòa âm theo cách mới. Không cần phải sáng tạo, hát để vừa lòng thôi. Còn sáng tạo không phải là việc của mình mà là của nhạc sĩ, của những người khác. Ca sĩ chỉ là người truyền lửa, làm sao cho bài hát khác lạ chứ chưa đủ để gọi là sáng tạo.
|
Và bolero cũng đang quá tải?
Cái gì cũng vậy thôi. Đã từng có "trào lưu" xoài lắc, trà sữa… rồi thoái trào. Nhưng theo dự đoán của tôi, bolero muốn thoái trào thì lâu là khoảng 5 năm nữa, nhanh là 3-4 năm. Vì nguồn vốn của những bài này còn rất nhiều và chưa được hát chính thức. Cứ dùng hết đi thì sẽ khác. Còn vẫn giữ, không cấp phép thì sẽ tạo nên sự trông chờ, vô tình kéo theo tuổi thọ của bolero.
Vậy sau 4,5 năm nữa như anh nói, nếu bolero thoái trào, liệu anh có tiếp tục theo đuổi con đường này?
5 năm là tôi nói mức độ dần dần của bolero. Còn thoái trào thì cần thời gian. Trong khoảng 7, 8 năm nữa cũng đủ thời gian để làm mọi thứ, các dự án cũng kết thúc rồi. Tôi sẽ chuyển sang dự án khác. Còn bolero có thể chững lại, để một dòng nhạc khác lên ngôi, rồi sẽ phải lùi lại… Giống như thời trang, cứ thay phiên nhau. Đừng làm gì nghiêm trọng quá!
Gần như các ca sĩ đến một độ tuổi nào đó họ sẽ chuyển sang hát bolero. Anh hình như cũng không ngoại lệ. Đây là xu thế hay một cách tự thân?
Tôi đã nghĩ tới điều này cách đây 10 năm. Tôi nhìn vào những thần tượng của mình, đốt cháy sân khấu, quậy phá, nhưng rồi họ lại chọn hướng khác. Lúc đó mình sẽ gọi họ là gì? Tôi nhìn lại mình. 50 tuổi có thể ăn mặc rách rưới, hoặc nhảy trên sân khấu thì khán giả sẽ gọi mình là gì? Thằng Hưng hay Ông Hưng? Tôi nghĩ ra hướng đi cho mình là bolero. Bằng cách nào đi nữa thì bolero vẫn luôn âm ỉ trong lòng mọi người. Hồi đó cũng có người hát nhưng họ không đủ lực để đẩy bolero lên. Nhưng tôi đã làm được. Và nếu một ngày nào đó mình không còn đủ sức hát nhạc trẻ thì mình đã có một bãi đáp an toàn rồi.
Bolero phải hợp, vì mình phải luyến láy, phải lạ, phải mới để hát cho người mới ở thời điểm này nghe. Tinh thần của ca khúc cũng khác. Không phải chia ly đau khổ, ủy mị mà hát với cảm nhận khác, tạo cho mình dấu ấn chứ không thể lặp lại phiên bản của những ca sĩ ngày xưa. Họ đã luôn cảm thấy xấu hổ vì những phiên bản lỗi hiện tại.
Cảm ơn anh!
>>> Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận