Showbiz

Đàm Vĩnh Hưng cảnh báo nhiều kẻ mạo danh anh để lừa đảo

22/01/2025, 10:56

Đàm Vĩnh Hưng cảnh báo trên trang cá nhân khi bị mạo danh trên mạng xã hội: "Cuối năm mọi người hết sức cẩn thận vì lừa đảo không chừa ai".

Đêm 21/1, Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ bài viết cảnh báo khi có người giả danh anh để lừa đảo.

Theo hình ảnh đoạn tin nhắn do ca sĩ đăng tải, đối tượng lừa đảo dùng tên "Đàm Vĩnh Hưng" và nhắn tin cho một số khán giả, người hâm mộ của nam ca sĩ để kêu gọi đầu tư tiền với những lời dụ dỗ như: "Với số tiền đầu tư nhỏ, bạn sẽ thu được lợi nhuận tốt. Đó là nền tảng giao dịch hợp pháp và chiến thắng 100%".

Đàm Vĩnh Hưng cảnh báo nhiều kẻ mạo danh anh để lừa đảo- Ảnh 1.

Đàm Vĩnh Hưng lên tiếng khi bị kẻ gian mạo danh trên mạng xã hội.

Trước sự việc này, Đàm Vĩnh Hưng cảnh báo: "Cuối năm mọi người hết sức cẩn thận vì lừa đảo không chừa ai. Tôi cũng đang làm việc với Facebook Việt Nam để xem thử kẻ này đang đăng ký từ số điện thoại nào hoặc email nào và ở vùng miền nào".

Nam ca sĩ cũng khẳng định, hiện tại anh chỉ dùng một trang cá nhân mang tên "Dam Vinh Hung" với số lượng người theo dõi hơn 1 triệu người và một fanpage có dấu xác nhận chính chủ với 6,5 triệu người theo dõi.

Đây không phải là lần đầu tiên Đàm Vĩnh Hưng bị giả mạo lừa đảo trên Facebook. Năm 2023, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng lên tiếng khẳng định tài khoản có tên "Đàm Vĩnh Hưng riêng tư" không liên quan gì đến anh và công ty.

"Đây không phải Facebook của tôi và không liên quan gì tới tôi cũng như công ty Vietvoice. Đừng bị dẫn dụ, sẽ có thể gặp phải những hệ lụy như lừa đảo tiền bạc, hack tài khoản hoặc bị lợi dụng để tăng lượng người theo dõi, sau đó trang sẽ bị bán cho những ai muốn kinh doanh mà có sẵn lượng khách hàng...", nam ca sĩ chia sẻ.

Năm 2021, anh còn bị kẻ gian lấy hình ảnh của anh, đăng lên zalo gạ gẫm, chào bán hàng cho người hâm mộ.

"Tôi biết chuyện mấy ngày trước và ngay lập tức cảnh báo trên facebook. Có một kẻ giả danh tôi, người này tạo một tài khoản Zalo, dùng hình của tôi để làm ảnh đại diện, lấy tên Mr Đàm. Người này chủ động kết bạn với những người hâm mộ, sau đó dùng những lời lẽ, câu chữ gạ gẫm các fans của Hưng để mua bán này nọ, nói đi làm từ thiện…

Không chỉ nhắn tin, khi fan yêu cầu video trực tiếp, người này còn cắt ghép clip giống y chang tôi đang nói chuyện, rất tinh vi. Có người đã bị lừa", giọng ca "Tình ơi xin ngủ yên" cho hay.

Thời điểm đó, công ty anh thông báo làm đơn gửi công an quận 10 (TP.HCM) để trình báo, tố cáo vụ việc. Đồng thời anh và ê kíp còn liên hệ làm việc với Zalo, ngân hàng để truy tìm và làm rõ vụ việc này.

Đàm Vĩnh Hưng cảnh báo nhiều kẻ mạo danh anh để lừa đảo- Ảnh 2.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.

Trước Đàm Vĩnh Hưng, nhiều nghệ sĩ như Thùy Tiên, Tóc Tiên, NSND Thanh Nam... cũng từng bị mạo danh để trục lợi trên mạng xã hội.

Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề này, thạc sĩ - luật sư Hoàng Thị Hương Giang (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: "Khi phát hiện có đối tượng mạo danh mình để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, người bị hại cần lên tiếng cảnh báo, đính chính thông tin công khai trên không gian mạng cũng như các phương tiện truyền thông để ngăn chặn các đối tượng giả mạo có thể thực hiện hành vi phạm tội.

Bên cạnh đó, người bị hại cần thu thập thông tin, tài liệu và trình báo ngay sự việc với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn các đối tượng lừa đảo này, nhằm hạn chế hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra".

Đàm Vĩnh Hưng cảnh báo nhiều kẻ mạo danh anh để lừa đảo- Ảnh 3.

Luật sư Hoàng Thị Hương Giang.

Theo luật sư Hương Giang, tùy từng tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

"Trong trường hợp cá nhân có hành vi mạo danh người khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính Phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc sẽ bị trục xuất nếu là người nước ngoài.

Trong trường hợp cá nhân lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Nếu trong trường hợp đối tượng mạo danh nghệ sĩ, người nổi tiếng để lừa chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc đưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định rại Điều 174 Bộ luật hình sự.

Tùy từng tính chất, mức độ hành vi thì mức phạt của tội danh này có thể là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc cao nhất có thể lên đến 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, đối với trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp theo quy định tại khoản 4 Điều này.

Ngoài ra, người phạm tội phải hoàn trả toàn bộ số tiền chiếm đoạt cho bị hại", luật sư phân tích thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.