Sáng 30/10, PV Báo Giao thông đến khu dân cư số 1 Hòa Tây (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang). Đây được xem là "điểm nóng" sạt lở, khi gần năm trước, vào sáng 18/11/2018, “quả bom nước” từ trong hố sâu trên núi của dự án khu dân cư Hoàng Phú vỡ xuống, kéo theo đất đá làm chết 4 người trong một gia đình và thiệt hại nhà cửa, tài sản của 11 hộ dân.
Hiện trường vụ sạt lở 1 năm trước giờ vẫn ngổn ngang, đất đá tràn khắp khu vực, chiếc ô tô bị đất đá đè nát. Cạnh đó, một vài hộ dân đang xúc đất vào bao để về chèn chống nhà cửa. Họ cho biết, do lo sợ sạt lở như năm ngoái, khi hay tin bão, nhiều nhà đã dọn đi nơi khác sống tạm, những người ở lại tranh thủ gia cố nhà.
“Chính quyền đã yêu cầu người dân vào trưa nay (30/10) phải sơ tán đề phòng sạt lở, tuy nhiên bà con ở lại chèn được chừng nào thì chèn. Nhà cửa là cơ ngơi tích góp cả đời, xảy ra sạt lở là mất hết, nên chúng tôi rất lo. Mấy bữa trước có mưa, chỗ sạt đất đá vẫn tiếp tục sạt”, ông Đỗ Nguyễn Duy cho biết.
Trong khi đó, từ chiều 29 đến sáng 30/10, nhiều hộ dân ở xóm Núi, thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, TP Nha Trang tất bật lấy bao cát đè các mái tôn và chằng chống nhà cửa. Nhiều người dân tại các vùng sạt lở đã được địa phương di dời về nhà văn hóa thôn.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Nha Trang, địa phương cũng rất lo lắng vì các hộ dân sống dọc theo triền núi quanh thành phố. Qua thống kê, TP Nha Trang có 80 điểm xung yếu có khả năng xảy ra sạt trượt, lở đất đá khi xảy ra mưa lớn tại 19/27 xã, phường; có 89 điểm sẽ xảy ra ngập, trong đó có 40 điểm ngập đường và 49 điểm ngập khu dân cư. Trong điều kiện xuất hiện mưa từ 200 đến 500mm từ 2 đến 4 ngày (rủi ro thiên tai cấp độ 2 - 3), thành phố sẽ tiến hành sơ tán người dân khỏi nơi xung yếu với khoảng 7.500 hộ, 31.350 người dân.
“Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương bố trí khoảng 2.000 nhân sự, phải thực hiện nghiêm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng để phòng chống thiên tai, mưa lớn”- vị đại diện TP Nha Trang cho biết.
Hình ảnh người dân khu vực đồi núi Nha Trang chống bão:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận