Quy định miễn trừ ngoại giao đang trở thành từ khoá được người Anh tìm kiếm nhiều nhất trong những ngày qua sau khi xảy ra vụ một phụ nữ Mỹ gây tai nạn chết người nhưng lại được rời Anh khi chưa chịu trách nhiệm về sự việc với lý do chồng bà là nhân viên tình báo Mỹ. Ngọn lửa tức giận bùng lên trong dư luận Anh buộc chính phủ nước này phải đánh giá lại những quy định về đặc quyền miễn trừ ngoại giao.
Vẫn về Mỹ dù gây tai nạn tại Anh
Theo truyền thông Anh và dựa trên một số thông tin do các nhân chứng cung cấp, sự việc xảy ra vào 27/8/2019 khi một chiếc xe ô tô vừa rời khỏi căn cứ Không quân Hoàng gia RAF Croughton tại Northamptonshire - nơi các lực lượng Mỹ đang sử dụng, đi nhầm làn và va chạm với một xe máy của thanh niên 19 tuổi, người địa phương có tên Harry Dunn khiến thanh niên này tử vong.
Người điều khiển chiếc ô tô gây tai nạn được xác định là bà Anne Sacoolas, vợ của một nhân viên chính phủ Mỹ làm việc tại căn cứ này. Bà Anne Sacoolas đã bị cảnh sát thẩm vấn để điều tra nhưng lại quay trở về Mỹ ngay sau đó và rất có thể sự việc sẽ được khép lại trong khi không phải chịu án phạt. Phía gia đình thanh niên Dunn đã gây áp lực lên cảnh sát và toà án, đề nghị tiếp tục điều tra và có thể dẫn độ bà về Anh để hầu tòa.
Phản ứng tức giận từ công chúng về những sự phức tạp và bất cập của vụ việc làm dấy lên 2 vấn đề chính về đặc quyền miễn trừ. Đầu tiên đó là việc tại sao bà Sacoolas nằm trong đối tượng được miễn trừ ngoại giao; Hai là liệu vấn đề miễn trừ ngoại giao đó có hợp lý hay không và đã đến lúc cần phải xem lại để hạn chế bị lạm dụng hay chưa?
Miễn trừ ngoại giao là gì?
Theo luật pháp quốc tế, đặc quyền miễn trừ này được quy định trong Công ước Vienna về các quan hệ ngoại giao năm 1961 (VCDR), có hiệu lực đối với hầu hết các quốc gia thành viên. Những trách nhiệm của Anh theo VCDR được quy định trong Luật ưu tiên ngoại giao 1964 (Anh).
Về bản chất, một nhà ngoại giao đương nhiệm hoàn toàn được miễn trừ trước tất cả các vụ kiện hình sự và hầu hết các vụ kiện dân sự. “Lệnh bài” miễn trừ này còn có hiệu lực với cả các thành viên trong gia đình những nhà ngoại giao. Đó chính là lý do vì sao bà Sacoolas thoát khỏi điều tra hình sự tại Anh chừng nào chồng bà vẫn còn làm việc ở vị trí được miễn trừ ngoại giao. Song, theo nhiều thông tin từ truyền thông Anh, ông Sacoolas cũng đã rời Anh và gia đình ông không còn được hưởng quyền miễn trừ.
Điểm gây tranh luận khác là tuy ông Sacoolas không phải là nhà ngoại giao, cả ông và vợ mình đều không nằm trong Danh sách Ngoại giao Anh tại London nhưng vẫn nhận được quyền miễn trừ. Theo giải thích của một số chuyên gia, nguyên nhân là bởi Danh sách Ngoại giao Anh không giới hạn chỉ với các vị trí làm việc tại Đại sứ quán.
Căn cứ Croughton của Không lực Hoàng gia Anh nơi có quân Mỹ đồn trú cũng được coi là “một phần phụ của Đại sứ quán Mỹ”. Croughton là một cơ sở tình báo quan trọng của Mỹ: Có một đường cáp quang chạy từ căn cứ này tới Trại Lemonnier của Mỹ tại Djibouti - đơn vị thực hiện các cuộc không kích bằng máy bay không người lái tại Somalia và Yemen.
Điều tra và thay đổi quy định
Sự đau buồn và tức giận của gia đình thanh niên Dunn trước khả năng người gây tai nạn vẫn được miễn trừ trách nhiệm và không bị xét xử sau vụ việc khiến nhiều chính trị gia Anh phải lên tiếng yêu cầu Mỹ phải từ bỏ đặc quyền này và đưa người vi phạm quay trở lại Anh để chịu truy tố.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab cho biết: “Tôi đã chỉ đạo thực hiện cuộc điều tra, đánh giá lại hoạt động miễn trừ đối với nhân viên Mỹ làm việc tại căn cứ không quân Croughton và thân nhân của họ”.
Ông Dominic Raab e ngại các quy định hiện hành đang áp dụng với trường hợp này không hợp lý và tiến trình xem xét sẽ tập trung vào cách làm thế nào để luật miễn trừ không bị lạm dụng. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã đề nghị với Nhà Trắng đưa bà Sacoolas trở lại Anh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận