Xã hội

Dân báo dịch tả lợn Châu Phi, cán bộ thú y nói “tự xử đi” (?)

26/08/2019, 19:07

Người chăn nuôi ở xã Nâm N'đir (Krông Nô, Đắk Nông) tố cán bộ chống dịch thờ ơ với dịch tả lợn Châu Phi khiến họ thiệt hại nặng nề.

img
Người dân bức xúc trước việc cán bộ chống dịch "thờ ơ" với dịch tả lợn Châu Phi.

Theo phản ánh của người dân, cuối tháng 6 đầu tháng 7/2019, tại các thôn Nam Dao, Nam Ninh và Nam Xuân (xã Nâm N’đir, huyện Krông Nô, Đắk Nông) xuất hiện tình trạng heo chết hàng loạt với các triệu chứng của bệnh dịch tả lợn châu Phi như: sốt cao, bỏ ăn, ủ rũ, phát ban đốm đỏ da báo, chết có màu tím đen…

Theo cam kết giữa người dân với chính quyền xã, khi phát hiện bệnh người dân không giấu bệnh dịch và gọi điện báo thú y xã, huyện. Nhưng lần nào người dân báo cũng nhận được điệp khúc “tự xử đi” (?). Người dân “năm lần bảy lượt” cầu cứu, thú y mới xuống lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính với dịch tả lợn châu Phi. Trong khi đó, cùng một đàn lợn, chuồng lợn chết, người dân lấy mẫu gửi đi xét nghiệm thì lại cho kết quả dương tính khiến họ càng thêm bức xúc.

img
Lợn trong chuồng chết hàng loạt nhưng Thú y lấy mẫu đi xét nghiệm đều âm tính với Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hòi cho người chăn nuôi. (Ảnh người dân cung cấp).

“Bỏ mặc” dân với Dịch tả lợn châu Phi

Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Hào (thôn Nam Xuân, xã Nâm N’đir), gia đình nuôi 20 con lợn thịt và 1 con lợn nái. Ngày 18/6, lợn nái có biểu hiện bỏ ăn, nằm mệt, và chết. Bà nghi ngờ lợn bị dịch tả châu Phi nên gọi điện báo với anh Hiếu (cán bộ thú y) xã. Anh Hiếu xuống kiểm tra và nói có một con heo chết thì chưa biết bệnh gì, đề nghị gia đình tự mang đi chôn đi.

Đến ngày 26- 27/6, đàn lợn 20 con có triệu chứng sốt, bỏ ăn, nằm ủ rũ, phát ban đỏ. Bà lại gọi điện báo anh Hiếu. Qua điện thoại, anh Hiếu nói, lợn đang bị dịch mùa, rồi yêu cầu bà Hào lên nhà mua thuốc về điều trị. Anh Hiếu bán 200.000 đồng tiền thuốc, yêu cầu mang về cho lợn ăn. Đến ngày 28/6, một con lợn trong đàn phát ban đỏ rồi chết với tình trạng da chuyển màu tím đen, phát mùi hôi rất khó chịu. Bà Hào tiếp tục báo với anh Hiếu thì nhận điệp khúc “gia đình tự xử đi”. Lần nữa, vợ chồng bà Hào chở lợn chết lên rẫy đào hố chôn.

“Qua ngày sau, 11 con chết. Tôi cầu cứu anh Hiếu nhưng không xuống. Cứ nói gia đình tự xử đi. Gia đình tôi lại chở lợn chết lên rẫy chôn. Ngày 1/7, chín con lợn còn lại, có 1 con chết, 5 con bỏ ăn nằm ủ rũ, 3 con đi lại được nhưng bỏ ăn. Tôi trực tiếp báo anh Hiếu và anh Huỳnh Thiện Vĩnh (Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp huyện Krông Nô). Tôi nói, lợn chết hết rồi, nhờ thú y mổ lấy mẫu xét nghiệm nhưng họ không mổ. Họ nói chưa biết heo bị bệnh gì. Sau đó, ông Vĩnh kê đơn thuốc để gia đình đi mua về điều trị. Đến ngày 2/7, những con lợn còn lại chết sạch”, bà Hào kể.

“Cả đàn lợn chết hết. Gia đình “cầu cứu” lần nữa thì ông Vĩnh mới vào mổ lấy mẫu. Tôi không hiểu quy trình lấy mẫu nhưng thấy ông Vĩnh mang mẫu rửa bằng nước sát trùng, rồi lấy nước lạnh rửa tiếp, sau đó bỏ vào thùng xốp. Nhưng thùng xốp thì không có đá. Khoảng 30 phút sau, về đến nhà tôi, ông Vĩnh mới xin đá bỏ thùng xốp. Đến ngày 3/7, thì báo có kết quả âm tính. Theo tôi tìm hiểu, ông Vĩnh lấy mẫu vậy không đúng, mẫu cắt ra mà đem đổ nước sát trùng vào thì vi-rút nó chết mất chứ còn đâu mà xét nghiệm. Triệu chứng của đàn lợn nhà tôi, nếu ông Vĩnh lấy mẫu đúng, thì 100% lợn bị dịch tả lợn châu Phi”, bà Hào khẳng định.

Cùng chung nỗi bức xúc, ông Lý Văn Hai (ngụ thôn Nam Dao, xã Nâm N’đir) kể: “Sáng 17/6, 4 con lợn đang nuôi có biểu hiện bỏ ăn, nằm ủ rũ, toàn thân sưng lên đốm đỏ. Tôi gọi 2 lần nhưng anh Hiếu không đến. Gọi tới lần thứ 3, anh Hiếu đi cùng 2 người khác đến. Sau đó, mổ một con lợn lấy mẫu mang về đi kiểm tra. Vài ngày sau, họ gửi thông báo, kết quả âm tính “Không phát hiện vi rút dịch tả lợn châu Phi trên mẫu xét nghiệm”.

“Mổ lấy mẫu xong, họ nói gia đình tự xử đi, đào hố mà chôn. Nghe vậy tôi mang ra vườn chôn. Sau đó, 3 con còn lại chết, vì họ kết luận không bị dịch tả nên tôi mang ra sông vứt. Mỗi con lợn nặng gần 1 tạ, ai mà đào hố chôn được. Không riêng gì nhà tôi, mà lợn chết cả thôn đều mang vứt xuống sông cả”, ông Hai nói.

img
Hộ đầu tiên tại thôn Nam Dao có lợn bị chết nghi bị Dịch tả lợn châu Phi nhưng cán bộ thú y mổ lấy mẫu xét thì âm tính. Sau đó, toàn bộ đàn lợn trong thôn chết sạch.

Thiệt thòi với kết quả “âm tính”

Ông Hoàng Văn Sơn, Trưởng thôn Nam Dao cho biết: “Theo thống kê trước đó, cả thôn có hơn 300 con lợn thì chết toàn bộ. Có nhà 1 ngày chết 3, 4 con rồi tự đào hố chôn, có người mang vứt xuống sông. Người dân nghi bị dịch tả lợn châu Phi nhưng không hiểu sao thú y lấy mẫu xét nghiệm lại âm tính. Họ nói không phải bị dịch tả lợn châu Phi, nhưng heo chết dần chết mòn, người dân cứ thế mà mang heo đi vứt xuống sông thôi".

“Trong thôn, có 90% hộ chăn nuôi lợn, chết hết không còn con nào. Khi lợn cả thôn Nam Dao chết hết, sau đó các thôn khác mới chết thì xã mới thông báo, công bố dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, lợn của dân chết trước thời điểm công bố dịch nên không được nhà nước hỗ trợ, người dân quá thiệt thòi”, ông Sơn nói.

Ông Phạm Văn Hiếu, cán bộ thú y xã Nâm N’đir cho biết: “Tôi là cán bộ thú y của xã, khi người dân báo có lợn chết, tôi nghi ngờ bị dịch tả lợn châu Phi thì tôi báo lên trên thôi. Tôi không có chức năng gì hết. Nói lợn chết gọi điện báo tôi không xuống là không đúng. Còn việc tiêu hủy lợn chết, đi họp huyện chỉ đạo gia đình nào có 1, 2 con chết có nương rẫy thì chôn ở nương rẫy cách nhà ở, giếng nước, đường cách 30m".

“Lợn chết người dân tự chôn, vứt sông thì không biết được. Vì trên địa bàn các thôn người dân phản ánh, đã lấy 3 mẫu gửi đi xét nghiệm đều có kết quả âm tính cả. Mình tin tưởng vào kết quả xét nghiệm thôi. Đến khi nhà bà Hạt tự đi xét nghiệm có kết quả dương tính thì xã công bố dịch. Từ thời điểm 7/7, lợn chết mới được lập biên bản hỗ trợ.”, ông Hiếu khẳng định.

Theo một lãnh đạo UBND xã Nâm N'đir, cuối tháng 6, sau khi có thông tin, dịch xảy ra ở tỉnh Đắk Nông, 12 xã thị trấn của huyện Krông Nô thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh, thành lập các tổ xung kích ứng phó với dịch. Trong thời điểm đó, trên địa bàn chưa xảy ra, nhưng khi xuất hiện dịch thì trở tay không kịp.

"Việc công bố địa bàn nào có dịch thì phụ thuộc vào Trạm dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp huyện Krông Nô. Trạm này mới có quyền công bố có dịch hay không có dịch. Vì vậy, giữa thời gian công bố và thời gian xuất hiện dịch trên địa bàn xã bị chênh lệch nên người dân có ý kiến. Vì trước đó, người dân báo cáo heo chết thì xã báo cáo Thú y huyện vào mổ lấy mẫu kiểm tra thì âm tính. Sau này, mới có kết quả dương tính. Nhưng lúc có công bố dịch thì heo trên địa bàn xã cơ bản chết nhiều. Chúng tôi cũng chia sẻ thiệt hại kinh tế với người dân nhưng heo chết trước thời điểm công bố dịch không có cơ sở để hỗ trợ", vị lãnh đạo này thông tin.

img
Người dân "tố" ông Huỳnh Thiện Vĩnh, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp huyện Krông Nô lấy mẫu sai quy tình khiến 3 mẫu lấy đều có kết quả âm tính với Dịch tả lợn châu Phi (Ảnh: Ông Vĩnh đang lấy mẫu trên đàn lợn chết tại nhà bà Hạt và cho kết quả âm tính. Nghi ngờ kết quả trên, bà Hạt tự lấy mẫu gửi đi xét nghiệm thì có kết quả dương tính).

Kì lạ 2 kết quả “đá nhau”

Tuy nhiên, điều người dân bức xúc là, tại sao cùng 1 đàn heo bị bệnh nhưng cán bộ thú y lấy mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính, dân tự đưa đi xét nghiệm thì lại cho kết quả dương tính?

Bà Phạm Thị Hạt (thôn Nam Xuân, xã Nâm N’đir) chua xót kể, gia đình có 2 trang trại, tổng đàn 71 con heo thịt. Vào ngày 1/7, đàn heo thứ nhất có biểu hiện sốt, bỏ ăn, da xuất hiện từng đóm đỏ… Bà mời thú y xã và huyện vào lấy mẫu xét nghiệm. Trên đàn heo, ông Vĩnh mổ một con chết, nhưng không lập biên bản, không lấy mẫu. Mặc cho bà Hạt “năn nỉ”, nhờ lấy mẫu để xét nghiệm nhưng ông không lấy. Bực quá, bà lấy điện thoại ra quay lại thì bị ông Vĩnh chửi.

“Nếu đúng đàn lợn bị dịch tả thì gia đình không cứu chữa nữa để đỡ tốn tiền, đỡ tốn công sức. Nếu đàn heo không phải dịch tả thì gia đình tôi cố chữa. Tôi nói vậy với ông Vĩnh thì ông Vĩnh chửi tôi như tát nước. Ông bắt nhà tôi đào 1 cái hố, hất luôn con heo xuống. Ông kết luận con heo chết là do bị “viêm phổi dính sườn”, bà Hạt cho hay.

Ngày hôm sau, đàn lợn nhà bà Hạt tiếp tục chết. Đến ngày 3/7, thấy đàn lợn chết với 100% biểu hiện của dịch tả lợn châu Phi, bà tiếp tục gọi thú y vào lấy mẫu xét nghiệm. Sau đó, ông Vĩnh vào mổ con heo lấy mẫu. Ông Vĩnh vừa mổ con lợn ra, liền lấy thuốc sát trùng đổ vào con heo. Sau đó, ông Vĩnh mang mẫu đi. Đến ngày 4/7, gia đình bà Hạt nhận kết quả, thống báo lợn nhà bà âm tính với dịch tả lợn châu Phi. Nhận kết quả, nhìn đàn lợn đang chết dần, bà khóc hết nước mắt.

Tiếp nhận thông tin phản ánh, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo: “Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh tiếp nhận, xác minh thông tin. Nếu đúng phải xử lý trách nhiệm địa phương. Làm rõ, nếu cán bộ sai phải xử lý cán bộ, chứ không để xảy ra tình trạng phòng chống dịch bệnh như vậy”.

Sáng ngày 6/6, đàn lợn tiếp tục chết. Bà Hạt lên mời lãnh đạo UBND xã, công an, thú y xuống, yêu cầu xã chứng kiến việc mổ lấy mẫu. Sau đó, nhờ chính quyền xã niêm phong mẫu để bà gửi đi xét nghiệm. Một mẫu bà gửi lên Chi cục Thú y vùng V (tại Đắk Lắk). Bà Hạt nghi ngờ mẫu trước đó xét nghiệm tại Chi cục Thú y vùng V đã âm tính nên bà gửi thêm 1 mẫu về Chi cục thú y vùng VI (tại TP HCM). Đến sáng 7/7, bà nhận kết quả, 2 mẫu gửi đi hoàn toàn dương tính với dịch tả lợn châu Phi!

img
Mẫu do người dân mang đi xét nghiệm cho kết quả dương tính, trái ngược với kết quả mà cán bộ thú y cung cấp

Bà Hạt bức xúc: “Lúc này, Phòng nông nghiệp huyện, Thú y huyện điện thoại xuống gia đình hỏi thăm. Rồi họ công bố dịch. Nếu tôi không làm tới nơi tới chốn thì đàn lợn nhà tôi coi như không có dịch. Tài sản mất trắng, không được nhà nước hỗ trợ. Tôi mong các ngành chức năng có câu trả lời thỏa đáng cho người dân chúng tôi”.

img
Người dân tự lấy mẫu, có sự chứng kiến và niêm phong của chính quyền xã gửi đi xét nghiệm.

Anh Phạm Văn Hiếu, cán bộ thú y xã Nâm N’đir cho biết: “Khi đàn heo của chị Hào, ông Hai, bà Hạt chết, tôi có nghi ngờ về dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính thì đành chịu. Tôi cũng không hiểu được lý do vì sao (?) Sau khi bà Hạt tự gửi mẫu đi xét nghiệm, cho kết quả dương tính thì xã Nâm N’đir mới công bố xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Thời điểm ngày 7/7, mới có cở sở để hỗ trợ cho người dân”.

Liên quan đến tố cáo của người dân, về không lấy mẫu nhà bà Hạt, lấy mẫu không đúng quy trình, trao đổi qua điện thoại với PV, ông Huỳnh Thiện Vĩnh, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp huyện Krông Nô cho rằng: “Trong quá trình lấy mẫu tôi không đổ thuốc sát trùng vào mẫu heo gửi đi kiểm dịch. Tôi không làm vậy, mà có đổ thuốc sát trùng vào cũng không sao, không diệt được vi rút”.

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông cho biết: “Đối với thông tin phản ánh, khi xảy ra dịch bệnh, dân báo mà chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng không lấy mẫu sẽ phải xác minh lại. Đối với thông tin cùng một đàn heo chết mà có hai kết quả xét nghiệm, mẫu âm tính với dương tính, heo chết chưa hẳn đã do bệnh dịch tả lợn châu Phi, vì trên địa bàn thời tiết chuyển mùa, các bệnh khác vẫn xảy ra. Đối với quá trình lấy mẫu, chúng tôi luôn đảm bảo về mặt quy trình gửi đi xét nghiệm. Còn người dân gửi mẫu như thế nào thì không biết. Tuy nhiên, tất cả phản ánh trên chúng tôi sẽ xác minh lại. Việc heo chết vứt ra sông hay chôn lấp ngoài rẫy, nếu để tình trạng này xảy ra như phản ánh thì phải xử lý nghiêm”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.