Xã hội

Dân bất an khi sống cạnh dự án điện gió 4.000 tỷ ở Gia Lai

25/05/2023, 20:24

Nhà máy Điện gió Ia Le 1 (huyện Chư Pưh, Gia Lai) đã hoàn thành 2 năm nhưng người dân trong vùng ảnh hưởng vẫn chưa được nhận hỗ trợ đền bù.

Hàng chục hộ dân xã Ia Le, huyện Chư Pưh liên tục có đơn kiến nghị gửi tỉnh Gia Lai và ngành chức năng đề nghị nhà máy Điện gió Ia Le 1 bồi thường, hỗ trợ các hộ dân có đất nằm trong hành lang an toàn công trình điện gió.

img

Trụ điện gió ngay trong khuôn viên của gia đình khiến gia đình bà Trần Thị Hồng ( xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) không khỏi lo âu.

Bất an khi sống dưới chân trụ điện gió

Năm 2020, Dự án Nhà máy Điện gió Ia Le 1 của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Điện gió Cao Nguyên 1 (trụ sở tại thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) bắt đầu thi công.

Nhà máy có công suất thiết kế 100 MW với vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, gồm 28 trụ điện gió, trạm nâng áp, đường giao thông nội bộ, khu nhà quản lý… Đến tháng 12/2021, nhà máy điện gió này được chấp thuận vận hành thương mại một phần với 14 trụ điện gió quay, phát điện lên hệ thống điện lưới quốc gia.

Dự án đã hoàn thành nhưng đến tháng 5/2023, nhà máy điện gió vẫn chưa hoàn tất việc đền bù, hỗ trợ khiến hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng bức xúc.

Căn nhà của gia đình bà Phạm Thị Hòa (44 tuổi, thôn Phú Bình, xã Ia Le) cách chân trụ điện gió gần 80m. Cánh quạt quay qua đất của căn nhà 70m, trụ cách đất nhà bà 10m.

"Vừa qua, tại Gia Lai có trường hợp cánh quạt điện gió gãy, hoặc ở tỉnh khác hệ thống điện phát nổ và bốc cháy khiến gia đình chúng tôi vô cùng bất an. Không có những sự cố này thì hằng ngày sống, làm việc dưới cánh quạt điện gió, gia đình tôi đã không yên tâm rồi. Tôi nghe nói công ty sẽ hỗ trợ gia đình tôi hơn 100 triệu đồng để di dời đi nơi khác nhưng số tiền này là quá ít, không đủ mua đất, xây nhà chỗ khác và canh tác”, bà Hòa bức xúc nói.

Cách nhà bà Bình không xa là nhà bà Trần Thị Hồng (46 tuổi, cùng thôn Phú Bình, xã Ia Le). Bà Hồng cho biết, gia đình bà có tới gần 3ha bị ảnh hưởng bởi điện gió. "Nhà ở, chuồng dê, chuồng bò và đất sản xuất bị ảnh hưởng hết. Khoảng cách từ chân trụ điện gió đến nhà ở của gia đình tôi khoảng 65m. Vào mùa mưa, nước theo cánh quạt dội thẳng vào nhà khiến gia đình vô cùng bất an".

Bà Hồng cũng cho biết, các trụ điện gió quay phát điện phát ra tiếng ồn rất lớn, nghe rất sợ.

"Gia đình tôi có 6 người đang sinh sống tại đây, hai năm qua đã thấy rất bức xúc. Bây giờ mùa mưa cũng tới gần rồi, nếu có ảnh hưởng tính mạng thì ai chịu trách nhiệm?", bà Hồng nói.

UBND xã Ia Le, huyện Chư Puh cho biết, trên địa bàn xã có 37 hộ dân có đất trong phạm vi hành lang dự án chưa được bồi thường. Bước đầu phía công ty đồng ý bồi thường nhưng mức quá thấp, dân không đồng ý. Vì vậy, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài.

img

Người dân thấp thỏm lo âu khi trụ điện gió tại xã Ia Le (Chư Pưh, Gia Lai) ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình.

Ra điều kiện với điện gió nếu chưa đền bù

Theo quy định của Bộ Công thương, công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300m. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về mức bồi thường, hỗ trợ trong phạm vi 300m dưới chân điện gió khiến chủ đầu tư các dự án điện gió tại Gia Lai đều thực hiện mức bồi thường chỉ bằng 10% định mức bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Từ đó dẫn đến việc người dân không đồng thuận.

Ông Nguyễn Minh Tứ, Phó chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho biết: "Vướng mắc hiện tại là bộ ngành Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể mức giá bồi thường, hỗ trợ đất và tài sản trên đất nằm trong hành lang an toàn cột tháp gió… Do đó, chủ đầu tư chưa có cơ sở để thỏa thuận với người dân", ông Tứ nói và cho biết, đã gửi các kiến nghị đến cấp trên.

Liên quan đến việc đền bù, hỗ trợ tại Nhà máy Điện gió Ia Le 1 của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Điện gió Cao Nguyên 1, ông Nguyễn Hữu Quế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã có buổi tiếp xúc, đối thoại với các hộ dân xã Ia Le về các nội dung khiếu nại, kiến nghị dự án điện gió trên địa bàn.

Tại đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, sẽ làm hết trách nhiệm với các hộ dân. Đồng thời, trong thời gian chờ hướng dẫn cụ thể của cơ quan thẩm quyền Trung ương, đề nghị các hộ dân hạn chế đi lại lên tỉnh nhằm đảm bảo an toàn, không gây ảnh hưởng đến công việc và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Liên quan vụ việc trên, trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết, Sở vừa có buổi làm việc với Công ty Nhà máy điện gió Ia Le 1 về việc hỗ trợ đền bù cho người dân khu vực đơn vị này triển khai dự án.

Theo ông Binh, quy định về việc xây dựng điện gió phải cách xa khu dân cư tối thiểu 300m. Các trụ điện gió của dự án đã đền bù tại các vị trí giải phóng mặt bằng. Còn các vị trí trụ điện gió nằm gần các khu nhà rẫy, trang trại gần và bị ảnh hưởng tới người dân.

“Chúng tôi đã yêu cầu đơn vị Nhà máy điện gió Ia Le 1 phải có phương án đền bù cho người dân thoả đáng”, ông Binh nói.

“Việc người dân đòi đền bù hiện chưa có quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc xây dựng điện gió này ảnh hưởng không nhỏ tới các hộ dân, chủ đầu tư cần có trách nhiệm với những người dân xung quanh để không xảy ra khiếu nại, khiếu kiện”, ông Binh nói và cho biết, nếu không xử lý rốt ráo hỗ trợ đền bù cho dân, chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng tạm thời chưa cho phép triển khai hoạt động điện lực của dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.